Ứng dụng phương trình bậc 2 vào cuộc sống và nút thắt tư duy của ngành giáo dục

02/01/2018 07:10
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Chúng tôi cũng xin mạo muội được hỏi Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, đến giờ thầy Thành đã bao giờ ứng dụng được phương trình bậc 2 vào thực tế chưa?

LTS: Xung quanh việc sửa đổi quy chế tuyển sinh đầu cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường có số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển cao hơn chỉ tiêu được kết hợp xét tuyển với "kiểm tra đánh giá năng lực", thầy giáo Nguyễn Nguyên có bài viết chia sẻ góc nhìn của mình.

Thầy đồng tình với quyết định này của Bộ vì nó phù hợp với đòi hỏi của thực tế. Tuy nhiên tác giả cũng đưa ra những băn khoăn về chỉ đạo chuyên môn "kiểm tra đánh giá năng lực" thay vì "thi tuyển". Xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết.

Là người đảm nhận vai trò Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học của Bộ giáo dục và Đào tạo, Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để chia sẻ, trả lời những vẫn đề nóng về giáo dục phổ thông. 

Là cán bộ chỉ đạo chuyên môn giáo dục phổ thông của cả nước, cho nên những phát biểu của thầy Thành thường được những thầy cô đang hàng ngày đứng lớp như chúng tôi đặc biệt quan tâm, vì điều thầy nói liên quan mật thiết với công việc hàng ngày của chúng tôi. 

Tuy nhiên, có những phát biểu của thầy Thành nghe xong, giáo viên chúng tôi cũng chẳng biết phải thực hiện như thế nào cho đúng!

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành đã ứng dụng được phương trình bậc 2 vào cuộc sống chưa?

Ngày 18/12/2017 Bộ Giáo dục - Đào tạo đã công bố dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học cơ sở phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014. 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi Toán quốc tế giữa các thành phố lần thứ 37 năm 2015, tại Hà Nội. Ảnh: VTV.vn.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi Toán quốc tế giữa các thành phố lần thứ 37 năm 2015, tại Hà Nội. Ảnh: VTV.vn.

Theo đó, Bộ dự kiến cho phép một số trường trung học cơ sở có lượng học sinh đăng ký quá đông so với chỉ tiêu, được tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay.

Có thể nói rằng đây là một sự điều chỉnh phù hợp sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe tiếng nói từ cơ sở. 

Bởi kể từ khi lệnh cấm thi tuyển sinh được ban ra, đã xuất hiện tình trạng hồ sơ tuyển sinh của học sinh lớp 5 “đẹp chưa từng có”. 

Học sinh phải lao vào đủ loại cuộc thi, “sân chơi trí tuệ” có trả tiền mà Bộ, sở, phòng kết hợp với doanh nghiệp tổ chức, để tìm kiếm các giải thưởng làm tiêu chí phụ xét tuyển vào các trường tư thục có tiếng, hoặc các trường công lập “chất lượng cao”, một mô hình trường chuyên với tên gọi khác.

Trước những băn khoăn của dư luận về việc cởi trói đầu vào lớp 6 cho một số trường, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành đã có những chia sẻ về vấn đề này trên Báo Lao động:

"Chúng ta đang đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Việc quy định đánh giá năng lực học sinh cần phải được nhận thức và thực hiện đúng đắn. 

Điều này khác với đánh giá kiến thức vì kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. 

Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Ví như kiểm tra kiến thức ở môn toán học có thể giao cho học sinh một phương trình hay nội dung nào đó dùng kiến thức để giải. 

Còn khi đánh giá năng lực, sẽ giao cho học sinh vận dụng kiến thức mình làm để giải quyết vấn đề cụ thể. Học sinh phải lập phương trình để giải chứ không phải chỉ là giải phương trình cho sẵn".

Ứng dụng phương trình bậc 2 vào cuộc sống và nút thắt tư duy của ngành giáo dục ảnh 2

Sửa sai trong giáo dục, xin chớ nửa vời

Từ lâu, cụm từ “phát triển năng lực học sinh” đã được lãnh đạo của ngành giáo dục nói rất nhiều cũng như sử dụng trong một số văn bản. 

Nhưng dường như Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành đang cố gắng tách “kiến thức” ra khỏi “năng lực” và đặt 2 khái niệm này vào thế đối lập? Có năng lực nào không sử dụng kiến thức?

Sinh thời, Cụ Hồ dạy rất đơn giản và sâu sắc: Học phải đi đôi với hành! Ngày nay người ta nghĩ ra đủ thứ khái niệm, nhưng không chỉ ra được phải làm thế nào để đạt được điều họ muốn.

Muốn đánh giá năng lực thì học sinh đó pải có kiến thức. Bây giờ xin được nhờ Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, thầy ra hộ 1 đề toán mà chỉ đánh giá năng lực, không cần tới kiến thức để giáo viên chúng tôi được thị phạm, không biết thầy có sẵn sàng?

Chúng tôi cũng xin mạo muội được hỏi Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, đến giờ thầy Thành đã bao giờ ứng dụng được phương trình bậc 2 vào thực tế chưa? Nếu có, xin thầy nêu cụ thể ra xem nào?

Chao ôi, học sinh thi đầu vào lớp 6 mà Phó Vụ trưởng nghĩ những vấn đề cao siêu đến thế chăng? 

Trong khi, cấp tiểu học đang thực hiện Thông tư 22 chỉ đánh giá học sinh qua nhận xét, chỉ thi vào cuối học kì 1 lần. Kiến thức cơ bản đang còn chưa thông thạo thì nghĩ gì đến những chuyện như Phó Vụ trưởng nghĩ. 

Hơn lúc nào hết, giáo viên chúng tôi tha thiết mong muốn Phó Vụ trưởng hãy ra thử 1 đề kiểm tra "năng lực toán học" mà không dùng kiến thức toán để thi tuyển lớp 6 để làm mẫu cho các trường trung học cơ sở tổ chức thi tuyển đầu vào. 

Nếu không, thầy hãy phát biểu và chỉ đạo cụ thể, rõ ràng chứ chỉ đạo nước đôi, mơ hồ như vậy có khác gì đang làm khó các nhà trường mà cũng gây cho giáo viên chúng tôi nhiều khó khăn quá.

Ngành áp đặt lên người thầy, nhưng lại đòi giáo viên phải phát triển năng lực học sinh

Những yêu cầu của Bộ cũng như cá nhân Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành đối với mục tiêu giáo dục cũng là mong muốn của toàn xã hội. Nhưng những yêu cầu đó không sát với thực tế giáo dục nước nhà. 

Bởi lãnh đạo ngành muốn “đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh” nhưng lại cứ áp giáo viên phải dập khuôn một cách máy móc trong giảng dạy từng các bước lên lớp, hồ sơ, giáo án và ngay cả đề kiểm tra học sinh. 

Ứng dụng phương trình bậc 2 vào cuộc sống và nút thắt tư duy của ngành giáo dục ảnh 3

Lý do nào khiến thầy Hiển, thầy Luận "cấm tuyệt đối" thi tuyển sinh lớp 6?

Mô hình trường học mới VNEN thể hiện rõ nhất tư duy ngược này.

Giáo viên bị "trói chặt" bởi tài liệu 3 trong 1 của các nhà dự án VNEN, để học sinh "tự khám phá" kho kiến thức hàn lâm nặng trịch của chương trình hiện hành.

Làm giáo dục như hiện nay, thầy còn chẳng được phép phát huy sở trường, năng lực thì nói gì đến phát triển năng lực học trò?

Trình độ, đối tượng học sinh mỗi khu vực đều khác nhau. Vậy nhưng, khi thi học kì, thi cuối năm thì sở, phòng giáo dục vẫn ôm chuyện ra đề thi trong cả một tỉnh hoặc một huyện. 

Vậy nên, mới có chuyện lộ đề như ở Khánh Hòa hay ra đề quá chương trình học ở  huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khi đề thi “vượt chương trình ở nhiều môn, đặc biệt môn tiếng Anh sang tận giữa học kỳ 2” mà báo chí vừa nêu trong mấy ngày qua. 

Vậy cấp Sở, cấp Phòng thì ai ra đề nếu không phải là những chuyên viên của ngành!

Chất lượng giáo dục qua những buổi tập huấn 

Sự bất cập lớn nhất là công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên hàng năm. Mỗi năm, có vài lần tập huấn và bản thân chúng tôi cũng đã từng tham gia tập huấn ở Sở một số chuyên đề. 

Tuy nhiên, nhiều khi chúng tôi cũng không thể thẩm thấu hết được nội dung tập huấn. Chuyên viên báo cáo và những người nghe báo cáo cũng chưa thống nhất được nội dung tập huấn. 

Thời gian tập huấn có đợt theo lịch là 3 ngày nhưng báo cáo viên chỉ báo cáo trong vòng chưa đầy 2 tiếng rồi cho các đơn vị tập trung làm bài tập. Làm bài tập xong thì thay nhau lên báo cáo, góp ý cho nhau. 

Vì mỗi đơn vị có những cách tiếp cận khác nhau, mạnh ai nấy làm nên khi làm bài tập cũng chưa đồng nhất. 

Thế nên, khi các đơn vị trình bày bài tập của mình xong có rất nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về cách thực hiện và dẫn đến nhiều điều chưa được người báo cáo giải đáp thấu đáo.

Ứng dụng phương trình bậc 2 vào cuộc sống và nút thắt tư duy của ngành giáo dục ảnh 4

Đội ngũ “cầm tay chỉ việc” giáo viên từ phòng lên bộ có nên cắt bỏ?

Vì vậy, khi về cơ sở áp dụng cũng mông lung và giáo viên vẫn phải dò dẫm mà đi. 

Đó là chưa kể, việc chỉ đạo qua mỗi cấp lại có những điều chỉnh khác nhau nên giữa văn bản chỉ đạo và nội dung tập huấn lại tréo ngoe với nhau.

Chính vì việc tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên hiện nay chưa đạt được hiệu quả như kì vọng bởi qua nhiều tầng nấc khác nhau nên nhiều khi cùng một nội dung chỉ đạo mà mỗi địa phương lại có cách thực hiện khác nhau. 

Vì thế, nhiều dự án, nhiều nội dung, phương pháp của Bộ giáo dục bị phá sản hoặc không phát huy được tác dụng. Công việc đổi mới giáo dục đôi khi phải giậm chân tại chỗ.

Đất nước hội nhập, giáo dục nước nhà nhất thiết là phải chuyển mình. Vì thế, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cho toàn thể đội ngũ của ngành giáo dục.

Trong đó, các chuyên gia kiến tạo cần phát huy trách nhiệm của mình trước. 

Cái gì cảm thấy có lợi cho cái chung thì làm, đã làm phải quyết liệt, phải tạo được động lực cho sự chuyển biến. Nếu không, mọi thứ chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu hô hào suông, xa rời với thực tế giảng dạy.

Ngoài ra chúng tôi cũng không hiểu ý Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là gì khi thầy chỉ đạo chuyển dần khái niệm thi sang khái niệm kiểm tra đánh giá các kiến thức phổ thông, cơ bản của học sinh, giảm bớt các kỳ thi không thiết thực.

Về "các kỳ thi không thiết thực" giáo viên đã phản ánh khá nhiều trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc Công văn số 1915/BGDĐT-GDTrH ngày 5/5/2017, nhưng công văn này không có tên tuổi đích danh cuộc thi nào.

Công văn số 5814/BGDĐT-GDTrH ngày 07/12/2017 về việc tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018 có nhắc đến cuộc thi ViOlympic và IOE do Bộ phối hợp với FPT, VTC Online tổ chức.

Nhưng thực tế Bộ vẫn chỉ đạo, chứ không phải tuyên bố dừng / loại bỏ / giảm bớt. Cho dù Bộ cấm sử dụng kết quả các cuộc thi này để xếp loại thi đua, cộng điểm tuyển sinh..., nhưng một công văn khó thay thế nổi các chính sách hiện hành.

Cụ thể là quy định tại mục b) khoản 2 Điều 10 Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 31/12/2015.

Trong khi theo phân quyền hiện nay, thi tuyển sinh đầu cấp (lớp 6, lớp 10) do các sở giáo dục và đào tạo quy định, nhất là các chính sách ưu tiên, cộng điểm.

Hơn nữa, ban tổ chức, ban chỉ đạo 2 cuộc thi này do Bộ thành lập và quyết định vẫn còn nguyên giá trị.

Bộ máy tổ chức, chỉ đạo 2 cuộc thi này là các quan chức của Bộ, của các vụ chuyên môn và các sở, phòng giáo dục và đào tạo ở địa phương.

Bởi vậy, cho dù công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH đã thể hiện tinh thần cầu thị của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc điều chỉnh các cuộc thi trên mạng, các "sân chơi trí tuệ" mà ngành giáo dục hợp tác với doanh nghiệp tổ chức trong trường học từ thời thầy Nguyễn Vinh Hiển, Phạm Vũ Luận, nhưng vẫn chưa xử lý rốt ráo.

Tài liệu tham khảo:

1.http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Sua-sai-trong-giao-duc-xin-cho-nua-voi-post182453.gd

2.https://laodong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-lop-6-kiem-tra-danh-gia-nang-luc-khac-thi-kien-thuc-582692.ldo

3.http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Nha-noi-dan-dan-giao-duc-se-khong-con-thi-nua-post182651.gd

Nguyễn Nguyên