Vì học trò và nhà giáo, xin Bộ hãy trả lại 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật

17/10/2021 06:59
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn học riêng, dạy riêng, kiểm tra riêng thì không có lí do gì Bộ lại yêu cầu cộng dồn kết quả 2 bài kiểm tra Âm nhạc và Mĩ thuật để ra kết quả môn Nghệ thuật.

Ngày 10/10/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: “Ghép 2 môn Âm nhạc với Mĩ thuật thành môn Nghệ thuật, vụ "cưỡng hôn" kỳ dị” của tác giả Hương Mai, phản ánh về sự “kỳ dị” đối với môn Nghệ thuật ở cấp trung học cơ sở.

Sự “kỳ dị” khi mà chương trình môn Âm nhạc và Mĩ thuật khác nhau, sách giáo khoa khác nhau, giáo viên khác nhau, dạy và kiểm tra thường xuyên, định kỳ khác nhau nhưng cuối cùng lại “ép” chung một kết quả của môn Nghệ thuật.

Chính từ sự gán ghép khiên cưỡng như vậy nên nhiều giáo viên lo ngại bởi môn học này có nhiều bất cập trong việc đánh giá, xếp loại và nhận xét kết quả học tập của học trò vào thời điểm cuối học kỳ, cuối năm học và tất nhiên nó còn nhiều cảnh tréo ngoe khác nữa.

“Ép duyên” môn Âm nhạc và Mĩ thuật thành môn…Nghệ thuật là tùy tiện

Khi đọc nội dung Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy Bộ hướng dẫn về môn Nghệ thuật như sau:

Môn Nghệ thuật bao gồm 02 nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật, mỗi nội dung chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt”.

Như vậy, từ những môn học độc lập, bây giờ Bộ gọi là “nội dung Âm nhạc” và “nội dung Mĩ thuật” nghe thấy…kì kì.

Năm nay, áp dụng chương trình mới ở lớp 6 và 3 năm nữa là xong ở cấp trung học cơ sở. Lúc đó, có lẽ giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật sẽ được gọi là giáo viên “nội dung Âm nhạc” và “giáo viên nội dung Mĩ thuật” chứ nếu gọi là “giáo viên môn Âm nhạc hay Mĩ thuật e là sẽ không còn phù hợp nữa.

Chính vì thế, phía sau bài viết: “Ghép 2 môn Âm nhạc với Mĩ thuật thành môn Nghệ thuật, vụ "cưỡng hôn" kỳ dị” của tác giả Hương Mai, chúng tôi thấy có những phản hồi của bạn đọc rất đáng quan tâm.

Bạn đọc Tường Vi viết: “Tôi là giáo viên Mĩ thuật giảng dạy hơn 10 năm và tôi thấy bài viết đã đưa lên tiếng nói giúp giáo viên chúng tôi, thực sự là khiên cưỡng và gây khó khăn cho giáo viên môn ....Nghệ thuật”.

Bạn đọc Nguyễn Hòa phản hồi rằng: “Cực kỳ phi lý chúng tôi là giáo viên môn Mĩ thuật 24 năm dạy học ko hề phục cách ghép này bởi nó hoàn toàn khác biệt chẳng liên quan gì đến nhau.

Nói là giảm tải nhưng lại mang áp lực nặng nề ko hề nhỏ cho giáo viên chúng tôi. Đề nghị Bộ Giáo dục cần xem xét kỹ hãy “ép hôn”.

Bạn đọc Tô Mạnh thì viết: “Tôi là giáo viên Mĩ thuật đã giảng dạy hơn 30 năm, bài báo nói đúng thực tế khó xử của giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật với quy định mới rất vô lý.

Bộ Giáo dục cần xem xét và điều chỉnh cho phù hợp chứ gộp chung kiểm tra, đánh giá 2 môn độc lập thành 1 là gây khó cho giáo viên và cả nhà trường, nên tách ra như cũ thì chuẩn hơn. Không hiểu gộp vào thế để làm gì (!?)”.

Nhìn chung, nội dung bài báo và những phản hồi của bạn đọc sau bài viết cũng như những phản hồi của nhiều thầy cô giáo sau khi bào báo này được chia sẻ trên một số trang mạng xã hội đều không đồng tình với cách “gán ghép” môn học Nghệ thuật.

Tuy nhiên, một khi Bộ đã có chủ trương và đã hướng dẫn bằng Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH thì thường rất khó thay đổi và có thể kết quả môn Nghệ thuật sẽ phải “chung sống” với nhau lâu dài.

Bộ nên thay đổi quan điểm chỉ đạo của mình về môn Nghệ thuật ở cấp trung học cơ sở

Năm nay là năm đầu tiên ngành giáo dục tiến hành giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 nên những bất cập nếu được điều chỉnh ngay từ ban đầu sẽ thuận lợi hơn sau này rất nhiều.

Thực tế cho thấy, môn Âm nhạc và Mĩ thuật đang được Bộ triển khai hoàn toàn riêng biệt từ chương trình, sách giáo khoa đến người dạy hay lúc cho học sinh kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

Một khi mà 2 môn học này không hề có điểm giao thoa nào có nghĩa là nó tồn tại hoàn toàn độc lập với nhau thì không nên cộng kết quả bài kiểm tra định kỳ môn Âm nhạc và Mĩ thuật với nhau để ra kết quả “Đạt” hay “Chưa đạt”.

Sự cộng dồn như vậy để ra môn…Nghệ thuật, để giảm số môn, giảm đầu điểm thực ra không có nhiều ý nghĩa mà gây khó, phức tạp cho nhà trường, giáo viên trong chỉ đạo và thực hiện công việc.

Nó không chỉ khó, bất cập nếu kết quả môn này “Đạt” mà môn kia “Chưa đạt” thì sẽ xếp loại chung môn học ra sao? Đồng thời, nó còn phức tạp khi giáo viên phải ngồi thống nhất với nhau kết quả học tập của học trò. Sau đó phân công ai vào kết quả, ai nhận xét, ai ký tên vào sổ điểm và học bạ của học trò.

Trong khi, mỗi giáo viên cấp trung học cơ sở dạy mỗi tuần 19 tiết, cũng đồng nghĩa là 19 lớp nên số lượng học sinh cần thống nhất về kết quả nhiều khi lên đến 8-9 trăm em nên chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian vào công việc này.

Vẫn biết, khi văn bản đã ban hành thì việc thay đổi nội dung sẽ…khó khăn bởi thay đổi cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận bất hợp lý trong chỉ đạo, điều hành ban đầu của Bộ về môn học này.

Song, vì lợi ích chung của người dạy, người học thì lãnh đạo Bộ nên có sự thay đổi về môn học này cho nó hợp lý, tránh những rắc rối, phiền hà khi giáo viên cộng dồn kết quả ở thời điểm cuối học kỳ, cuối năm học.

Đã là môn học riêng, dạy riêng, kiểm tra riêng thì không có lí do gì Bộ lại yêu cầu cộng dồn kết quả 2 bài kiểm tra Âm nhạc và Mĩ thuật để ra kết quả môn Nghệ thuật.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

LÊ MINH