Vùng xám thực nghiệm sách giáo khoa và vấn đề đạo đức khoa học

30/10/2020 06:12
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trở lại sự cố của sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, có thể thấy, toàn bộ quy trình thực nghiệm là một “điểm mờ” chỉ những người trong cuộc mới hiểu.

Cho đến thời điểm này, những sai sót của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết “Tổng chủ biên kiêm chủ biên” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức thừa nhận.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia tổ chức rà soát lại các bộ sách đã đưa vào sử dụng nhất là buộc nhóm tác giả biên soạn sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều phải chỉnh sửa đã nói lên điều đó. [1].

Tuy nhiên, có thể thấy việc để “lọt” bộ sách giáo khoa đầy sạn như thế này, xét ở phương diện đạo đức của người làm khoa học thì trách nhiệm trước hết và lớn nhất thuộc về những người có liên quan trực và gián tiếp trong cả hai khâu biên soạn và thẩm định.

Đạo đức khoa học của người biên soạn

Có ý kiến cho rằng các sách giáo khoa không phải là công trình nghiên cứu khoa học nên đặt ra vấn đề “đạo đức khoa học” trong trường hợp này là không thỏa đáng. Cá nhân tôi không nghĩ như thế.

Có thể về hình thức các bộ sách giáo khoa không giống với các công trình khoa học phổ biến khác nhưng xét về tính chất và nhất là về nội dung trong mối liên quan với chương trình giáo dục phổ thông thì không thể nói như thế được.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, bất kỳ bộ sách giáo khoa nào trước khi đăng ký thẩm định hoặc đưa vào sử dụng đại trà đều phải qua khâu thực nghiệm và lấy ý kiến đóng góp của công chúng.

Nói khác đi, toàn bộ quy trình và kết quả thực nghiệm chính là cơ sở và luận cứ quan trọng để các tác giả biên soạn sách giáo khoa tham chiếu từ đó có những điều chỉnh và hoàn thiện bộ sách của mình.

Tất cả thao tác này đương nhiên là thao tác của người làm nghiên cứu khoa học, có tính chất khoa học.

Và như thế, trách nhiệm của những người nghiên cứu khoa học, trước hết thể hiện ở sự “cẩn trọng” và “liêm chính” [2].

Trách nhiệm của những người nghiên cứu khoa học, trước hết thể hiện ở sự “cẩn trọng” và “liêm chính”. (Ảnh minh họa: kennethgmcleod.com)

Trách nhiệm của những người nghiên cứu khoa học, trước hết thể hiện ở sự “cẩn trọng” và “liêm chính”. (Ảnh minh họa: kennethgmcleod.com)

Đây là quy chuẩn tuy không có sự ràng buộc về mặt pháp lý nhưng lại ràng buộc về mặt đạo đức mà bất kỳ một người nghiên cứu nào cũng phải tuân thủ với một tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Nhà khoa học có trách nhiệm nhất định phải cẩn trọng trong nhận thức và phương pháp làm việc; phải thành thật và liêm chính trong việc công bố các kết quả thực nghiệm (một cách công khai và đầy đủ) để cộng đồng hoặc các nhà khoa học có chuyên môn khác dễ dàng tiếp cận và thuận lợi hơn trong việc thẩm tra, thẩm định.

Trở lại sự cố của sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, có thể thấy, toàn bộ quy trình thực nghiệm là một “điểm mờ” chỉ những người trong cuộc mới hiểu.

Nghĩa là không ai biết các tác giả biên soạn đã làm gì, làm như thế nào trước khi hoàn thiện bộ sách trình Hội đồng thẩm định.

Điều này được chính ông Mai Ngọc Chừ - Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia sách Tiếng Việt lớp 1 xác nhận:

“Khi thẩm định sách, một trong những tiêu chuẩn cứng là vấn đề thực nghiệm. Năm bộ sách đều được tổ chức thực nghiệm, nhưng thời gian chỉ có vài tháng.

Khi thẩm định, chúng tôi hỏi rất cặn kẽ thực nghiệm ở đâu, thế nào, nhóm tác giả đều trình bày đầy đủ. Nhưng chúng tôi cũng không thể kiểm tra từng lớp, từng giáo viên, học sinh để xem mức độ đến đâu”. [3]

Đạo đức khoa học của người thẩm định

Công trình khoa học là sản phẩm của cá nhân hoặc một nhóm người, tuy nhiên kết quả hay thành tựu của công trình ấy tạo ra lại mang tính cộng đồng và xã hội rất cao.

Nó ảnh hưởng và tác động rất lớn đến đời sống con người trên tất cả các phương diện. Hay nói khác đi, sản phẩm khoa học lúc này không còn là sở hữu riêng của cá nhân nhà khoa học nữa mà là tài sản chung của toàn xã hội.

Trong ý nghĩa này, có thể nói vai trò của các nhà khoa học được giao thẩm tra, thẩm định các công trình khoa học là vô cùng quan trọng.

Sự công tâm, khách quan, vô tư của nhà khoa học để đưa ra kết luận cuối cùng về một công trình khoa học nào đó là chuẩn mực hàng đầu.

Nói cách khác, người được giao trọng trách thẩm định các công trình khoa học không nên thành kiến, định kiến hay vì những mâu thuẫn cá nhân mà cố tình phủ nhận thành quả nghiên cứu của đồng nghiệp.

Hoặc ngược lại, vì những mối quan hệ cá nhân (bạn bè, đồng nghiệp, thầy trò…) hay những toan tính riêng tư mà xuề xòa, dễ dãi cho qua những công trình khoa học kém chất lượng.

Trong câu chuyện về sự cố sách Tiếng Việt Cánh Diều, xét về mặt quy trình và pháp lý, cá nhân tôi cho rằng những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia là khá bài bản, chặt chẽ.

Tuy vậy, như chúng ta đã biết, sách Tiếng Việt Cánh Diều dù đã trải qua các vòng thẩm định nghiêm ngặt nhưng chưa đầy 1 tháng đưa vào dạy học đã bị dư luận phản ứng dữ dội.

Bỏ qua những ý kiến công kích cực đoan của một dân chúng trên mạng xã hội, phải thừa nhận rằng những sai sót của quyển sách này là không thể chối cãi, bao biện.

Từ đây, tôi cho rằng, việc dư luận hoài nghi về sự công tâm, khách quan, vô tư của 15 thành viên Hội đồng thẩm định bộ sách này trong tư cách những nhà khoa học không phải không có cơ sở.

Thật khó để chấp nhận cách giải thích bất nhất của Giáo sư Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyển sách ngay khi dư luận phản ứng.

Chỉ sau một ngày từ chỗ bao biện, bảo vệ cho những sai sót trong sách Cánh Diều ông đã thay đổi quan điểm và thái độ khi cho rằng vì “nể nang” các tác giả viết sách nên mới như thế.

Còn ông Phó Chủ tịch thì nhanh chân đá quả bóng trách nhiệm khi cho rằng những sai sót mà dư luận phản ánh Hội đồng thẩm định đã chỉ ra nhưng các tác giả viết sách vẫn bảo lưu quan điểm không chịu sửa chữa?

Không những vậy, thật khó để dư luận không hoài nghi sự công tâm, vô tư, khách quan của ông và các thành viên còn lại trong Hội đồng khi trước đó đã thẳng tay gạt bỏ bộ quyển sách Tiếng Việt 1 do Giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn vốn được thực tế dạy học kiểm nghiệm hơn 40 năm.

Vì tất cả những gì sách sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều mắc phải hôm nay đã được ông Chủ tịch hội đồng và các thành viên còn lại mổ xẻ từ đó phê phán, thẳng thay loại bộ sách Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại một năm trước đó. Thậm chí những sai sót của sách Cánh Diều còn trầm trọng và khó chấp nhận hơn. [4]

Thay lời kết

Đạo đức khoa học là vấn đề thoạt nghe có vẻ trừu tượng, mơ hồ bởi có thể có nhiều quan điểm và cách diễn giải khác nhau.

Tuy vậy, nó là một phạm trù và một yêu bắt buộc đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học.

Quan trọng hơn, đạo đức khoa học chắc chắn không nằm ngoài phạm trù đạo đức mang tính phổ quát nói chung của con người như: sự trung thực, tính liêm chính và tinh thần trách nhiệm trước những vấn đề của cuộc sống.

Bởi lẽ, một nhà khoa học trước khi được xã hội và cộng đồng công nhận với tư cách này thì lẽ hiển nhiên đều là những con người trong tư cách con người cá nhân, con người công dân trong mối quan hệ với cộng đồng và xã hội.

Thời gian qua, chúng ta hẵn đã nghe rất nhiều sự than phiền thậm chí bức xúc về sự tụt hậu của nền học thuật nước nhà đặc biệt là ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng mổ xẻ để truy tìm nguyên nhân. Tuy vậy, có thể thấy đa phần các ý kiến đều có xu hướng đổ cho các yếu tố thuộc về “ngoại cảnh” (kinh phí nghiên cứu eo hẹp hay “cơ chế”, quy trình, lạc hậu, phức tạp…) chứ hiếm khi dũng cảm nhìn nhận những nguyên nhân thuộc về “nội giới”. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đạo đức khoa học của bản thân.

Không riêng sự cố sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều lần này, nhìn rộng ra cái thảm trạng mà nhiều người mỉa mai là các “lò ấp Thạc sĩ, Tiến sĩ”; hay như vấn nạn “đạo văn”, cùng những lùm xùm liên quan đến việc phong học hàm Phó giáo sư, Giáo sư thời gian qua đều liên quan “mật thiết” đến vấn đề đạo đức khoa học của những người trong cuộc. Và đây mới thực sự là nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất làm cho nền khoa học, giáo dục nước nhà bị trì trệ, tụt hậu chứ không phải những yếu tố thuộc về “ngoại cảnh”.

Tóm lại, nhà khoa học chân chính sẽ không cho phép bản thân có nhưng hành vi, thái độ hành xử, ứng xử vi phạm các chuẩn mực về đạo đức khoa học.

Đặc biệt, trước những vấn đề khoa học tạo ra những tranh luận trái chiều, họ luôn chân thành và cầu thị để lắng nghe thay vì bao biện hoặc tệ hơn là dùng “uy quền” của bản thân trong giới nghiên cứu để trấn áp những tiếng nói phản biện.

Cách hành xử này dĩ nhiên không những vi phạm các quy chuẩn đạo đức mà nguy hiểm hơn nó là nguyên nhân khởi phát cái tâm lý cùng thái độ học phiệt trong khoa học.

(*) Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-giao-duc-giai-trinh-sao-ve-san-sach-canh-dieu-voi-dai-bieu-quoc-hoi-post213174.gd

[2]: https://tiasang.com.vn/-dien-dan/dao-duc-khoa-hoc-2299

[3]: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tham-dinh-sach-giao-khoa-lop-1-het-bao-nhieu-tien-1735404.tpo

[4]: https://viettimes.vn/nha-nghien-cuu-ngon-ngu-dao-tien-thi-ngu-lieu-trong-sach-giao-khoa-thu-nghiem-tieng-viet-lop-1-cong-nghe-giao-duc-post114353.html

Nguyễn Trọng Bình