Tử thần rình rập bên những chuyến bè chở học sinh sang sông

03/12/2011 06:00
Đinh Văn Điệp
(GDVN) - Vẫn biết là cực kỳ nguy hiểm nhưng 1.000 nhân khẩu ở xã Thạch Lâm (Thạch Thành, Thanh Hoá) trong đó có gần 200 em HS hàng ngày vẫn phải qua sông bằng bè

Chỉ với 9 đến 10 cây luồng ghép lại, dài khoảng 8 mét được buộc lại với nhau bằng những sợi dây rừng tạm bợ - người dân 3 thôn Đồi, Biện, Ngéo, ở xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh (Thanh Hoá), đã bao đời nay dùng nó vượt sông, “giao thương”, và hàng trăm học sinh địa phương gian nan vượt dòng sông Bưởi tới trường học chữ.

Chỉ cách trường và đường Hồ Chí Minh khoảng 500m nhưng mọi sinh hoạt của người dân 3 thôn, Đồi, Biện, Ngéo với hơn 1000 nhân khẩu bao đời nay phải phụ thuộc hết vào dòng sông hung dữ.

Có mặt tại  bến sông Chảy Chăm, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều em học sinh đứng trên bè, do một người lớn đang gồng mình trèo chiếc bè đưa  chở 5,6 em học sinh lướt trên dòng nước chảy xiết, bên kia sông mấy chục em đang nhốn nháo chờ chiếc bè quay lại để vượt  sông.

Chiếc bè được làm tạm bợ, có thể bị dòng nước làm vỡ bất cứ lúc nào
Chỉ cần một chút không cẩn thận là các em có thể ngã xuống sông bất cứ lúc nào

Đến bờ bên kia, do bè không thể cập sát bờ, các em phải xắn quần thật cao, tay cầm dép, tay xách cặp lội ùa lên bờ.

Em Bùi Thị Năm, học sinh lớp 5B trường tiểu học Thạch Lâm I cho biết: “Mùa mưa này còn đỡ, mùa nước lũ cứ khoảng 5 giờ 30 là em phải dậy ra ngóng nước có lên to không để chuẩn bị sách vở sang sông đi học, nhiều hôm nước to sang được sông thì cũng ướt hết người”.

Còn ông Bùi văn Chính, nhà cạnh bến thôn Đồi cho biết: “Thương lũ trẻ con nước lớn không biết bơi đành phải ở nhà, những đưa lớn biết bơi thì bỏ quần áo, sách vở vào túi ni lông bơi qua sông đi học, nguy hiểm lắm nhưng vẫn phải đi, mùa này mấy  thôn đã góp sức bắc cây cầu tre qua sông cho bà con đi lại cho đỡ khổ. Nhưng khi mùa mưa đến, nước lũ to, cầu bị cuốn trôi nên các em lại phải qua sông bằng bè.”

Đối với các em học sinh lớn hơn, cặp bằng túi ni long không chỉ đựng sách vở ma đôi khi còn đựng cả quần áo

Sông Bưởi có bề rộng gần 80 mét chảy cắt ngang 3 Thôn Đồi, Biện, Ngéo với 100% là người dân tộc Mường. Sau lưng 3 thôn là dày rừng Cúc Phương.

Đời sống bà con nơi đây chủ yếu bằng nghề trồng nông sản, ngô, sắn… Đặc biệt là thôn Đồi với 73 hộ với 337 nhân khẩu nhưng không một nhà nào có đất trồng lúa.

Ông Đinh Văn Xuất trưởng thôn Đồi nói: “Thôn chúng tôi như cái bát bị úp vào chậu nước ấy, một bên là rừng, một bên là sông, muốn làm gì cũng khó nên bà con còn nghèo lắm”.  Việc qua sông để “tìm cái chữ”, “giao thương” thì chỉ có cách là băng qua sông.

3 thôn có tới gần 200 em học sinh học cấp, một, hai, ba hằng ngày phải vượt sông bằng chiếc bè mảng để đến lớp. Hôm nào trời đẹp, không mưa thì học sinh băng sông đến lớp còn đầy đủ chứ hễ có mưa, nước sông dâng là lượng học sinh đếp lớp lại giảm sút rõ rệt.

Hành trình qua sông cực kỳ nguy hiểm

Cô Nguyễn Thị Mậu, hiệu trưởng trường tiểu học Thạch Lâm I, cho biết: “Cả xã có 7 thôn tất cả chia làm hai khu mà bên sông chiếm mất 2/3 số học sinh rồi. Vào mùa nước lên các em không sang sông được lớp vắng teo, nhà trường đành phải chờ các em đến đủ mới dạy được”.

Có hàng ngàn lý do có thể khiến tai nạn xảy ra trên những chuyến qua sông này, như: đứt dây néo thân bè; nước lũ thượng nguồn bất chợt đổ về; cây cối, gỗ trôi sông vướng vào bè khiến bè vỡ…

Nguy hiểm luôn rình rập những lần qua sông như thế này người dân 3 thôn đều hiểu rõ hơn ai hết. Nhưng họ không còn lựa chọn nào khác, họ bắt buộc phải gắn cuộc sống mưu sinh, hằng ngày của mình với những chuyến bè sang sông này.

“Tôi mong ước có một cây cầy để các em học sinh  và người dân nơi đây sang sông một cách thuận tiện”, cô Mậu tâm sự.

Thấy được sự gian nan của các em các thầy cô tạo mọi điều kiện cho học sinh đến lớp, mà không bị đứt đoạn chương trình như học vào thứ 7, chủ nhật. Cô  Mậu tâm cho biết thêm: “Trước đây số học sinh đến lớp rất ít một phần là khi nước lũ lên là các em ở nhà giúp bố mẹ coi nhà, trông em, chúng tôi đã rất cố gắng đến hộ động viên gia đình khắc phục hoàn cảnh để các em đến lớp đều đặn hơn”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyên Thế Thuận chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho biết: “Hàng năm xã hỗ trợ cho các thôn 4 triệu đồng để các thôn làm bè mảng và cầu tre qua sông, với khả năng của xã hiện nay để tự làm là điều không thể vì số tiền quá lớn mà dân ở đây thì quá ít”.

Mong ước thì vẫn là mong ước, đối với các em học sinh và người dân 3 thôn Đồi, Biện, Ngéo vẫn phải dằn lòng chấp nhận những chuyến bè qua sông. 

Đinh Văn Điệp