VNEN vô hiệu hóa người thầy, càng sửa càng rối

29/08/2017 09:06
Đạt Nguyễn
(GDVN) - Không một ai, không một tài liệu nào có thể thay thế vai trò “chủ đạo” của người thầy trong lớp.

LTS: Tiếp theo phần 1 "Vì sao giáo viên không chấp nhận VNEN, tiếng nói người trong cuộc", Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc phần 2 trong bài viết của thày Đạt Nguyễn.

Tác giả hy vọng qua bài viết này, dư luận hiểu hơn về quá trình triển khai VNEN và vì sao dự án này thất bại, và cũng để bác bỏ những quan điểm đổ trách nhiệm lên đầu giáo viên về những thất bại của VNEN từ một số nhà quản lý giáo dục đương chức.

Tòa soạn trân trong giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và cảm ơn thầy Đạt Nguyễn.

VNEN sai từ tài liệu “3 trong 1” 

Trong các lớp theo mô hình VNEN, giáo viên và học sinh đều dùng chung bộ tài liệu Hướng dẫn học tập – một bộ tài liệu 3 trong 1: sách giáo khoa, sách bài tập và sách hướng dẫn giảng dạy của giáo viên cho mỗi môn học cơ bản. 

Các bộ tài liệu này được cho là biên soạn bằng cách điều chỉnh nội dung sách giáo khoa hiện hành.

Sách VNEN chỉ sắp xếp các bài tập và các hoạt động dạy-học theo mô hình VNEN nhằm hình thành và thúc đẩy khả năng tự học, hợp tác của học sinh thông qua các hoạt động học tập theo nhóm. 

Theo thiển ý của người viết, đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân các bất cập trong mô hình VNEN – nhất là về phương pháp dạy học.

Chiều 21/10/2014 TS Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và nắm tình hình triển khai mô hình VNEN tại Trường THCS Lê Lợi Thành phố Hà Giang. Ảnh: hagiang.edu.vn
Chiều 21/10/2014 TS Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và nắm tình hình triển khai mô hình VNEN tại Trường THCS Lê Lợi Thành phố Hà Giang. Ảnh: hagiang.edu.vn

Về chất lượng điều chỉnh nội dung sách giáo khoa của bộ tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt - Ngữ văn, xin dẫn lời nhận xét của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (ông là Tổng chủ biên bộ sách Tiếng Việt - Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới): 

“…Qua tiếp cận với bộ sách Tiếng Việt - Ngữ văn VNEN, tôi thấy sách VNEN không điều chỉnh sách giáo khoa hiện hành để nội dung dạy học gắn kết nhiều hơn với đời sống, nhằm rèn luyện kiến thức và kĩ năng sống cho học sinh, như tinh thần của mô hình EN. 

Đây đó có thể nhận ra một vài điều chỉnh về chi tiết, nhưng mục đích điều chỉnh không phải để nội dung dạy học gắn kết hơn với đời sống. 

Điều đáng buồn hơn nữa là sách VNEN Tiếng Việt - Ngữ văn tuy rất ít điều chỉnh nội dung sách giáo khoa hiện hành, nhưng hễ cứ điều chỉnh là không đúng. 

Theo tôi, đây là một trong những hạn chế lớn của chương trình VNEN.” [1] 

Về phương pháp dạy học, với ý định đầy tham vọng trong việc hình thành thói quen tự học cho học sinh, tài liệu học tập VNEN đã thiết kế mỗi đơn vị kiến thức (bài học) bằng một chuỗi các hoạt động học tập chủ yếu theo hình thức học nhóm cố định; 

Trong mỗi hoạt động có các câu hỏi – câu hỏi cho cá nhân và cho cả nhóm, và các nhà quản lý dự án kì vọng rằng dựa vào những câu hỏi này, học sinh sẽ được dẫn dắt để tự mình khám phá kiến thức, hình thành kĩ năng, theo kiểu như người ta có thể đọc và dựa theo bản hướng dẫn để lắp ráp một đồ dùng/mô hình [2]). 

Tuy trước mỗi hoạt động nhóm đều có câu hỏi khởi động để học sinh tự đọc, suy nghĩ cá nhân, nhưng tất cả đều diễn ra thầm lặng (có vẻ như rất tự giác) và nhanh chóng đi vào hoạt động nhóm. 

Nhóm nào giải quyết nhanh vấn đề trước có thể tiếp tục chuyển qua hoạt động kế tiếp, liên tục hết hoạt động này đến hoạt động khác [2]). 

"Khi có quyết định (dừng nhân rộng VNEN ra toàn tỉnh Thái Bình), nhiều giáo viên vô cùng phấn khởi, họ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc buổi sáng theo chương trình VNEN, chiều lại dạy theo truyền thống."

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh

Trong chuỗi các hoạt động ấy, vì quá đề cao quan điểm “lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm”, vai trò chủ đạo của giáo viên đã được giản lược thành người theo dõi, giúp đỡ học sinh tự học trong các hoạt động nhóm.

Do đó, hoạt động dạy của giáo viên trở nên rất mờ nhạt trong tiến trình dạy-học; giáo viên còn được khuyến cáo không làm mẫu, không diễn giảng [2]. 

Hơn thế nữa, các bộ tài liệu này còn được xem như một người “thầy thứ hai”.
Sau cảm giác choáng ngợp ban đầu trước các luận giải khoa học và mục tiêu cao cả  của các bộ tài liệu này, khi đi vào thực hành và ngẫm nghĩ kĩ, giáo viên dần nhận ra:

Đã có sự đánh tráo khái niệm giữa quan điểm dạy học “lấy người học làm trung tâm” với “lấy hoạt động học làm trung tâm”, sự lẫn lộn trong mối quan hệ biện chứng giữa vai trò chủ đạo của giáo viên và vai trò chủ động của người học. 

Mọi góp ý của giáo viên về VNEN bị bỏ ngoài tai, Bộ âm thầm sửa chữa nhưng càng sửa càng hỏng

Nhiều giáo viên đã có hàng loạt những thắc mắc, nhưng chỉ có thể trao đổi cùng nhau vì nếu nêu lên với cấp lãnh đạo, chắc chắn họ không thể tránh được những cái mũ “tiêu cực”, “lười suy nghĩ”, “không chịu đổi mới”,…

Liệu những đứa trẻ trong độ tuổi 7-15 có thể có đủ hứng thú và thời gian cần thiết (trong tiết học) để đọc và thực hiện những câu chữ in trong một tài liệu vừa dành cho học sinh vừa dành cho giáo viên? 

Có phải cùng một câu hỏi cho mọi đối tượng học sinh là phù hợp nguyên tắc “lấy người học làm trung tâm”

Liệu việc học sinh cặm cụi lần lượt đọc (để hiểu) các câu hỏi/gợi ý trong tài liệu rồi cùng nhau tìm cách trả lời/giải đáp là phương thức học tập duy nhất đúng cho mọi đối tượng học sinh và quá trình hình thành và phát triển năng lực tự học thực sự bắt đầu như vậy? 

Có thể nào việc đọc và làm theo những hướng dẫn (tài liệu) đủ sống động, linh hoạt và hấp dẫn để thay thế cho lời nói, ánh mắt, cử chỉ và động tác sư phạm của người thầy trong lớp? 

Vì lẽ gì và trên cơ sở năng lực nào mà một nhóm người nào đó có thể soạn sẵn các hoạt động dạy và học để cho cả thầy và trò ở tất cả các lớp học trên mọi vùng miền cùng làm theo? 

VNEN vô hiệu hóa người thầy, càng sửa càng rối  ảnh 2

VNEN và sự vô cảm với thày cô

Ai cũng hiểu là phải trải qua một tiến trình dài trong lịch sử giáo dục, tài liệu học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên mới đạt được 3 hình thức hợp lí như hiện nay là sách giáo khoa, sách bài tập và sách giáo viên; 

Phải thông qua lao động sư phạm, người dạy mới khích thích được nỗ lực của người học mà 3 tài liệu riêng lẻ này được kết nối, khai thác và sử dụng; và mức độ hiệu quả sử dụng phản ánh phần nào chất lượng giáo dục. 

Vậy có phải các bộ tài liệu hướng dẫn học “3 trong 1” của VNEN là một phát kiến thực sự sẽ làm thay đổi chất lượng dạy học trong nhà trường Việt Nam? 

Nếu quả thật như vậy, có nước nào trên thế giới sử dụng loại tài liệu 3 trong 1 cho giáo viên và học sinh trong trường phổ thông, ngoại trừ những lớp ghép ở vùng sâu xa chuyên canh cà phê tại Colombia? 

Câu trả lời chắc chắn là không, và thực tế “thí điểm” VNEN đã chứng minh như vậy.

Những người điều hành dự án VNEN dường như đã thấy ra vấn đề nên cũng đã có một số điều chỉnh, nhưng càng điều chỉnh thì càng tạo nên sự lúng túng cho giáo viên và học sinh. 

Khi mới triển khai VNEN, giáo viên được yêu cầu chỉ cần dành thời gian nghiên cứu tài liệu Hướng dẫn học tập trước khi lên lớp mà không soạn giáo án – nghĩa là giáo viên chỉ cần thực hiện cho tốt các bước soạn sẵn theo tài liệu; 

Năm sau, giáo viên được yêu cầu soạn điều chỉnh một số hoạt động học tập – nếu cần thiết, và in ấn nội dung hướng dẫn bổ sung để giao cho các nhóm học sinh thực hiện.

Gần đây, các nhà quản lý giáo dục đã xuất hiện ý trách cứ giáo viên cứng nhắc trong việc tổ chức học theo nhóm – nghĩa là giáo viên không nhất thiết bám sát tài liệu. 

Rõ ràng sự bất nhất trong hướng dẫn thực hiện như thế đã phần nào làm lộ rõ tính bất cập của các tài liệu hướng dẫn học tập VNEN. 

Hiện nay, trong các lớp VNEN, giáo viên và học sinh phải vất vả loay hoay cùng lúc với bộ tài liệu (mỗi học sinh đều phải mua để dùng thay cho sách giáo khoa) và phần soạn giảng bổ sung, điều chỉnh của giáo viên. 

Để xoay xở với tình trạng lúng túng này, và nhằm đảm bảo cho học sinh “được học và học được”, những giáo viên có ý thức trách nhiệm cao thường chọn một trong 2 phương án: 

VNEN vô hiệu hóa người thầy, càng sửa càng rối  ảnh 3

Ai "thấu cảm" với học trò, phụ huynh ở lớp VNEN?

(1) Một khi giáo viên có nhiều sự điều chỉnh phù hợp thì các hoạt động dạy học sẽ được tiến hành theo phương thức “thầy chủ đạo, trò chủ động”;

(2) Buổi sáng cho học sinh làm theo tài liệu, buổi chiều giáo viên dạy theo giáo án của mình. 

Cả 2 phương án đó đều là minh chứng không thể chối cãi về sự yếu kém về chất lượng và hiệu quả của các tài liệu “3 trong 1”, và từ đó, niềm tin đối với VNEN ngày càng suy giảm.

Đành rằng không phải tất cả giáo viên đều có thể vận dụng hoàn hảo các phương pháp dạy học, nhưng mọi mô hình hay phương thức – với bất kì danh xưng cao cả nào, cổ suý cho việc làm thay giáo viên dưới mọi hình thức đều không được chấp nhận. 

Không một ai, không một tài liệu nào có thể thay thế vai trò “chủ đạo” của người thầy trong lớp. 

Mọi đổi mới tích cực chỉ có thể thành công thông qua người thầy trước khi đến với người học. Bởi lẽ, người thầy không chỉ dạy bằng phương pháp dạy học mà còn thông qua chính con người và nhân cách của họ. 

Hãy tiếp tục tăng cường huấn luyện giáo viên và hãy để họ tự quyết định việc sử dụng phương pháp dạy học của mình. 

Tôn trọng vai trò người thầy chính là một cách thể hiện cụ thể “sự quan tâm đặc biệt” để bảo đảm cho đổi mới giáo dục thành công – theo ý phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội Cựu giáo chức Việt Nam ngày 19/7/2017.

Sắp bước vào năm học mới, nhiều bậc phụ huynh vẫn rất lo lắng về việc con em mình có tiếp tục phải học theo mô hình VNEN nữa hay không, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn chỉ đạo các địa phương "triển khai trên tinh thần tự nguyện".

Để giúp quý phụ huynh, quý thầy cô cất lên tiếng nói của mình về mô hình VNEN, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng kính mời quý phụ huynh, quý thầy cô viết bài cộng tác độc quyền với Tòa soạn, thể hiện những gì mắt thấy, tai nghe, cũng như những suy nghĩ, đánh giá về VNEN.

Đặc biệt là việc các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương đã thực hiện chỉ đạo "triển khai VNEN trên tinh thần tự nguyện" của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào, các thày cô giáo và quý phụ huynh có được nhà trường và địa phương hỏi ý kiến, lấy biểu quyết một cách công khai, dân chủ?

Thông tin và bài viết xin gửi về địa chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn, quý thầy cô, quý phụ huynh vui lòng gửi kèm thông tin cá nhân (họ tên, đơn vị công tác, số điện thoại, ATM) để Tòa soạn tiện liên hệ và chi trả nhuận bút nếu bài được đăng.

Thông tin của quý vị được chúng tôi cam kết bảo mật theo đúng quy định của luật pháp.

Trên tinh thần khách quan và đa chiều, chúng tôi cũng tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục Tiểu học, các chuyên gia và cựu quản lý Dự án VNEN hãy lên tiếng trao đổi các vấn đề, trả lời các thắc mắc bạn đọc và dư luận đặt ra trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về VNEN.

Thiết nghĩ trên tinh thần trao đổi cởi mở, thiện chí, khách quan, VNEN tốt hay không, phù hợp hay không với nền giáo dục nước nhà, câu trả lời sẽ được tìm thấy qua quá trình đối thoại.

Đó sẽ là cách tuyên truyền hiệu quả nhất cho VNEN, nếu đây thực sự là một mô hình đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Trân trọng!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/VNEN--Rang-hay-cung-lam-dieu-hay-post170139.gd

[2] Những điều này được phổ biến chính thức trong các đợt tập huấn giáo viên về phương pháp dạy học theo VNEN.

Đạt Nguyễn