Vợ chồng tôi không hướng được con nối nghiệp

22/11/2020 06:18
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì cuộc sống thiếu thốn bao năm nên phần đông các em đều quyết tâm phải cải thiện nó, dù rất yêu nhưng không thể chọn nghề giáo cho cuộc đời mình.

Tôi là cô giáo tiểu học còn chồng là giáo viên trung học cơ sở. Chúng tôi có 2 con gái xinh xắn và học giỏi. Ngay từ nhỏ, chúng tôi luôn hướng nghiệp cho con sau này lớn lên sẽ chọn nghề giáo.

Cha mẹ là giáo viên nhưng con lại không muốn nối nghiệp (Ảnh: Phan Tuyết)

Cha mẹ là giáo viên nhưng con lại không muốn nối nghiệp (Ảnh: Phan Tuyết)

Tôi đã luôn vẽ ra trước mắt con cả một thế giới lung linh của “nghề cao quý”.

Nào là, nghề giáo luôn bình yên, môi trường luôn rèn cho con người biết sống thanh cao biết hoàn thiện mình vì nơi đây ít có sự cạnh tranh, bon chen như nhiều môi trường khác.

Nghề giáo tuy nghèo một chút nhưng luôn tràn ngập tiếng cười, luôn tràn đầy niềm vui. Nếu là thầy cô giáo tốt sẽ luôn được mọi người tôn trọng, yêu thương, luôn được học sinh thần tượng và nhớ tới.

Thế nhưng có lẽ hiện thực mà các con nhìn thấy hàng ngày lại không đẹp, không lung linh như lời ba mẹ nói với chúng. Vì thế, dù luôn được nghe những lời hay, ý đẹp về nghề nhưng các con cũng không có được lòng nhiệt huyết muốn nối nghiệp mẹ cha.

Đã không ít lần con được chứng kiến những ngày giáp tết khi ba mẹ trông chờ mãi mới có lương thì ngay sau đó những đồng lương cuối cùng cũng đã không còn nữa vì bao khoản nợ trước đó lấy đi.

Đã có một thời gian dài, không chỉ gia đình chúng tôi mà gần như nhiều gia đình của đồng nghiệp cùng trường bữa ăn thường niên chỉ là món cá trích. Cá trích biển quê tôi dạo ấy rẻ vô cùng, chỉ vài trăm đồng mua được cả ký lô.

Thế là ngày nào đi chợ, chúng tôi cũng mua cá trích (vì cũng chỉ đủ tiền để mua cá trích). Món cá này hết nấu canh chua, đến kho rồi lại nướng, lại chiên.

Đã có lần, cô con gái nhỏ ngây thơ hỏi rằng: “Mẹ ơi! Vì sao tết đến các bạn con ai cũng có mấy bộ đồ đẹp nhưng nhà mình mẹ chỉ mua cho hai chị em có 2 bộ thôi?”; “Sao ba, mẹ lại chỉ mặc quần áo cũ, mà không mua đồ mới?”.

Những câu hỏi như: “Sao nhà mình không xây nhà như bạn con? Sao nhà mình cứ ở mãi nhà tập thể?”; “Sao hè nhà mình không đi du lịch? Nhà của các bạn con đi chơi vui lắm”… Đôi khi chỉ biết nói với con: “Vì nhà mình không có tiền” nhưng khi con hỏi vặn: “Tại sao lại không có tiền?” thì cũng chẳng dễ dàng gì để giải thích cho con hiểu rõ ngọn ngành.

Lớn lên một chút những câu hỏi làm khó ba, mẹ đã không còn nữa. Nhưng các con đã biết phản ứng trước định hướng của chúng tôi.

Không ít lần con nói thẳng: “Con không đi dạy học đâu! Con không muốn nghèo như ba, mẹ”. Con không muốn cả ngày đi dạy trên trường nhưng tối đến người ta vui chơi, quây quần bên gia đình thì ba mẹ lại mỗi người ôm một máy tính để soạn bài, ra đề kiểm tra.

Con không muốn ngày Chủ nhật cũng thấy ba miệt mài chấm bài vì qua tuần sợ học sinh đòi điểm. Con không muốn quanh năm làm quần quật nhưng chẳng thể cùng gia đình tổ chức một chuyến đi xa...”.

Và, biết bao điều con không muốn…nên cả hai con đã không chọn nghề giáo cho mình.

Không chỉ gia đình tôi, nhiều đồng nghiệp của tôi cũng có con học giỏi nhưng nghề các em chọn toàn là kinh tế với ngân hàng.

Có lẽ, vì cuộc sống thiếu thốn bao năm nên phần đông các em đều quyết tâm phải cải thiện nó bằng cách dù rất yêu nhưng không thể chọn nghề giáo cho cuộc đời mình.

Chúng tôi chỉ biết hy vọng rằng bằng chính sách thu hút, bằng việc cải cách tiền lương tới đây sẽ có nhiều học sinh giỏi lựa chọn nghề giáo ngoài lòng đam mê, nhiệt huyết còn vì có được một cuộc sống đủ đầy hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết