Trong số 9 bản giao hưởng của Beethoven, bản Giao hưởng Số 5 cung Đô thứ lúc đầu được gọi là “Bản giao hưởng Số phận”.
Tên gọi "Định mệnh" được dùng ngày nay là dựa vào câu nói của Beethoven “Đó là âm thanh của Định mệnh gõ lên cánh cửa”.
Bình luận về bản giao hưởng Định mệnh, nhà soạn nhạc, nhà phê bình âm nhạc và họa sĩ người Đức Ernst Theodor Wilhelm Hoffmann (E.T.A. Hoffmann) viết:
“Ánh sánh rực rỡ chiếu xuyên qua màn đêm thăm thẳm, và lúc ấy ta mới nhận ra bóng tối khổng lồ đang lắc lư tới lui đã bao trùm lên ta, huỷ diệt mọi thứ bên trong ta chỉ trừ nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận – cái khắc khoải mà trong đó mọi sự khoái lạc ngân lên trong cung bậc hân hoan đều bị dìm xuống và chết lịm,…”. [1]
Những người hiểu biết về nhạc không lời có thể có những liên tưởng khác nhau khi nghe bản giao hưởng này, người viết không hiểu gì về giao hưởng nên liên tưởng nó với nền giáo dục nước nhà.
Với vụ gian lận thi cử năm 2018, bóng tối của sự gian dối đã bao trùm lên giáo dục Việt Nam (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn) |
Với những gì đã diễn ra trong suốt thời gian hơn nửa thế kỷ, với những gì “vỡ bung” ra sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018, người Việt bây giờ cảm nhận rõ ràng “bóng tối của sự gian dối đã bao trùm lên giáo dục Việt Nam, huỷ diệt mọi thành tích của giáo dục và để lại cho dân chúng nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận”.
Không đau sao được khi người Việt hôm nay gửi gắm con em mình cho một nền giáo dục mà một lớp có 43 học sinh thì 42 cháu đạt loại giỏi, khi có tới ba Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình) dối trá một cách trơ trẽn về kết quả thi của tỉnh mình, khi hàng loạt lãnh đạo và cán bộ phòng, ban tham gia Hội đồng thi phải ngồi tù chờ ngày xử án,…
Bóng tối không lồ của sự dối trá đã che phủ những gì gọi là cao quý nhất, thuần khiết nhất mà đáng lẽ giáo dục phải có.
Sự giả dối có thể thấy không chỉ trong mấy trăm gia đình có con được nâng điểm mà còn có thể thấy trong nhiều cơ sở giáo dục phổ thông với “Bệnh thành tích”, trong hàng ngũ lãnh đạo với sự chối bỏ trách nhiệm mỗi khi xảy ra sự cố và trong những ngôn từ sáo rỗng kèm theo những lời hứa “nhận trách nhiệm” nhưng không bao giờ từ chức.
Khi người dân phẫn nộ đòi phải công khai danh tính những kẻ gian lận, phải xử lý tận gốc bọn buôn bán giáo dục thì đâu đó vẫn còn những tiếng nói hà hơi tiếp sức cho bọn “gian giáo” khi viện dẫn luật này, điều nọ về nhân thân bọn trộm cướp này nhằm trì hoãn xử lý.
Khi giáo dục trở thành nơi mua bán điểm, bằng cấp, học hàm, học vị, công trình khoa học thì chính nó đã trở thành nguyên nhân hủy diệt mọi cố gắng của bao thế hệ người Việt đã hy sinh cuộc đời và máu xương với hy vọng dân tộc có một tương lai tươi sáng.
Không mua được bằng tiền, mua được bằng rất nhiều tiền! |
Một Chính phủ liêm chính, kiến tạo không thể có một ngành Giáo dục chứa đầy ung nhọt.
Một đội ngũ cán bộ vì nước, vì dân không thể bao gồm những kẻ “ăn của dân không từ cái gì” nhưng thơn thớt rao giảng đạo đức mà không sợ ngượng mồm.
Niềm tin của dân chúng vào một nền giáo dục nhân bản, chân, thiện, mỹ đã bị “dìm xuống và chết lịm” không phải chỉ vì mấy chục kẻ giữ cương vị lãnh đạo ngành giáo dục địa phương mà còn là bộ phận không hề nhỏ những kẻ nhúng chàm thuộc nhiều ngành khác nhau từ cấp huyện, tỉnh đến cấp cao hơn.
Đã và đang xuất hiện các yêu cầu: “Cần phải truy cứu trách nhiệm của Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình.
Với cương vị đứng đầu ngành giáo dục địa phương, những người này không thể không liên đới trách nhiệm trong các vụ án sửa điểm ở địa phương mình”. [2]
Đề xuất như vậy không sai, thế nhưng tại sao là chừa ra vai trò của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng thi cấp tỉnh, vai trò lãnh đạo, giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo…” ban hành (năm 2013), nền giáo dục nước nhà đã “đổi mới” được những gì trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2019, đặc biệt là nhiệm kỳ của ban lãnh đạo bộ hiện nay?
Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông xấp xỉ 99%, tỷ lệ xóa mù chữ thuộc hàng đầu thế giới, một số đội tuyển thi học sinh giỏi quốc tế đạt thành tích cao,… là điều đã được quảng bá rầm rộ nên xin không nhắc thêm.
“Vết nhơ giáo dục” - người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm? |
Năm 2014: Quốc hội thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Quốc hội không duyệt tổng số kinh phí cụ thể, mà giao cho Chính phủ trình Quốc hội các khoản chi trong dự toán ngân sách hàng năm.
Trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự trù kinh phí cho đề án là 34.275 tỉ đồng cho các công việc:
“Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý…
Cũng trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 764/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.
Đến năm 2017 lại thành lập Ủy ban mới thay thế ủy ban cũ.
Năm 2015: Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.
Theo Dự thảo này, Lịch sử được tích hợp vào các môn khác.
Đừng ngây thơ, hay vội vàng nói 60 tỉnh còn lại không có gian lận thi cử |
Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3, Lịch sử tích hợp vào môn “Cuộc sống quanh ta”; lớp 4, 5 là môn “Tìm hiểu xã hội”; bậc trung học cơ sở là môn “Khoa học xã hội” và bậc trung học phổ thông tích hợp với môn “Công dân với Tổ quốc”.
Ngay sau đó, nhiều giáo viên, chuyên gia, Hội Khoa học Lịch sử... đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ Dự thảo trên.
Năm 2016: “Bạo lực học đường trong năm 2016 tiếp tục gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng”. [3]
Cũng trong năm 2016, hơn 20 nữ giáo viên tỉnh Hà Tĩnh bị chính quyền điều đi tiếp khách tại nhà hàng.
Năm 2017: “Lò ấp tiến sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội bị phanh phui.
Cũng năm 2017, sau khi bị dư luận phản bác kịch liệt, 41 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại vì không đủ tiêu chuẩn.
Năm 2018: hơn 400 giáo viên hợp đồng tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ 1/9/2018; 208 giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) bị thông báo chấm dứt hợp đồng lao động;
Nổi bật trong năm 2018 là vụ gian lận điểm thi tại ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.
Dư luận cũng đang đặt câu hỏi về chuyện tại một số địa phương (Lạng Sơn, Thái Nguyên) thí sinh tự do (trong đó có khá nhiều công an nghĩa vụ) được bố trí thi tại phòng riêng và đạt kết quả cao không bình thường.
Năm 2019, “2.700 giáo viên nguy cơ mất việc: Lương thấp tè và bản án chấm dứt hợp đồng”. [4]
“Lương thấp tè và bản án chấm dứt hợp đồng” là đặc trưng của nghề dạy học, điều trớ trêu là khi học trò đánh nhau, giáo viên chủ nhiệm lập tức bị kỷ luật trong khi tại những nơi xảy ra gian lận điểm thi năm 2018, cấp dưới mang bài thi về nhà sửa điểm thì lãnh đạo ngành giáo dục các cấp vẫn bình an vô sự?
Gửi con em vào các cơ sở giáo dục là điều mọi gia đình đều phải làm, trong khi tại không ít địa phương trường chưa ra trường, thày chưa ra thày lại cộng thêm lãnh đạo không ra lãnh đạo thì phải chăng nhiều gia đình người Việt đang buộc phải “gửi trứng cho ác”?
Không ít kẻ lừa đảo chui vào ngành giáo dục và trở thành lãnh đạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phú (Cà Mau) Nguyễn Văn Dũng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng người này “Sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc... Hiện ông Dũng có bằng cử nhân tiểu học, cao cấp chính trị”. [5]
Hai Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, một Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và nhiều cán bộ phòng ban cấp sở bị truy tố liệu có phản ánh thực trạng đội ngũ công chức giáo dục nước nhà hay đây chỉ là hiện tượng mang tính cá biệt?
Tham nhũng trong giáo dục là dạng tham nhũng tệ hại nhất, xấu xa nhất bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ, cũng tức là đội ngũ lãnh đạo đất nước sau này.
Làm nhà giáo hoặc cán bộ quản lý giáo dục mà tham nhũng tức là mức độ tha hóa (của không ít nhân sự) trong hàng ngũ công chức, viên chức đã đến đỉnh điểm, đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của thể chế.
Nó tạo nên sự mỉa mai đối với một nghề vốn được coi là “cao quý nhất trong các nghề”.
Tham nhũng trong giáo dục làm trầm trọng thêm sự bất công về hưởng thụ thành quả tăng trưởng kinh tế khi người nhiều tiền có thể mua được mọi thứ còn người nghèo bị cướp mất cơ hội học tập, cũng có nghĩa là cướp mất tương lai, hy vọng khi họ đã cố gắng sống một cách trung thực.
Nói thẳng ra, nếu không xem các vụ tham nhũng trong giáo dục là những vụ án trọng điểm, nếu chỉ quan tâm đến kinh tế mà xem nhẹ giáo dục thì không thể xây dựng được một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, và đất nước mãi mãi sẽ chỉ là một quốc gia làm thuê cho tư bản nước ngoài.
Chừng nào ngành giáo dục còn bị lãnh đạo bởi những Giám đốc, Phó giám đốc sở như mấy người ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La hoặc một số người luôn sẵn sàng “nhận trách nhiệm” rồi để đấy thì chừng đó học sinh sẽ chỉ được dạy dỗ để trở thành bầy cừu chứ không phải những con người tự tin, sáng tạo, đủ năng lực làm chủ cuộc đời mình.
Một lần nữa, lại phải nhắc đến lời bình phẩm của E.T.A. Hoffmann về bản giao hưởng Định mệnh:
Tham nhũng trong giáo dục huỷ diệt mọi thứ trong ta, chỉ để lại nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận – cái khắc khoải mà trong đó mọi sự kỳ vọng ngân lên trong cung bậc hân hoan đều bị dìm xuống và chết lịm.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/Giao_h%C6%B0%E1%BB%9Fng_s%E1%BB%91_5_(Beethoven)
[2] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/de-lay-lai-niem-tin-phai-quyet-liet-hon-trong-vu-sua-diem-535339.html
[3] https://www.doisongphapluat.com/giao-duc/10-su-kien-giao-duc-noi-bat-nam-2016-a175597.html
[4] https://www.tienphong.vn/giao-duc/2700-giao-vien-nguy-co-mat-viec-luong-thap-te-va-ban-an-cham-dut-hop-dong-1401556.tpo
[5] https://thanhnien.vn/giao-duc/ky-luat-truong-phong-gd-dt-chua-tot-nghiep-thpt-1082027.html