LTS: Tiếp tục ý kiến về chủ đề “Dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” cô giáo Phan Tuyết đưa ra những tồn tại, vướng mắc cần được chấm dứt trước khi thực hiện đổi mới.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.
Trước thông tin năm 2018-2019 sẽ có chương trình sách giáo khoa mới cho các lớp đầu cấp, lớp 1, lớp 6 và lớp 10.
Học sinh sẽ được học ít môn bắt buộc hơn môn tự chọn. Số lượng các môn học cũng được rút gọn từ 13 môn như hiện nay chỉ còn 7 môn học với cấp trung học cơ sở và 4 môn học với cấp trung học phổ thông.
Dù con mình đã lớn không có may mắn được học chương trình giáo dục mới với kì vọng học sinh sẽ được phát triển năng lực và phẩm chất một cách toàn diện.
Nhưng tôi mừng vì những cô cậu bé học trò sẽ không phải chúi đầu chúi mũi để học cả ngày lẫn đêm như hiện nay, học sinh sẽ có nhiều thời gian vui chơi, giải trí đúng theo lứa tuổi.
Ngành Giáo dục và Đào tạo của nước ta còn mang nặng bệnh thành tích (Ảnh: cand.com.vn) |
Các em sẽ được học chuyên sâu những môn học mình yêu thích mà không bị gượng ép bắt học đại trà như bây giờ. Liệu rồi những kì vọng của tôi cũng như những tâm tư, nguyện vọng của nhiều người có thành hiện thực?
Tôi bỗng thấy lo, thấy sợ khi chỉ còn ba năm nữa là đến thời điểm đổi mới chương trình nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa tạo được hiệu quả của sự đổi mới một số nội dung trong giai đoạn đầu áp dụng.
Đầu tiên là việc thực hiện Thông tư 30 nhận được nhiều ý kiến bất đồng của xã hội. Trong khi áp dụng việc không chấm điểm tăng cường nhận xét cho học sinh đã được áp dụng thành công ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến.
Bởi ở những quốc gia đó, sĩ số học sinh vừa phải, giáo viên ngoài việc giảng dạy trên lớp không phải lo tất tả làm thêm vì họ có đời sống vật chất rất cao, công việc hồ sơ sổ sách cũng không quá nhiều.
Việc đổi mới thi cử trong kì thi THPT quốc gia vừa qua đang tạo cho thí sinh và gia đình các em những tháng ngày mệt mỏi, căng thẳng khi tham gia xét tuyển vào các trường Đại học.
Ngành Giáo dục và Đào tạo của nước ta còn mang nặng bệnh thành tích. Nhiều học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh khá giỏi chiếm tỉ lệ ảo nhiều, nạn mua điểm, mua bằng còn diễn ra ở nhiều trường, nhiều nơi trong cả nước.
Những vấn nạn này tới nay vẫn chưa được giải quyết triệt để liệu áp dụng chương trình giáo dục mới sẽ có ích chăng?
Cuộc cách mạng con người ở giáo dục phổ thông(GDVN) - Chương trình giáo dục phổ thông mới, cuộc cách mạng con người ở Việt Nam, chính thức được khởi động thỏa lòng mong đợi từ lâu của nhân dân. |
Đội ngũ giáo viên trong bao năm qua được đào tạo từ nhiều nguồn không ít giáo viên tay ngang chỉ được học ở các trường tư thục, số khác “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, điểm đầu vào sư phạm cũng chỉ nhích hơn điểm sàn.
Phần đông giáo viên có bằng đại học chuẩn hóa hoặc đại học từ xa một hình thức học “không thêm kiến thức” chỉ hợp thức hóa tấm bằng cho đạt yêu cầu.
Ngay số sinh viên trong các trường sư phạm hiện nay vẫn đang học giáo trình cũ của nhiều năm về trước mà chưa được tiếp cận cái mới để đáp ứng yêu cầu dạy học trong tương lai.
Liệu rồi với chương trình mới các môn Khoa học tự nhiên là sự kết hợp của các môn Lý, Hóa, Sinh và môn Khoa học xã hội là tích hợp của môn Sử và Địa, giáo viên môn này có thể dạy tốt môn kia?
Dù có đi tập huấn, liệu giáo viên dạy Lý có dạy tốt Hóa và Sinh? Giáo viên dạy sinh có thể dạy tốt Lý và Hóa? Giáo viên dạy Địa có thể dạy tốt Sử?...
Mỗi lần thay đổi chương trình là hao tốn không ít tiền của nhà nước. Nên chăng trước khi thay đổi về nội dung cần làm triệt để những tồn tại, vướng mắc như việc cần chấm dứt triệt để căn bệnh thành tích. Đổi mới nội dung đào tạo cho sinh viên các trường sư phạm…
Cha ông ta thường căn dặn: “Dục tốc bất đạt”. Khi và chỉ khi chúng ta đã chuẩn bị kĩ mọi điều kiện thì chắc chắn công cuộc đổi mới, mới có cơ hội thành công.