Tuyển sinh ngành công an mà chỉ "đấu tay trong” thì...

27/01/2019 07:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại tá Ngô Văn Xiêm nói: “Đào tạo ngành công an nhiều năm qua thấy rằng, những anh học qua Trung cấp kiến thức thường rất yếu”.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Xiêm – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh việc Tướng Lê Văn Cương đề xuất hạn chế học sinh phổ thông vào đại học ngành công an.

Theo vị nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, đề xuất trên có lợi thế là không tuyển mới nhiều, thay vào đó là tuyển cán bộ chính trong lực lượng đi học.

“Nhưng có cái dở là tôi theo dõi về đào tạo ngành công an nhiều năm qua thấy rằng, những anh học qua Trung cấp thường kiến thức rất yếu.

Nên nếu có thay đổi, cần cải thiện đầu vào Trung cấp”, ông Xiêm nhận định.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Xiêm – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Dân Việt
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Xiêm – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Dân Việt

Theo ông, đúng là những người công tác trong ngành công an rồi học lên thì có kinh nghiệm thật nhưng chất lượng nền thì yếu.

“Ngược lại, đối với đầu vào các trường ngành công an là học sinh phổ thông như những năm qua, các em được đào tạo kiến thức rất cơ bản.

Nói thực là trình độ rất giỏi. Nếu chúng ta hạn chế nguồn tuyển này sẽ là một điều rất đáng tiếc”, vị nguyên Phó Hiệu trưởng nói.

Ông chia sẻ thêm, tất nhiên đầu vào là người trong ngành đã qua Trung cấp, đã đi làm có được một số lợi thế như đã phân tích ở trên

Nhưng qua tiếp xúc, ông thấy đào tạo đầu vào là học sinh phổ thông đủ điểm chuẩn thực sự các em rất giỏi và thông minh.

Chắc chắn với nguồn đó ra trường, chỉ cần đồng nghiệp, tiền bối hướng dẫn thời gian ngắn sẽ nhanh chóng trưởng thành trong công tác.

“Các cháu công nghệ, kiến thức giỏi mới đủ khả năng để đấu tranh với các loại tội phạm tinh vi, tội phạm công nghệ hiện nay được.

Dù thực địa hay tác chiến nếu không có kiến thức sẽ rất khó. Cái này dù có kinh nghiệm cũng khó đánh đổi được”, ông nói.

Với thời gian dài gắn bó với đào tạo sinh viên ngành công an, Đại tá Ngô Văn Xiêm nhận định: “Kinh nghiệm là tốt nhưng không phải điều quyết định”.

Theo ông, đề xuất của Thiếu tướng Lê Văn Cương có cái hay nhất định nhưng lại dở ở một số khía cạnh như phân tích ở trên.

Chúng ta cần tuyển một lượng nào đấy những người thực sự tài năng, trình độ chuyên môn, sức khỏe tốt. Đầu vào như thế thực sự là rất tuyệt vời đối với bất cứ ngành nghề nào chứ không riêng với ngành công an.

Ông cũng cho biết, đúng là rất ít nước đào tạo ngành công an như Việt Nam.

Bắt tạm giam giảng viên lừa chạy vào các trường Công an

Ở nhiều nước, họ tuyển đầu vào là những người giỏi chuyên môn, đã tốt nghiệp đại học.

Những người này được tuyển vào chỉ cần đào tạo 2 năm là có thêm một văn bằng nữa.

“Họ đi đúng vào chuyên ngành công an cần tuyển và ra công tác. Rất nhiều nước trên thế giới đều làm như vậy.

Chứ họ không đào tạo như mình đâu.

Các nước chỉ cần mất 1-2 năm đào tạo sâu về chuyên môn để làm việc. Bởi nguồn vào này đã có trình độ, hiểu biết, ngoại ngữ rồi nên mọi việc sẽ nhanh chóng hơn.

Đó cũng là một hướng để có nguồn vào chất lượng.

Theo tôi, kinh nghiệm thực tế không phải là điều gì quá ghê gớm.

Thực tế hiện nay, nhiều khi người làm việc lâu “rỉ tai” các cán bộ mới không phải là kinh nghiệm làm việc mà là “kinh nghiệm cuộc sống” nhiều hơn. Kinh nghiệm đó chưa chắc đã phải là tốt”, ông đánh giá.

Theo ông, các trường công an chỉ cần nêu các tiêu chí, điều kiện, ai đủ thì thi vào. Đạt thì theo học. Lúc đó đỡ thời gian, công sức đào tạo trong trường công an.

“Tay nghề, kinh nghiệm làm việc không phải nói là làm ngay được. Tốt nghiệp ra trường mà làm tốt ngay công việc được là rất hiếm.

Theo tôi, thế giới đã làm rồi, có kinh nghiệm rồi. Ví dụ trong 1.000 cử nhân tốt nghiệp đại học, các trường công an có 100 chỉ tiêu thì cứ 10 “đấu” 1.

Thí sinh Hòa Bình, Sơn La đỗ trường công an, quân đội hiện chỉ là tạm thời

Đấu đúng nghĩa về kiến thức, trình độ chứ không phải “đấu” tay trong.

Nếu “đấu” bằng “chân trong, tay trong” thì tuyển cách nào cũng khó chọn được người giỏi.

Nguồn vào theo cách nào thì cũng có cái hay, cái dở khó hoàn hảo được. Nhưng trong những cách hay, chúng ta nên chọn cách hay hơn.

Cái chính là đừng chân trong, chân ngoài, tuyển chọn con ông cháu cha, hay kiểu nhắn nhủ “con tôi đấy”…Đó mới là một thực tế mà lâu nay dư luận vẫn rất lo ngại trong tuyển sinh ngành công an”, ông Xiêm chia sẻ.

Đỗ Thơm