Giáo dục phổ thông nặng lý thuyết, học sinh phải đối phó với nhiều kỳ thi (1)

14/01/2021 07:02
AN NGUYÊN (lược ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó phải học nhiều, quá tải.

LTS: Vào cuối tháng 12/2020 vừa qua, tại Đà Nẵng, Hội đồng quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh - Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức hội thảo: “Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”.

Tại đây, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm về đổi mới giáo dục từ các bậc học phổ thông đến đại học vì mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đưa ra thực trạng của từng bậc học, các chuyên gia cũng đi sâu phân tích những mặt hạn chế và đề ra phương án giải quyết.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài của các chuyên gia, trích từ kỷ yếu gửi đến hội thảo.

Trong tham luận của mình Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nêu rõ thực trạng quá tải trong giáo dục phổ thông cũng như những áp lực thi cử của học sinh phổ thông.

“Qúa tải” trong giáo dục phổ thông

Theo Giáo sư Minh, đổi mới giáo dục vì sự phát triển bền vững, trong đó có giáo dục phổ thông đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

Học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: AN

Học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: AN

Trở ngại lớn của tiến trình đổi mới này là vấn đề “quá tải” trong giáo dục phổ thông. Vấn đề này đã được ngành giáo dục nhận diện và xã hội phản ánh ở nhiều góc cạnh, nhưng không dễ giải quyết.

Cắt giảm nội dung, thời lượng học và điều chỉnh số bài kiểm tra, số kì thi chưa phải là những giải pháp căn bản.

Để đưa ra giải pháp đúng, cần hiểu rõ các nguyên nhân. Đó là nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh.

Phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập.

Thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập.

Trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình.

Học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó phải học nhiều.

Hơn nữa, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.

Điều này dẫn đến hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan, học sinh không còn thời nghỉ ngơi, vì vậy trở nên mệt mỏi và áp lực.

Giải pháp

Để đổi mới căn bản về nội dung, phương pháp giáo dục, Giáo sư Minh cho rằng, có ba hướng tiếp cận chính.

Giải pháp giáo dục tích hợp là định hướng giáo dục giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.

Đây là tiếp cận giáo dục cơ bản nhằm khắc phục thực trạng nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết, nhiều nội dung vừa không thiết thực, vừa khó học, dễ quên. Mức độ cao nhất của dạy học tích hợp là hình thành các môn học tích hợp.

Điển hình cho việc này là giáo dục STEM đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai trong giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021.

Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề.

Trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra. Thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh.

Giải pháp giáo dục phân hóa: là định hướng giáo dục phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau, nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh dựa vào đặc điểm tâm - sinh lí, khả năng, nhu cầu, hứng thú và định hướng nghề nghiệp khác nhau của học sinh.

Đây là tiếp cận giáo dục cơ bản nhằm đảm bảo nền giáo dục công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Giải pháp giáo dục thông qua hoạt động tích cực của người học: Các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường cần áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh.

Trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập.

Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành, được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học và các ứng dụng công nghệ thông tin.

"Để chuẩn bị các điều kiện thực hiện có hiệu quả các biện pháp trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sư phạm, các trường phổ thông cần đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, chú ý các nhiệm vụ gắn với đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông nhằm phát triển nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người", Giáo sư Minh đặt vấn đề.

Cụ thể, giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục là những người trực tiếp thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông nên cần tạo động lực, phân cấp quản lí và trao quyền tự chủ.

Thực thi quyền lựa chọn nội dung, phương pháp giáo dục của giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng giáo viên năng lực dạy học tích cực, dạy học phân hoá và dạy học tích hợp, trong đó có giáo dục STEM.

Về dạy học môn học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những giáo viên có điều kiện và nguyện vọng có thể theo học chương trình bồi dưỡng ở trường sư phạm, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tiến tới đảm nhiệm được việc dạy toàn bộ môn học.

Chương trình bồi dưỡng có thể được tổ chức theo hình thức tích luỹ tín chỉ nên giáo viên có thể sắp xếp thời gian hợp lí để theo học và hoàn thành chương trình.

Điều chỉnh, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm đảm bảo sĩ số các lớp học ít nhất phải bảo đảm quy định: tối đa 35 học sinh/lớp ở cấp tiểu học và 45 học sinh /lớp ở các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Thực hiện quan điểm đánh giá vì học tập và đánh giá là học tập bên cạnh các hoạt động đánh giá kết quả học tập.

Đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong tổ chức tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Qua đó, khuyến khích nền nếp thực học, thực nghiệp, tránh gây áp lực kiểm tra lên học sinh.

AN NGUYÊN (lược ghi)