Bà Hương vui mừng thông tin, từ năm 2012 chúng ta đã có hơn 120.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc và ngược lại có hơn 150.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và kinh doanh tại Việt Nam.
Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam, họ đã đưa vào Việt Nam rất nhiều các dự án đầu tư lớn và hai nước đã trở thành đối tác chiến lược về kinh tế.
Hình ảnh ký kết hợp tác giáo dục giữa các trường cao đẳng Việt Nam và Hàn Quốc. |
Khi đó bà Hương được lưu ý cố gắng để đưa sự hợp tác giữa hai nước trong giáo dục đi kịp với sự hợp tác về kinh tế. Trước đó, để chuẩn bị cho chuyến tháp tùng này, bà Hương đã tới thăm một số trường ĐH và Cao đẳng nghề tại Hàn Quốc để bàn về cơ hội hợp tác với Việt Nam. Lúc đó các trường đều mong muốn có một sự hợp tác nào đó cụ thể, thiết thực với Việt Nam.
Mối quan hệ khăng khít
Với một xứ mệnh day dứt, một mối quan hệ nhạy cảm giữa hai nước bà Hương đã trăn trở và tìm cách đưa sự hợp tác giữa hai nước trong giáo dục trở nên sâu sắc hơn.
Ông hiệu trưởng của trường SKU nguyên là Phó Thủ tướng của Hàn Quốc. Khi biết tin thủ tướng ta sang thăm, ông đã ngỏ ý xin trao tặng bằng tiến sỹ danh dự cho lãnh đạo Việt Nam vì những đóng góp cho sự hợp tác kinh tế hiệu quả giữa hai nước trong thời gian qua.
Đặc biệt sau khi chính quyền của nữ Tổng thống Park Geun Hye lên lãnh đạo đất nước, bà đã cho phép và khuyến khích các trường của Hàn Quốc xuất khẩu giáo dục – đưa các chương trình giảng dạy của Hàn Quốc ra nước ngoài, để hỗ trợ cho các ngành khác.
Trong chuyến công tác chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của bà sang Việt Nam vào tháng 8 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chứng kiến lễ ký kết giữa trường CĐ Nghề CN Hà nội và CĐ Nghề TP HCM với trường ĐH An San, chuyên ngành sửa chữa ô tô và trường ĐH Samhuk với trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội, chuyên ngành Làm đẹp ( beauty arts).
Sau lễ ký kết, trường ĐH An San đã cam kết sẽ gửi cho hai trường nghề nói trên hai chiếc xe của hãng xe Hyundai để phục vụ tốt cho việc nghiên cứu và giảng dạy.
Chỉ trong vòng hơn một năm, với hàng chục cuộc thăm viếng con thoi giữa hai bên và các công việc cụ thể… các trường ĐH và CĐ Nghề của Hàn Quốc đã tìm ra được các đối tác của mình tại Việt Nam.
Với sự hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Dạy nghề Việt Nam, phía Hàn Quốc đã triển khai một số ngành nghề ưu tiên phát triển tại Việt nam, đồng thời cũng là thế mạnh của Hàn Quốc như: cơ khí, du lịch, điện, điện tử, sửa chữa ô tô, làm đẹp…
Nhờ có chi phí rất hợp lý của các khóa này mà hầu hết các trường tham gia đều có mong muốn được kết hợp thêm nhiều lĩnh vực nữa, có những trường có 19 ngành nghề đào tạo thì muốn liên kết với Hàn Quốc cả 19 ngành, nhằm mau chóng đưa các chương trình giảng dạy của họ theo kip với thời đại.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chứng kiến Lễ ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. |
Biết bao ngành nghề đào tạo tại Việt Nam đang phải hội nhập và cần cấp bách có được bằng cấp công nhận trên thị trường lao động quốc tế. Hợp tác liên doanh đào tạo là cách thức nhanh chóng nhất để giúp các trường thực hiện được việc này.
Khi ra trường, học sinh có cùng một lúc hai bằng: một của Việt Nam, một của nước ngoài. Đây là một cách làm rất năng động và sáng tạo của các nhà giáo dục Hàn Quốc, mà ngay cả những người hàng xóm của họ như Nhật bản hoặc Đài Loan, Trung Quốc còn chưa kịp nghĩ đến.
Chỉ trong vòng vài năm, một lượng lớn học sinh Việt Nam sẽ có trong tay hai tấm bằng tốt nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc, họ sẽ là nguồn nhân lực quan trọng thúc đẩy cho sự hợp tác về kinh tế giữa hai nước. Hiện đã có khoảng 2000 học sinh các trường dự kiến sẽ tham gia các khóa liên doanh đào tạo này.
Về phía Chính phủ Việt Nam, trong trào lưu hội nhập Giáo dục đang rất sôi động trong khu vực, nếu chúng ta không xóa bỏ bớt các rào cản về thủ tục, giấy phép, để cho các trường tự chủ hơn nữa trong việc tiềm kiếm các đối tác liên doanh đào tạo thì chúng ta sẽ bị tụt hậu.
Trong đó có vài điểm mà trong thực tế làm việc khi đưa các chương trình liân doanh vào bị mắc.
Khi đưa chương trình liên kết giảng dạy để cấp bằng đúp của cả hai bên Việt Nam- Hàn Quốc, phía Hàn Quốc được luật pháp của họ cho phép các khóa này dạy bằng ngôn ngữ bản địa, có nghĩa là học sinh Việt Nam có thể học bằng tiếng Việt.
Và phía Hàn Quốc có nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo giáo viên cho khóa liên doanh này. Đây là một thuận lợi lớn cho học sinh Việt Nam khi chẳng ai biết tiếng Hàn. Thế nhưng theo quy định này thì học sinh Việt Nam phải học bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh?
Nói rộng ra, trong quá trình hội nhập giáo dục, nếu các trường Việt Nam muốn liên doanh đào tạo với trường tại Trung Quốc, Đài Loan, Nhật bản, Đức, Pháp, Nga… thì bắt buộc học sinh phải học bằng ngôn ngữ của nước đó hoặc tiếng Anh.
Đây chính là một điểm cần xem xét lại của nghị định này, bởi không phải học sinh nào cũng muốn học bằng ngôn ngữ không phổ biến đó, nó sẽ tạo cho con đường vòng cho các khóa LD đào tạo mà phía các trường đối tác đều góp ý nên thay đổi, để các khóa LD sẽ đa dạng hơn chứ không chỉ các nước nói tiếng Anh.
Thứ hai, Nghị định này chưa khuyến khích được các trường trong việc đưa các ngành nghề mới vào giảng dạy tại Việt Nam. Các trường rất ngần ngại trong việc đưa các ngành nghề mới, còn tư tưởng đợi chờ nhau, xem đã có mã ngành chưa? Nếu chưa có thì chưa làm.
Đối với những ngành mới mà nhu cầu XH đã rõ. Các trường cần vào cuộc sớm để đào tạo ra nguồn nhân lực cho ngành đó. Chẳng hạn, Hàn Quốc rất mạnh về mảng Beauty Arts – Nghệ thuật làm đẹp.
Trường nào cũng muốn mở nhưng hóa ra lại chưa có mã ngành. nên ai cũng chờ xem ai tiên phong đi trước đã. Cần có thêm quy định để khuyến khích các trường chủ động hơn trong việc đưa ngành nghề đào tạo mới vào Việt Nam.
Thứ ba, đòi hỏi quá nhiều giấy tờ trong việc xin giấy phép của Bộ GD&ĐT, trong phần 1.7: trình tự, thủ tục phê duyệt hồ sơ liên kết đào tạo có quy định làm 06 bộ hồ sơ nộp lên và sau 5 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận sẽ báo lại cho trường là hồ sơ có hợp lệ hay không?
Rồi sau 30 ngày làm việc Cục đào tạo với nước ngoài sẽ thẩm định, lập báo cáo, trình các cấp liên quan, rồi lại sau 5 ngày, các cấp có thẩm quyền phải có ý kiến trả lời. Như vậy sau tổng cộng 40 ngày giấy phép sẽ có.
Vậy nên cũng thiết tha đề nghị Cục đào tạo với nước ngoài nên có một danh sách đầy đủ các yêu cầu để các trường làm một lần xong việc ngay, đừng làm nản lòng các trường và đối tác, bởi không phải ai cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cả.
Tốt nhất là nên quy định những lĩnh vực không thể cấp giấy phép cho liên kết đào tạo, còn những ngành nghề không cấm thì nên để các trường tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Phía Tổng cục dạy nghề đã phát tín hiệu hợp tác rất rõ: cứ nộp hồ sơ, sau 10 ngày là có giấy phép!