Vụ nhiều giáo viên huyện Vĩnh Thuận bị chậm lương hưu có vi phạm pháp luật?

15/04/2020 06:34
Bài và ảnh: Nguyễn Phan
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Đây là hậu quả của việc người sử dụng lao động/ người quản lý viên chức đã không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đóng góp bảo hiểm xã hội...

Cho đến nay, vụ việc nhiều giáo viên tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang dù đã nghỉ hưu cách đây đã 6 tháng nhưng vẫn chưa được hưởng lương hưu vẫn được Giáo dục Việt Nam tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc.

Cô giáo nước mắt chan cơm nghỉ hưu đã 6 tháng vẫn không được nhận lương

Qua nghiên cứu hồ sơ do bạn đọc cung cấp cùng những sẻ chia chân thật của nhiều nhà giáo đang bị xâm hại chế độ, nguyên nhân chính dẫn đến sự việc là do người sử dụng lao động/người quản lý viên chức đã không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động/viên chức.

Và sự việc này đã kéo dài nhiều năm nhưng đã không được kiểm tra, giám sát nên gây hậu quả nghiêm trọng, kéo dài.

Phải nhanh chóng trả lại chế độ chính đáng cho nhà giáo và xử lý cá nhân sai phạm một cách nghiêm minh

Như đã thông tin, huyện Vĩnh Thuận có nhiều nhà giáo bị xâm hại chế độ. Cô giáo Cảnh chỉ là trường hợp điển hình để minh chứng.

Theo hồ sơ cô giáo Cảnh cung cấp, ngày 01/06/2013, cô Cảnh được người có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc không thời hạn.

Hợp đồng làm việc đã ký kết giữa cô giáo Cảnh và người có thẩm quyền có hiệu lực tính đến ngày 01/10/2019 vì từ ngày 01/06/2013 đến ngày 01/10/2019 không có hợp đồng khác thay thế và cũng không có bên nào đơn phương chấm dứt chấm dứt hợp đồng.

Hợp đồng làm việc không thời hạn của cô giáo Cảnh
Hợp đồng làm việc không thời hạn của cô giáo Cảnh

Trong hợp đồng ghi rõ: Cô Nguyễn Thị Cảnh được phân công nhiệm vụ là giáo viên dạy lớp kiêm cán bộ thiết bị theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm (mã số) 15a201. 

Cô Cảnh được hưởng 30% phụ cấp ưu đãi, hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định và được chi trả đóng góp chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sau đó, ngày 15/12/2016, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở Hạng II, mã số V.07.04.11 thay thế cho (mã số) 15a201.

Như vậy, theo quy định pháp luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức phải có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho cô Cảnh đúng như hợp đồng đã ký kết bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm.

Trong chức danh nghề nghiệp (mã số) 15a201 và nay là giáo viên trung học cơ sở hạng II, mã số V.07.04.11 cùng với cam kết trong hợp đồng đã ký, cô giáo Cảnh mặc nhiên đủ các điều kiện để hưởng mọi chế độ, chính sách liên quan như chế độ phụ cấp giảng dạy, chế độ thâm niên và chế độ bảo hiểm xã hội.

Văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin nhà giáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội
Văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin nhà giáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội

Mặc dù cô giáo Cảnh đã được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cam kết trong hợp đồng chi trả 30% phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên theo quy định và chi trả đóng góp bảo hiểm xã hội theo vị trí chức danh nghề nghiệp đã kê khai trong hồ sơ bảo hiểm xã hội nhưng thực tế người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đã không thực hiện như cam kết.

Đây chính là là một trong các nguyên nhân dẫn đến hậu quả cô Cảnh và nhiều đồng nghiệp khác đồng cảnh ngộ với cô đến nay vẫn chưa được nhận lương hưu cùng chế độ có liên quan. 

Hiện tại, để có cơ sở giải quyết chế độ hưu cho nhà giáo, cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Vĩnh Thuận đã có văn bản yêu cầu cơ sở giáo dục thực hiện Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội theo Điều 98, Luật Bảo hiểm xã hội nhưng sự việc đang ngày càng phức tạp.

Theo đó, Điều 98, Luật Bảo hiểm xã hội quy định.

1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm:

a) Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;

b) Sổ bảo hiểm xã hội;

c) Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

Theo điều kiện trên, để được giải quyết chế độ hưu cho cô giáo Cảnh, người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp bảo hiểm các khoản phụ cấp cho cô giáo Cảnh theo chức danh nghề nghiệp giáo viên đã kê khai trong sổ Bảo hiểm xã hội hiện tại.

Hoặc, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh phải khai điều chỉnh thông tin cá nhân chuyển đổi chức danh nghề nghiệp giáo viên thành nhân viên và phải cung cấp cho cơ quan bảo hiểm tất cả các quyết định liên quan sau khi điều chỉnh chức danh nghề nghiệp.

Được biết cho tới nay, chưa có cơ sở giáo dục nào đáp ứng được việc điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội theo Điều 98 như cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã yêu cầu nên vụ việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Có thể thấy, yếu tố vi phạm pháp luật trong việc xâm hại chế độ nhà giáo đã rất rõ ràng.

Mặc dù sự việc phức tạp nhưng chế độ chính đáng của nhà giáo vẫn phải được nhanh chóng giải quyết rất mong cấp có thẩm quyền của huyện Vĩnh Thuận nghiêm túc thực hiện.

Vụ việc sẽ được Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin ở kỳ sau.                                

Bài và ảnh: Nguyễn Phan