Dưới suy nghĩ của một học sinh phổ thông, độc giả Trinh Đinh nêu thực trạng, việc dạy và học sử ở Việt Nam hiện nay là một việc làm máy móc, học vẹt không có phương pháp, cuốn sách sử thì dày cộm, thiếu sự chân thực của một cuốn sách giáo khoa đúng nghĩa. Chính vì vậy khiến nhiều học sinh “ghét” môn sử.
“Như Bác Hồ đã dạy :”Dân ta phải biết sử ta”. Em nghĩ “biết” ở đây khác với “học thuộc đối phó” những con số, những sự kiện nhỏ nhặt một cách máy móc để sau này làm bài thi xong thì chữ nghĩa bay hết” học sinh này cho biết.
Hai em Trần Mỹ Linh (trái) và Phạm Phương Thảo luôn tự hào khi lựa chọn học lịch sử và lựa chọn môn này là môn tự chọn ở kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Ảnh Xuân Trung |
Theo độc giả này, không thể vì thấy học sinh không đăng kí thi tốt nghiệp sử mà bảo không biết sử nước nhà, không yêu nước. Điều đó hoàn toàn không đúng.
Em này tự hào có thể kể vanh vách các sự kiện lịch sử từ thời dựng nước đến nay với một số ngày tháng nhất định, nhưng không thể nói cụ thế từng chi tiết nhỏ của từng trận đánh mà các bài kiểm tra yêu cầu.
“Các bác đừng bắt tụi cháu học thuộc cả những con số một cách máy móc, nhớ kĩ càng từng chi tiết một vì sau này chúng cháu cũng đâu cần đến nó. Chúng cháu đâu phải những nhà sử học.
Chúng cháu học sử để biết tổng quát, những cái chính yếu của lịch sử đất nước, để phát huy điểm mạnh của ông cha và tránh những sai lầm không đáng có. Khách quan mà nói, tụi cháu không chọn thi tốt nghiệp sử là vì chương trình quá nặng, tụi cháu không thể vừa học cả cuốn sách giáo khoa mà vừa ôn thi ba môn đại học không liên quan đến môn sử” học sinh này thừa nhận.
Ở một nguyên do khác, em học sinh này cho biết cũng không thể trách học sinh bây giờ không lựa chọn khối C là khối thi đại học, vì thực tế đau lòng khi sinh viên ngành sử (khối C) học ra trường không có chỗ tìm việc?
Độc giả Bách Thuận bình luận: “Học và thi lịch sử như thế này là không ổn.Tôi có ý kiến: theo tôi bắt buộc học sinh cấp 3 phải học lịch sử theo tín chỉ và việc hoàn thành tín chỉ là hết học kỳ 1 lớp 12. Phân loại điểm trên tín chỉ để cộng điểm cho điểm tốt nghiệp”.
“Cần xé đề cương môn sử và hãy cho học sinh khám phá lịch sử (lịch sử ta chưa rành mà đòi rành lịch sử nước người ta) đó là nguyên nhân dẫn đến quá tải trong môn lịch sử hiện nay” lời bình của độc giả Trường Bùi.
Theo TS. Hưởng, lịch sử đòi hỏi học sinh phải có sự đam mê, hứng thú mới có thể học tốt môn này, nếu học theo lối truyền thống cũ, học thuộc lòng, học vẹt, máy móc thì các em sẽ sợ.
TS. Hưởng còn cho rằng, lí do khác khiến học sinh không chọn môn lịch sử vì đầu vào của các trường đại học có thi khối C rất hạn chế, hơn nữa học sinh chọn môn thi tốt nghiệp sẽ chọn môn hỗ trợ ôn thi đại học.
Tuy nhiên, với vai trò là người thầy TS. Hưởng cũng vui khi nhiều em học sinh mặc dù không học khối C nhưng lại nhận thấy ý thức trách nhiệm của một công dân cho rằng, môn lịch sử phải được đối xử công bằng hơn.
Liên quan tới phương án lịch thi tốt nghiệp TPHT, một độc giả đề nghị Bộ GD&ĐT thi tốt nghiệp trong hai ngày (4 buổi thi), mỗi buổi chỉ thi 1 ca như sau: Bằng cách chọn 4 môn ra 2 bộ đề thi: Gồm Sinh, Anh, Sử, Địa. Lịch thi sẽ là ngày 2/6: Sáng thi Văn; Chiều thi Lí, Sinh (đề 1), Anh (đề 1), Sử (đề 1) và Địa (đề 1). Ngày 3/6: Sáng thi Toán; Chiều thi Hóa, Sinh (đề 2),Anh (đề 2), Sử (đề 2) và Địa (đề 2). Ra đề 1 và đề 2 có nội dung kiến thức tương đương.