Tự chủ không phải là lý do để thu học phí cao chót vót

22/04/2021 06:59
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Học phí trường công lập cần xây dựng căn cứ mức sống thu nhập người dân chứ không phải trường tự tính, tự đội học phí lên cao".

Trường công, tư đua nhau tăng học phí

Năm học 2021-2022, nhiều trường đại học bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ đã đẩy mức thu học phí tăng vọt so với năm học trước. Tương tự, gần như các trường còn lại cũng đều tiếp tục tăng học phí theo lộ trình.

Năm 2020, sinh viên có hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng chế độ ưu tiên khi học tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vì chỉ đóng mức học phí 14,3 triệu đồng so với mức học phí 28,6 triệu đồng của thí sinh ở các địa phương khác.

Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022 sẽ không còn cơ chế này. Theo công bố của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong đề án tuyển sinh năm 2021, từ năm học 2021-2022, mức học phí không phân chia theo khu vực mà sẽ “đồng giá” và tăng lên.

Theo đó, mức cao nhất không vượt quá 32 triệu đồng cho các ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt và không quá 28 triệu đồng cho các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng.

Nhà trường cũng ghi rõ học phí này chưa bao gồm hai học phần bắt buộc là Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng-An ninh được thu theo quy định hiện hành. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định.

Trường Đại học FPT cũng tăng học phí đào tạo từ 25,3 triệu/học kỳ lên 27,3 triệu/học kỳ, chương trình đào tạo tiếng Anh tăng từ 10,35 triệu lên 11,3 triệu cho mỗi mức đào tạo. Học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng 10%.

Học phí của Đại học Phú Xuân năm học 2021-2022 sẽ tăng 5% so với năm học 2020-2021.

Tương tự, năm nay, học phí của Học viện Tài chính cũng tăng thêm 3 triệu so với năm 2020, từ 12 triệu lên 15 triệu đồng/sinh viên/năm.

Tổng học phí cho toàn khóa học là 60 triệu đồng/sinh viên. Từ năm học 2022- 2023, học phí sẽ được điều chỉnh theo quy định hiện hành của Nhà nước nhưng không vượt quá 10%/năm học.

Riêng chương trình chất lượng cao và diện tuyển sinh theo đặt hàng vẫn giữ nguyên mức học phí như năm ngoái, lần lượt là 45 triệu đồng/năm và 40 triệu đồng/năm.

Học phí phải phù hợp với thu nhập của người dân

Liên quan đến câu chuyện tăng học phí, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng cần tách bạch giữa trường công lập và trường tư thục.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

“Học phí trường công lập cần xây dựng căn cứ mức sống thu nhập người dân chứ không phải trường tự tính, tự đội học phí lên cao khiến cho sinh viên không chịu nổi đành bỏ học.

Trên thế giới một nền giáo dục tốt cần đảm bảo 3 tiêu chí: Công bằng - Hiệu quả - Chất lượng.

Nếu chính sách học phí của ta không đảm bảo tính công bằng, người nghèo không có cơ hội tiếp cận với giáo dục thì không thể là nền giáo dục tốt”, Tiến sĩ Khuyến nói.

Đối với hệ thống trường công lập, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm các nước cho thấy để xác định chi phí đầu tư dù trường phổ thông hay đại học thì đều dựa vào một chỉ số đó là chi phí đơn vị - chi phí cần phải có để đảm bảo một người học (học sinh, sinh viên) có thể duy trì học tập trong năm đó.

Khi chi phí càng lớn thì người học được đầu tư càng nhiều, vì lẽ đó mà chất lượng được nâng cao lên, tuy nhiên không phải nâng chi phí đơn vị lên vô tận, cao chót vót mà cần tính toán khả năng huy động nguồn lực thế nào để đảm bảo chi phí đơn vị đó.

Nếu mức học phí quá cao sẽ hạn chế người tài vào được trường tốt.

Chi phí đơn vị sẽ được chia sẻ, tính theo % giữa ngân sách nhà nước; học phí từ người học và đóng góp của cộng đồng (nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân, nhà tài trợ, cựu sinh viên, hoạt động lao động sản xuất, hoạt động nghiên cứu khoa học).

“Tổng tiền thu được ở tất cả các nguồn huy động quyết định việc chi phí đào tạo mà nhà trường bảo đảm trước xã hội”, Tiến sĩ Khuyến nói.

Do đó, nguồn thu từ học phí của khối trường công lập chỉ chiếm một phần trong chi phí đào tạo vì phải căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân do đó trường công lập đừng đặt vấn đề lấy thu bù chi.

Bởi chi là do ý chủ định của mình, nếu thu phải đuổi theo mức chi là không đúng, mà phải căn cứ vào mức thu được bao nhiêu để chi cho chi phí đào tạo.

Nhưng trường tư thục thì khác. Vì trường tư không được hỗ trợ thường xuyên từ ngân sách nhà nước, có thể có nguồn huy động từ mạnh thường quân, hoạt động nghiên cứu khoa học…nhưng không nhiều nên nguồn thu chủ yếu cho chi phí đào tạo chính là học phí, do đó trường tư không bị giới hạn về học phí.

Chính vì vậy, trên thế giới, ở đa số các nước, những trường có mức chi phí đào tạo cao thường rơi vào trường tư đẳng cấp cao ví như trường Đại học Harvard…chứ không phải trường công lập.

Cuối cùng, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, các trường công lập không được phép thu học phí lên mức tối đa, phải có giới hạn trần để đảm bảo công bằng xã hội nên chi phí đào tạo của trường công luôn bị kiểm soát, phụ thuộc vào mặt bằng thu nhập trung bình của người dân.

Điều này cho thấy, nếu chỉ trông vào học phí thì trường công phải lý giải được ngoài học phí thì nhà trường cần có những nguồn huy động nào nữa để bù cho hoạt động đào tạo và nguồn huy động từ học phí đã vượt quá mức thu nhập trung bình của người dân chưa?

Trả lời được 2 câu hỏi này thì mới khẳng định tăng học phí là hợp lý, chứ không sẽ mù mờ, thuyết phục người dân không cao.

Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi quy định, với các trường tự chủ, quy định mức học phí là quyền của các trường tuy nhiên tự chủ không có nghĩa là không còn ngân sách nhà nước đầu tư.

Lý giải về việc áp dụng cơ chế tự chủ, một số trường cho rằng, khi áp dụng cơ chế tự chủ thì không còn được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, ngưng cấp chi thường xuyên nên việc phải tăng học phí để bù vào các khoản hụt thu là tất yếu.

Vì vậy, việc tăng học phí là điều tất yếu, không thể khác được, để nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động đào tạo.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: “Quan điểm tự chủ mà không được cấp ngân sách thì đó là tự túc, và đó là quan điểm sai lầm”.

Bởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần nhấn mạnh, nhất là tại cuộc họp với lãnh đạo các bộ ngành, cơ sở giáo dục đại học về dự thảo nghị định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên diễn ra ngày 18/7/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Nhiều người hiểu tự chủ đại học là không còn ngân sách nhà nước đầu tư mà trường phải tự túc về kinh phí. Đó là quan điểm sai lầm…”.

“Chúng ta cho các trường tự chủ về học thuật, tổ chức bộ máy, tài chính, tăng khả năng huy động các nguồn tài chính khác, nhưng nguồn từ ngân sách nhà nước không được cắt giảm.

Mục đích hiện nay là đổi mới đại học sao cho phát huy được sự sáng tạo, tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh [1].

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Tu-chu-DH-phai-dong-bo-voi-co-che-dat-hang/341709.vgp

Thùy Linh