“Cởi trói” cho giáo viên… biên chế
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân – Chuyên gia kinh tế lập luận, hiện nay, giáo viên được tuyển dụng dưới hình thức hợp đồng rồi xin vào biên chế nếu muốn gắn bó lâu dài.
Tuy nhiên vừa qua ở một số tỉnh thành, giáo viên bị giảm biên chế đột ngột và nhiều trường hợp hợp đồng trên 20 năm nhưng vẫn không thể vào được biên chế.
Năm học 2018 – 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm tự chủ tuyển dụng giáo viên.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân. (Ảnh: H.L) |
Lãnh đạo Sở giao cho Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa được tự chủ tuyển dụng giáo viên. Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có những bất cập nảy sinh.
Tự chủ tuyển dụng giáo viên sẽ phát sinh cơ chế giữa trường công và các trường ngoài công lập.
Trong hệ thống trường công lập ắt hẳn phải có việc “xin – cho” và những yếu tố về vấn đề điều tiết ngân sách.
Các trường ngoài công lập có thể tự chủ tuyển giáo viên dựa trên việc cân đối tài chính do nhu cầu hoạt động của trường.
Môi trường ngoài công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính nên tuyển dụng giáo viên theo thỏa thuận hợp đồng dài hạn, ngắn hạn hoặc thời vụ. Và tất nhiên, trường ngoài công lập không có biên chế.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh, các trường ngoài công lập sẽ tùy thuộc vào khả năng tài chính và tuyển dụng giáo viên để đáp ứng nhu cầu của học sinh tại trường.
Tiến sĩ Nhân đồng quan điểm, đến năm 2020, các trường công lập phải tiến đến việc tự chủ hoàn toàn về tài chính là chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của trường công lập và trường ngoài công lập khác nhau nhưng về cơ bản, các trường vẫn phải sử dụng chung chương trình giảng dạy. Các trường đều hoạt động theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Môi trường giáo dục nên có chơ chế… “chuyển nhượng” lành mạnh
Đối với vấn đề chuyên môn, không thể giáo viên cứ có bằng Thạc sĩ lại đi dạy học sinh cấp 3. Những giáo viên có bằng Cử nhân lại đi dạy cấp 2 hay Cao Đẳng lại dạy cấp 1...
Chuyên môn của cấp bậc giáo viên cũng đã nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình tuyển dụng tại các trường.
Tiến sĩ Nhân đánh giá, một thực tế đang diễn ra, chất lượng đầu ra là sinh viên – học sinh của các trường ngoài công lập chưa chắc thua những trường công lập.
Yếu tố tiên quyết để các trường cạnh tranh về chất lượng đào tạo được quyết định bởi cơ chế hoạt động của nhà nước.
Ở những nền giáo dục tiên tiến, họ đào tạo, tuyển chọn giáo viên như thế nào? |
Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nhân tài thường xuất hiện từ các trường ngoài công lập.
Cơ quan quản lý nhà nước cần phải nhìn nhận tấm bằng các trường công lập và ngoài công lập là như nhau.
Các trường ngoài công lập phải tự chủ về doanh thu, được xếp ở tốp dưới về tuyển sinh nhưng chất lượng đào tạo đáng để cạnh tranh với trường công lập.
Do trường ngoài công lập tự chủ về tài chính nên đóng học phí cao hơn và chất lượng dạy học phải có sự khác biệt.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đưa ra ý kiến cở mở, để các trường có thể tự chủ, tự chọn giáo viên, ngành giáo dục thành phố cũng nên đưa ra danh sách các giáo viên nằm trong “biên chế” để các trường có quyền tự chọn, tự đề xuất để được về trường dạy.
“Biên chế” ở đây phải hiểu là như chứng chỉ hành nghề tại địa phương, như Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn.
Lúc này, giáo viên sẽ như những cầu thủ và nhà trường như các câu lạc bộ để thực hiện việc “chiêu mộ” và “chuyển nhượng” một cách lành mạnh.
Hằng năm, các trường có tỉ lệ đậu đại học hoặc có học sinh đoạt suất học bổng đi du học sẽ làm căn cứ để xét duyệt… lên hạng. Tất nhiên, trường có tỉ lệ đậu cao sẽ gắn liền với học phí cao và lương trả cho giáo viên cao.
Giáo viên muốn phấn đấu để được dạy ở môi trường “ngoại hạng” là những trường tốp đầu cũng sẽ có duy nhất con đường rèn luyện, phấn đấu hoặc bị sa thải.
Vai trò của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố phải được xem như một cơ quan giám sát giúp cho ngành giáo dục của địa phương minh bạch hơn dựa trên cơ chế này.