Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2024 - 2025 như sau:
Đối tượng và điều kiện dự thi
Học sinh, học viên (gọi chung là học sinh) lớp 8, lớp 9 trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên năm học 2024 - 2025.
Đơn vị dự thi đăng ký dự thi là đơn vị có hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học và có tổ chức vòng thi khoa học kỹ thuật tại cơ sở.
Nội dung thi
Kế hoạch nghiên cứu chi tiết, giải pháp đề xuất của các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật thuộc các lĩnh vực quy định trong quy chế của cuộc thi, được thực hiện trong thời gian 01 năm (tính đến ngày 10/12/2023).
Dự án có thể của 01 học sinh (gọi là dự án cá nhân) hoặc của nhóm 02 học sinh trong cùng một đơn vị dự thi (gọi là dự án tập thể). Dự án tập thể phải có sự phân biệt mức độ đóng góp khác nhau vào kết quả nghiên cứu của người thứ nhất (nhóm trưởng) với người thứ hai. Mỗi học sinh chỉ được tham gia 01 dự án dự thi.
Báo cáo kết quả thực hiện dự án dự thi bao gồm các nội dung cơ bản sau: câu hỏi nghiên cứu (đối với dự án khoa học) hoặc vấn đề nghiên cứu (đối với dự án kĩ thuật); thiết kế và phương pháp nghiên cứu; thực hiện thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu (đối với dự án khoa học) hoặc chế tạo và kiểm tra (đối với dự án kĩ thuật).
Các dự án có thể là kế hoạch, giải pháp, mô hình, sản phẩm cụ thể có thể được làm dưới dạng các video clip có thời gian dưới 03 phút.
Thí sinh dự thi và người hướng dẫn nghiên cứu
Thí sinh dự thi phải có đủ các điều kiện sau: Là học sinh lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11, lớp 12. Tự nguyện tham gia và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.
Có kết quả học tập, rèn luyện học kì I (nếu Cuộc thi tổ chức trong học kỳ II) hoặc năm học liền kề trước năm học tổ chức Cuộc thi (nếu Cuộc thi được tổ chức trong học kì I) đạt từ mức khá trở lên. Mỗi thí sinh chỉ được tham gia 01 (một) dự án dự thi trong 01 (một) lần tổ chức Cuộc thi.
Người hướng dẫn nghiên cứu: Mỗi dự án dự thi có 01 người hướng dẫn nghiên cứu là giáo viên, nhân viên có chuyên môn phù hợp với dự án dự thi đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học.
Mỗi người hướng dẫn nghiên cứu chỉ được hướng dẫn 01 (một) dự án dự thi trong 01 (một) lần tổ chức cuộc thi.
Người hướng dẫn nghiên cứu chịu trách nhiệm về mặt pháp lý của dự án dự thi và phải kí phê duyệt Kế hoạch nghiên cứu trước khi học sinh tiến hành nghiên cứu.
Bạn đọc có thể xem toàn văn nội dung Công văn 2855/SGDĐT-GDTrH về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2024 - 2025 TẠI ĐÂY.
Giáo viên và học sinh cần lưu ý gì về cuộc thi khoa học kĩ thuật?
Người viết là giáo viên trung học phổ thông đã có nhiều năm hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật đoạt giải có đôi điều xin chia sẻ cùng thầy cô giáo hướng dẫn và các em học sinh thực hiện dự án một số điều sau đây.
Thứ nhất, muốn sinh thực hiện dự án có hiệu quả thì giáo viên cần hướng dẫn học sinh tìm ý tưởng, tìm đề tài. Đề tài phải sáng tạo, không lặp lại; mang tính thực tiễn; mang tính khả thi, có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Cùng với đó, giáo viên hướng dẫn học sinh trải nghiệm, thực nghiệm. Cần xây dựng kế hoạch làm việc, viết nhật trình công việc, phân loại và thống kê số liệu.
Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn học sinh trình bày báo cáo. Chú ý thể thức văn bản khoa học, trình bày đề cương, kế hoạch nghiên cứu, báo cáo tóm tắt. Sử dụng các phương pháp để trình bày báo cáo.
Ngoài ra, giáo viên hướng dẫn học sinh trình bày poster và thuyết trình. Trong đó, chuẩn bị các nguồn minh chứng trong quá trình làm đề tài. Nguồn minh chứng cần phong phú, bao gồm nhiều yếu tố khác nhau: tranh ảnh, sổ lưu nhật kí, phiếu điều tra, bài phỏng vấn…
Thứ hai, trước khi thầy và trò tiến hành thực hiện dự án thì người hướng dẫn (giáo viên) phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu báo cáo với tổ chuyên môn để tổ chuyên môn báo cáo, đề nghị hiệu trưởng (giám đốc) cơ sở giáo dục xem xét, phê duyệt.
Sau khi hiệu trưởng (giám đốc) phê duyệt kế hoạch nghiên cứu và người hướng dẫn nghiên cứu theo đề nghị của tổ chuyên môn thì dự án mới được tiến hành.
Cùng với đó, tổ trưởng chuyên môn có nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ quá trình nghiên cứu của học sinh theo kế hoạch nghiên cứu đã được phê duyệt. Như vậy, tổ chuyên môn mà đứng đầu là tổ trưởng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu dự án vi phạm quy chế.
Thứ ba, giáo viên hướng dẫn và học sinh thực hiện dự án cần nắm rõ nội dung Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Cụ thể, so với Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT, Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT đã sửa đổi điều kiện về việc tham gia dự án. Theo đó, mỗi thí sinh chỉ được tham gia 01 dự án dự thi trong 01 lần tổ chức Cuộc thi thay vì chỉ được tham gia vào 01 dự án dự thi như quy định cũ.
Cùng với đó, mỗi người hướng dẫn nghiên cứu chỉ được hướng dẫn 01 (một) dự án dự thi trong 01 (một) lần tổ chức Cuộc thi.
Đáng chú ý, dự án tham gia dự thi phải bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo. Không sử dụng hoặc trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là kết quả nghiên cứu của mình.
Thứ tư, mỗi dự án dự thi có ít nhất 01 (một) người hướng dẫn nghiên cứu là giáo viên, nhân viên có chuyên môn phù hợp với dự án dự thi đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học.
Như vậy, người hướng dẫn nghiên cứu ngoài giáo viên, nhân viên thì học sinh được quyền nhờ cha mẹ, nhà khoa học,... cùng hướng dẫn. Tuy vậy, người hướng dẫn cần lượng hoá công sức của học sinh thực hiện dự án, tránh việc làm thay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.