Ngày 12/5, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục – IRED tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm, góp ý dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố hôm 12/4 vừa qua.
Tham dự buổi tọa đàm này, cô Lê Thị Nga, giáo viên Trường trung học phổ thông Lê Qúy Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhìn nhận, trong cả một năm học, học sinh đã phải trải qua quá nhiều kỳ thi, giống như cô đã so sánh ngay tại buổi tọa đàm là “cuộc đời là những cuộc thi”.
Việc chạy theo các kỳ thi trong suốt một năm học, khiến cho học sinh lúc nào cũng dường như là quay cuồng, chỉ lo mỗi 2 việc là lo học và thi, còn giáo viên thì lúc nào cũng lo lắng bởi áp lực thi cử.
Theo cô Nga, hiện nay có một thực trạng là giáo viên đang phải chịu quá nhiều áp lực, khi phải thử nghiệm nhiều phương pháp dạy khác nhau, nhưng cuối cùng, thì thi cử, tiêu chuẩn lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.
Buổi tọa đàm góp ý về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tổ chức ngày 12/5 (ảnh: P.L) |
Khi nào còn thi cử, cách đánh giá giống như hiện nay đang áp lực, thì học sinh và giáo viên sẽ còn phải gặp nhiều áp lực.
“Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần có những nội dung giải tỏa được áp lực thi cử” – cô Nga đề nghị.
Một giáo viên khác là cô Trần Thị Thúy Hằng, đến từ Trường trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh thì lại có đề xuất: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần chú ý đến tư duy và đào tạo cho người giáo viên.
Cô Thúy Hằng phân tích, hiện nay, giáo viên đang phải chịu sự áp đặt quá nhiều vào điểm số, nên buộc lòng họ phải tự đặt ra cho mình một phương án: Nên dạy học cho học sinh thích, đam mê hay là dạy để cho học sinh lấy điểm cao?
Cũng theo cô Thúy Hằng, trong công tác giáo dục, tư duy của người giáo viên rất quan trọng, vì giáo viên mà không chịu đổi mới phương pháp giảng dạy, không dạy theo hướng mở, thì tất nhiên học sinh cũng không dám phản biện.
Cho nên cả người học và người dạy lúc nào cũng bị đóng trong những khuôn mẫu nhất định.
“Có thể học sinh phản biện lúc này chưa đúng, giáo viên vẫn phải chấp nhận và chỉnh sửa cho các em, nhưng đừng bao giờ dập tắt các ý tưởng sáng tạo của các em” – cô Trần Thị Thúy Hằng nói tiếp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản biện trong học sinh, cô Thúy Hằng nhấn mạnh, giáo dục tư duy phản biện là một việc rất cần thiết trong giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ khó thành công như mong đợi, nếu không chú ý vào việc tư duy phản biện của học sinh.