Vì sao việc dạy thêm, học thêm lại bị phụ huynh phản đối nhiều đến vậy?

10/03/2020 06:15
KIM OANH
(GDVN) - Cấp tiểu học vẫn dạy thêm tràn lan, các trung tâm dạy thêm phần nhiều là dạy trước chương trình, giáo viên dạy ở nhà lại dạy học sinh chính khóa của mình.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc dạy thêm và học thêm đang diễn ra hiện nay là do nhu cầu của phụ huynh và giáo viên dạy thêm là để đáp ứng nhu cầu đó. Hơn nữa, giáo viên dạy thêm thì không có gì là sai trái khi họ phải bỏ mồ hôi, công sức lao động ra nên việc thu tiền của học sinh là hoàn toàn chính đáng.

Nhiều phụ huynh học sinh thì cho rằng việc cho con em mình đi học thêm vì nhà trường có kế hoạch và thầy cô giáo dạy chính khóa không đảm bảo, đối xử chưa công bằng với học sinh nên bắt buộc phải cho con đi học thêm. Xem chừng, bức tranh dạy thêm, học thêm vẫn chưa thể có hồi kết trong bối cảnh hiện nay.

Bức tranh dạy thêm, học thêm đang có quá nhiều chuyện đáng bàn (Ảnh minh họa: infonet.vn)
Bức tranh dạy thêm, học thêm đang có quá nhiều chuyện đáng bàn (Ảnh minh họa: infonet.vn)

Giáo viên dạy thêm đã làm đúng như quy định chưa?

Tại điều 3 của Thông tư số17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm do Thứ trưởng Bộ Gáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 16/5/2012 đã quy định về nguyên tắc dạy thêm như sau:

“1. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

3. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

4. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm”.

Tại điều 4 của Thông tư này cũng đã quy định các trường hợp không được dạy thêm như sau: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

Vì sao việc dạy thêm, học thêm lại bị phụ huynh phản đối nhiều đến vậy? ảnh 2Dạy thêm giờ là để làm giàu, không phải xóa đói giảm nghèo

Nếu căn cứ vào hướng dẫn ở Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chúng ta thấy rằng các tổ chức, cá nhân không được tổ chức dạy thêm các môn văn hóa ở cấp tiểu học. Các cấp học còn lại mà nhà trường đã tổ chức dạy buổi 2 thì cũng không được dạy thêm.

Giáo viên ở đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm tại nhà, không được dạy thêm học sinh chính khóa của mình nếu chưa được hiệu trưởng cho phép. Nếu có học sinh chính khóa muốn học thêm giáo viên đó dạy ở trung tâm, giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng, phải được hiệu trưởng ký duyệt.

Đối với giáo viên dạy thêm tại nhà, có thể tham gia dạy cùng một tổ chức, nhóm nào đó do người khác đủ điều kiện đứng ra đăng ký chứ không thể tự mình mở lớp rồi lại dạy lại cho chính học trò chính khóa của mình.  

Về nguyên tắc thì những nội dung, kiến thức ở các lớp dạy thêm: “Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá”.

Và, theo hướng dẫn của Thông tư số17/2012/TT-BGDĐT thì việc học thêm phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh.

Thế nhưng, thực tế thì có bao nhiêu giáo viên làm được những điều như vậy? Cấp tiểu học vẫn dạy thêm tràn lan ở khu vực đô thị. Ở các trung tâm dạy thêm bây giờ phần nhiều là dạy trước chương trình, giáo viên dạy ở nhà thì đa phần là dạy cho học trò chính khóa của mình!

Đầu năm học, một số giáo viên đã quảng bá lớp dạy thêm của mình, cho học sinh đăng ký học thêm. Thậm chí, có giáo viên còn gặp gỡ, gọi điện cho phụ huynh khi chưa thấy học trò đăng ký học thêm với mình.

Một số giáo viên chủ nhiệm lớp, mỗi tuần được cộng 4,5 tiết cho công tác chủ nhiệm nhưng không giải quyết công việc lớp vào thời điểm 15 phút đầu giờ hay tiết sinh hoạt cuối tuần mà trong các tiết học của mình vào làm những công việc chủ nhiệm.

Vì sao việc dạy thêm, học thêm lại bị phụ huynh phản đối nhiều đến vậy? ảnh 3Phải cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm khi học sinh đi học trở lại

Một số giáo viên dạy qua loa ở các tiết chính khóa để bắt buộc học sinh phải đến nhà học thêm với mình.

Chỉ tiếc, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm của các cấp quản lý được hướng dẫn ở Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT chưa được thực hiện đến nơi, đến chốn. Thành ra việc dạy thêm, học thêm hiện nay gần như đang buông lỏng và tất nhiên là học sinh của nhiều trường học đang phải học thêm trên tinh thần tự nguyện mà lại gần như là bắt buộc.

Việc dạy thêm, học thêm có phải là do chương trình quá nặng?

Nhiều người cho rằng kiến thức các môn học ở trường phổ thông hiện nay đang rất nặng, trong khi thời lượng dạy trên lớp không đủ, bắt buộc phải dạy thêm, học thêm thì học sinh mới nắm được kiến thức.

Chúng tôi cho rằng mấu chốt của việc dạy thêm, học thêm không nằm trong chương trình phổ thông nặng.

Vì nặng thì Bộ đã chỉ đạo giảm tải từ những năm đầu thay sách giáo khoa và nhiều năm nay nhà trường tự chủ về phân phối chương trình nên nếu các tổ chuyên môn làm cẩn thận thì những bài khó họ đều tăng tiết, những bài dễ thì giảm xuống, những bài đọc thêm, tự học có hướng dẫn thì không nằm trong kiến thức để kiểm tra, thi cử.

Trong mỗi bài học có nhiều mức độ kiến thức khác nhau. Ngoài việc hướng tới chuẩn kiến thức kĩ năng thì có một số bài tập khó- dạng bài tập này dành cho học sinh khá giỏi nên giáo viên muốn nâng cao cho học sinh thì không phải là không làm được. Đề kiểm tra, đề thi cũng vậy, bao giờ người ra đề cũng phải hướng tới nhiều đối tượng học trò- đây là yêu cầu bắt buộc.

Vì thế, việc đầu tiên của người ra đề là phải hướng tới việc học sinh phải đạt được điểm trung bình, những kiến thức khó để hướng tới điểm 9, điểm 10 là dành cho học sinh khá giỏi.

Vậy nên, người thầy dạy giỏi, tâm huyết với nghề, đối xử công bằng với học sinh thì bao giờ cũng biết hướng các hoạt động cụ thể cho từng đối tượng học sinh trong mỗi bài học, khi ra đề kiểm tra luôn biết phân hóa đối tượng học trò.

Thế nhưng, nhìn vào bức tranh dạy thêm hiện nay chúng ta đang thấy có nhiều giáo viên không làm như vậy. Không chỉ học sinh cuối cấp vì áp lực thi cử nên phải học thêm mà học sinh khối nào ở những khu vực có điều kiện bây giờ cũng được thầy cô giáo dạy thêm.

Học sinh ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn không có hoặc rất ít dạy thêm, học thêm mà thầy trò vẫn hoàn thành chương trình học?

Điều trớ trêu là điểm tổng kết thì cao ngất ngưởng, nhiều lớp học có tỉ lệ học sinh giỏi, xuất sắc nhiều hơn học sinh khá, học sinh trung bình mà học sinh cứ mải miết đi học thêm như thường. Vì thế, dư luận xã hội lên án việc dạy thêm, học thêm cũng là một điều dễ hiểu!

KIM OANH