Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập
Tuy nhiên, nhiều thầy cô vẫn thắc mắc, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên có thâm niên từ 30/5/2023 dễ hay khó? Người viết xin giải đáp thắc mắc này theo các quy định hiện hành.
Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn |
Điều kiện thăng hạng của giáo viên từ 30/5/2023 có gì mới?
Theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 30/5/2023, một số quy định về thăng hạng giáo viên các cấp được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Bỏ chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp theo hạng: Đây là đặc điểm đáng chú ý nhất về điều kiện thăng hạng của giáo viên các cấp.
Theo đó, mỗi hạng chức danh nghề nghiệp trước đó đều yêu cầu một loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn riêng tương ứng với chức danh đó. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT thì giáo viên chỉ cần có một chứng chỉ bồi dưỡng chung cho tất cả các hạng chức danh.
Cụ thể, giáo viên mầm non cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên mầm non; tương tự, giáo viên tiểu học cũng chỉ cần một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng vậy.
Đồng thời, các chứng chỉ theo hạng I, hạng II và hạng III đã cấp trước đây vẫn được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với từng cấp học.
- Không cần nộp minh chứng để chuyển sang hạng mới: Đây là nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 08.
- Giảm thời gian thăng hạng của giáo viên mầm non hạng III (từ đủ 09 năm trở lên giờ chỉ cần từ đủ 03 năm trở lên).
Thời gian giữ hạng cũ tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ để được thăng hạng của giáo viên tại chùm bốn Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08 năm 2023 như sau:
1. Giáo viên mầm non:
Giáo viên mầm non từ hạng III lên hạng II: Từ đủ 03 năm trở lên.
Giáo viên mầm non từ hạng II lên Hạng I: Từ đủ 09 năm trở lên.
2. Giáo viên tiểu học:
Giáo viên tiểu học từ hạng III lên Hạng II: Từ đủ 09 năm trở lên.
Hạng II lên Hạng I: Từ đủ 06 năm trở lên.
3. Giáo viên trung học cơ sở:
Giáo viên trung học cơ sở từ hạng III lên Hạng II: Từ đủ 09 năm trở lên.
Giáo viên trung học cơ sở từ hạng II lên Hạng I: Từ đủ 06 năm trở lên.
4. Giáo viên trung học phổ thông:
Giáo viên trung học phổ thông từ hạng III lên Hạng II: Từ đủ 09 năm trở lên.
Giáo viên trung học phổ thông từ hạng II lên Hạng I: Từ đủ 06 năm trở lên.
Giáo viên có thâm niên thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ 30/5/2023 dễ hay khó?
Ngoài các yêu cầu tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT và các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT, để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thì giáo viên còn phải đáp ứng nhiều điều kiện đi kèm khác nữa như: đáp ứng tiêu chuẩn của hạng mới; có thời gian giữ hạng; cơ quan quản lý có nhu cầu…
Do đó, không thể khẳng định giáo viên có thâm niên khó thăng hạng hơn từ 30/5/2023 so với giáo viên được tuyển dụng mới.
Thứ nhất, thường giáo viên có thâm niên là những đối tượng đã được bổ nhiệm vào các hạng và ngạch từ trước khi áp dụng các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT.
Do đó, những giáo viên này sẽ được coi là có chức danh nghề nghiệp “tương đương” với chức danh nghề nghiệp ở hạng thấp hơn khi muốn thăng lên hạng cao hơn.
Việc xác định “giữ chức danh tương đương” được quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT như sau:
- Giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) được xác định là tương đương với thời gian giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) hoặc ngạch giáo viên mầm non (mã số 15.115) kể từ khi giáo viên đạt chuẩn trình độ được đào tạo.
- Giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) được coi là tương đương với thời gian giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09 hoặc giữ ngạch giáo viên tiểu học (mã số 15.114) hoặc giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) hoặc giữ ngạch giáo viên tiểu học chính (mã số 15a.204) từ thời điểm giáo viên đạt chuẩn trình độ.
- Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) được coi là tương đương với thời gian giữ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) hoặc giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở (mã số 15a.202).
Do ngày trước giáo viên đáp ứng trình độ được đào tạo thấp hơn nên khi chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp mới thì việc xác định là tương đương sẽ khó khăn hơn bởi chỉ tính từ ngày họ đạt chuẩn trình độ.
Tuy nhiên, trước đó, tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP, Chính phủ có quy định về lộ trình nâng chuẩn trình độ cho giáo viên các cấp và khi đó đã áp dụng tiêu chuẩn trình độ mới cho giáo viên.
Thứ hai, quy định về thời gian giữ hạng chỉ sửa đổi, bổ sung của giáo viên mầm non từ hạng II lên hạng I thì Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT không đặt ra quy định về chuẩn trình độ được đào tạo mà chỉ kéo dài thời gian giữ hạng cũ để được thăng sang hạng mới từ 06 năm lên 09 năm.
Đồng thời, về yêu cầu giáo viên mầm non “phải đạt chuẩn trình độ đào tạo” để xác định là tương đương với hạng III mới thì chỉ cần có 03 năm. Nếu theo đúng lộ trình từ năm 2020 thì đến năm 2023 giáo viên đã đủ 03 năm.
Nếu giáo viên mầm non hạng IV, ngạch mã số 15.115 đáp ứng đủ các điều kiện khác thì hoàn toàn có thể được thăng hạng theo đúng quy định này.
Còn với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT chỉ sửa thời điểm tính thời gian giữ hạng cũ từ “thời hạn nộp hồ sơ thăng hạng” đến “ngày hết hạn nộp hồ sơ thăng hạng”.
Có thể thấy, các giáo viên có thâm niên không khó để thăng hạng. Những quy định này đều được ban hành phù hợp với các quy định liên quan khác của pháp luật.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.