Vì sao nhiều địa phương “đề phòng” với giáo viên hợp đồng?

05/09/2018 05:27
Tấn Tài
(GDVN) - Chủ trương của nhiều địa phương là hạn chế việc hợp đồng với các giáo viên để tránh tình trạng khiếu kiện, “đòi quyền lợi”.

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc giáo viên hợp đồng ở các tỉnh như: Quảng Nam, Đắc Lắc, Hải Dương… phản ánh việc bị ngưng hợp đồng, không được đảm bảo các quyền lợi về bảo hiểm, lương, thưởng.

Nhiều thầy, cô sau bao năm cống hiến trên bục giảng phải rời xa trường lớp  để đi làm công nhân, kiếm sống qua ngày đã khiến dư luận xót xa.

Nhưng cũng chính những áp lực của dư luận đã khiến nhiều địa phương cân nhắc, đắn đo và cả “đề phòng” đối với kiểu tuyển dụng này.

Không thể thiếu giáo viên hợp đồng

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về câu chuyện hợp đồng giáo viên, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, đối với ngành giáo dục thì số lượng giáo viên rất lớn, chỉ tính riêng Đà Nẵng thì có đến hơn 12.000 giáo viên và hơn 2.000 cán bộ quản lý thuộc ngành giáo dục.

Đơn khiếu nại của 104 giáo viên hợp đồng tại Quảng Nam sau kỳ thi tuyển dụng giáo viên. Ảnh: TT
Đơn khiếu nại của 104 giáo viên hợp đồng tại Quảng Nam sau kỳ thi tuyển dụng giáo viên. Ảnh: TT

Với một số lượng lớn cán bộ, giáo viên như thế thì việc về hưu của những người này không phải theo định kỳ hay ngày tháng cụ thể nào như các ngành nghề khác.

“Giáo viên các cơ sở giáo dục sẽ liên tục về hưu trong năm học nên trong cách thức thi tuyển giáo viên, chúng tôi cố gắng tính toán bù đắp vào phần đó.

Nhưng chúng ta không lường hết được là giáo viên sẽ xin nghỉ vì các lý do khác nhau. Ví dụ như có người xin nghỉ để đoàn tụ gia đình, ra buôn bán kinh doanh, thậm chí là về mở trung tâm ngoại ngữ, tin học… 

Chính nhiều yếu tố như vậy nên chúng ta phải tính toán bổ sung nguồn giáo viên, sở Giáo dục Đà Nẵng có hai phương án”.

104 giáo viên hợp đồng nói Sở Giáo dục chỉ đạo nhà trường ký hợp đồng sai luật

Ông Vĩnh nói thêm, phương án thứ nhất là nếu các tổ bộ môn, giáo viên, nhà trường có thể đảm đương được trên cơ sở tăng tiết cho giáo viên bình thường (được tính tiền tăng tiết), không đề nghị lên Sở thì các trường tự đảm nhận công việc này.

Phương án thứ hai, nếu thấy việc tăng tiết là “quá sức” thì các trường đề xuất việc hợp đồng với giáo viên giảng dạy.

Sở sẽ tiến hành chọn lựa các giáo viên có nguyện vọng, đăng ký dạy hợp đồng để đưa về các trường đó giảng dạy theo quy định.

Chia sẻ quan điểm về việc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên, ông Vĩnh cho rằng, về căn bản thì không thể bỏ hẳn giáo viên hợp đồng bởi nhu cầu thực tế nó diễn ra thường xuyên như vậy.

Nếu chúng ta cứ “đóng cửa” hoàn toàn với giáo viên hợp đồng thì lại phải tổ chức thêm nhiều kỳ thi tuyển dụng giáo viên trong năm học.

Như vậy sẽ gây tốn kém, lãng phí và phát sinh nhiều rắc rối, hệ lụy đi kèm. Do đó, phải cân đối giữa các khâu thi tuyển, số lượng giáo viên nghỉ việc (về hưu, xin nghỉ) và số lượng giáo viên hợp đồng.

Phải sòng phẳng với bản hợp đồng đã ký

Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương đang cố gắng hạn chế tối đa số lượng  giáo viên hợp đồng.

Cụ thể như tại Quảng Nam thì ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có yêu cầu ngành giáo dục phải tăng cường thi tuyển để đáp ứng đủ giáo viên cho các trường, hạn chế hợp đồng giáo viên.

Sai lầm của lãnh đạo huyện, sao đổ lên đầu cả trăm giáo viên?

Ông Thu cũng không đồng tình với việc nhiều địa phương tự ý hợp đồng giáo viên bởi chủ trương của tỉnh này là không còn hợp đồng giáo viên từ sau ngày 31/12/2015.

Ông Vĩnh cho biết: “Việc hợp đồng với giáo viên được tính theo từng năm bởi vì sở Nội vụ lấy chỉ tiêu này để đăng ký thi tuyển dụng giáo viên.

Và giáo viên được hợp đồng nên hiểu là hết năm học đó thì phải thôi, phải tiến hành thi như các thí sinh khác. Chứ anh không thể bắt đền và nói rằng, một năm qua tôi cống hiến đến khi hết năm học thì lại bỏ bê tôi.

Nói như vậy thì chính giáo viên đó đã không sòng phẳng với bản hợp đồng đã ký. Bởi trong hợp đồng đó đã ghi rất rõ là hợp đồng một năm và các quyền lợi đi kèm.

Khi các giáo viên hợp đồng không hiểu rõ hợp đồng, cho rằng ngành giáo dục xử ép thì áp lực xã hội, dư luận… là rất lớn. Mà như vậy thì cũng không sòng phẳng với giáo dục”, ông Vĩnh nói.

Về quyền lợi của giáo viên hợp đồng thì theo ông Vĩnh tất cả giáo viên hợp đồng đều có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lương thưởng…

Các khoản chi tiêu nội bộ trong nhà trường cũng không phân định nhiều giữa nhân viên hợp đồng hay biên chế giáo viên, cơ bản được tính toán hết kinh phí.

“Giáo viên hợp đồng có cái thuận lợi riêng là nếu họ dạy từ 1-3 năm hợp đồng, toàn bộ thời gian đó được tính vào thời gian giảng dạy (nếu đỗ thi tuyển).

Và nếu năm thứ 4 trúng tuyển thì họ cũng được “ăn” một bậc lương khác. Như vậy, hợp đồng đảm bảo đủ quyền lợi của các giáo viên.

Nếu năm thứ 4 trúng tuyển thì ngành giáo dục Đà Nẵng bỏ qua khâu thủ việc vì họ đã dạy 3 năm rồi. Thứ 2 là mức lương được căn cứ theo ngày đầu tiên họ được ký hợp đồng.

Như vậy, sau 3 năm công tác, họ vừa trúng tuyển vừa được thăng lương”, ông Vĩnh phân tích.

Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc kiện tụng, khiếu nại của giáo viên hợp đồng xảy ra là do bản hợp đồng giữa các thầy cô và nhà trường được ký kết không rõ ràng.

Nhiều bản hợp đồng trái quy định của pháp luật, quyền lợi của giáo viên hợp đồng bị “xâm phạm”.

Về những bản hợp đồng lao động loại này, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể hơn trong các số sau.

Tấn Tài