

Bên cạnh một số ít ỏi những ý kiến ủng hộ tỉnh Nam Định và cho rằng đây là một quyết định "không cào bằng", thì đa số các ý kiến đều phản đối bởi... nếu muốn so tài thực sự thì hãy thi tuyển.
Đề nghị Chủ tịch tỉnh Nam Định thảo luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục!
“Bộ giáo dục nghĩ gì? Chính Bộ giáo dục cho ra đời các trường dân lập, hệ tại chức, từ xa?”, bạn Hải Bùi đặt câu hỏi.
“Nếu là ngành nghề học không phù hợp thì là lẽ thường tình, nhưng đây lại phân biệt hình thức học và trường học là không được. Học cũng có ba, bảy đường học, chắc gì học chính qui đã hơn tại chức, huống hồ là coi Đại học dân lập không bằng Đại học công lập. Không ít người du học hết nước ngoài này đến nước kia, hoặc đủ thứ bằng của trường này đến Viện nọ nhưng chưa hẳn đã bằng một người học trong nước.
Quan trọng là ở cách học, cách dạy và mục đích của người học. Nếu Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết chủ trương như vậy thì đề nghị ông hỏi Phó Thủ tướng Chính phủ, hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục rằng: Cấp phép mở trường Đại học tư thục để làm gì? Cho mở các hệ học tại chức để làm gì?”, một người bức xúc chia sẻ trên VTC News.
“Tôi là một sinh viên tại chức nên thấy tủi thân quá. Tỉnh nào cũng như thế này, công ty nào cũng như thế này thì tôi hỏi mỗi năm Bộ Giáo dục sinh ra hàng ngàn người con ngoài công lập làm gì để ăn đây? Chúng tôi đi đâu tìm việc bây giờ?”, bạn Nguyen Ngoc Hung bức xúc.
![]() |
Không thể phủ nhận nhiều trường NCL có cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy rất tốt (Ảnh MH) |
Nhiều người học giỏi vẫn lựa chọn học trường dân lập
Đừng nên “đú” với Đà Nẵng!
Những người có con em ở Nam Định đang theo học các trường NCL thì tỏ ra thất vọng và mất niềm tin.
Họ cho rằng: Học dân lập thì cũng là học, chuyện cái bằng chỉ là một phần, bởi có rất nhiều người tuy học dân lập nhưng cũng không hề kém cạnh về mặt kiến thức ngành mà họ học.
“Tôi là người Nam Định cũ phải đi làm xa, nhưng mỗi lần về quê tôi thấy chẳng thay đổi gì, đường xá nhếnh nhác, nước thì chảy trên đường,… không biết lãnh đạo tỉnh kém hay là tỉnh thuần nông không có ngân sách phát triển? Bây giờ lại nghe tuyển công chức như thế thì khó hiểu.
ở Đà Nẵng, cơ sở hạ tầng người ta tốt rồi thì người ta mới đặt ra yêu cầu như thế, còn ở cái tỉnh nghèo này, dân thì khổ, vận dụng như thế làm sao được?. Theo tôi thì mình tuyển người tài giỏi, có đức, có tâm, chứ không áp đặt cái bằng cấp của trường này. trường kia”, - một bạn đọc chia sẻ.
![]() |
Nếu quy định trên được nhân rộng thì những sinh viên NCL sau khi tốt nghiệp biết sẽ ra sao? (Ảnh MH) |
Muốn công bằng, chỉ có thi tuyển
Thất vọng vì sự phân biệt này, nhiều người cho rằng, quyết định này thể hiện sự bất lực của tỉnh Nam Định trong công tác tuyển chọn công chức, thậm chí có người cho rằng, công tác tuyển chọn của tỉnh Nam Định... có vấn đề.
Từ quyết định trên, nhiều người đề nghị: Muốn nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức thì hãy tổ chức thi tuyển thật công bằng và khách quan. Một kỳ thi công bằng cùng với một đề thi tốt, sát với đòi hỏi của công việc, có thể đánh giá chính xác hơn cái số liệu ghi lại 4-5 năm đào tạo kia.
"Hãy tuyển dụng khách quan, công bằng theo quy định hiện tại của Nhà nước thì mới tuyển được người giỏi. Nếu cùng một ngành thì đầu vào của dân lập là thấp hơn công lập nhưng đó chỉ là một mốc đánh dấu tại thời điểm đó thôi. Còn cả quá trình rèn luyện, học tập 4 - 5 năm không ai dám khẳng định tất cả sinh viên công lập giỏi hơn dân lập", một ý kiến kêu gọi.
“Nếu tỉnh nào cũng như tỉnh Nam Định thì khác nào nói không với trường Ngoài công lập. Trong khi chủ trương Xã hội hóa giáo dục của Nhà nước ta không phải như thế.Tôi nghĩ thi tuyển theo năng lực thì nên cho mọi đối tượng thi, làm như thế này là không công bằng với những SV thực sự có năng lực, như vậy là đang lãng phí nhân tài. Nếu thực sự muốn trọng dụng người tài thì phải tổ chức thi tuyển minh bạch, cho họ cơ hội thể hiện năng lực của mình”, bạn đọc Tiên Quỳnh chia sẻ.