Giáo viên KHTN nói gì nếu phải kiêm nhiệm công việc khác vì ít HS chọn học?

05/07/2022 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc điều chuyển giáo viên khoa học tự nhiên sang dạy thêm các môn học khác cần ưu tiên đảm bảo chất lượng đào tạo lên hàng đầu.

Vừa qua, tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nhiều lãnh đạo Sở bày tỏ lo ngại việc quá nhiều học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội để học thi và xét tuyển dẫn đến tình trạng giáo viên khối ngành khoa học tự nhiên bị dôi dư. Do đó, các Sở kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chiến lược, kế hoạch chung để điều chỉnh sự bất cập trên.

Trước thực tế này, một số hiệu trưởng trường trung học phổ thông nêu kiến nghị, nếu trường hợp học sinh lựa chọn tổ hợp môn khoa học xã hội nhiều hơn tổ hợp môn khoa học tự nhiên dẫn đến tình trạng giáo viên môn tự nhiên bị dôi dư ra thì lúc đó những giáo này nhà trường có thể phân công sang dạy thêm các môn khác như Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Hoặc kiêm nhiệm các công việc khác để được quy đổi ra giờ như giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng, tổ phó, phụ trách công đoàn, đoàn thành niên

Trước kiến nghị này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Thị Tuyết Khuyên, giáo viên Vật lý, Trường Trung học phổ thông Đống Đa (Hà Nội) cho biết, nếu khi tình trạng đó xảy ra giáo viên vẫn sẽ sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ do nhà trường phân công trong “hoàn cảnh” thừa giáo viên tự nhiên để không làm gián đoạn quá trình học tập của học sinh.

“Điều đáng lo ngại đối với mỗi giáo viên nói chung và giáo viên khoa học tự nhiên chúng tôi nói riêng đó là nếu được phân dạy thêm các môn học khác mà bản thân không có đủ chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ ít nhiều gặp khó khăn trong quá trình giảng bài, hiệu quả học tập sẽ không cao. Việc điều chuyển, phân công giáo viên cần phải ưu tiên đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Bằng cách nào đó, nhà trường tạo điều kiện, thời gian để giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị kỹ năng đối với công việc mới”, cô Khuyên chia sẻ.

Cũng liên quan đến nội dung này, cô Võ Thị Hà, giáo viên dạy Vật lý, Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho rằng: “Nếu nhà trường có kế hoạch giao nhiệm vụ cho giáo viên tự nhiên kiêm dạy thêm bộ môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh thì cũng không gây khó khăn nhiều đối với bản thân tôi, cũng như các thầy, cô đã và đang hoạt động tích cực trong công tác Đoàn, Hội ở trường. Bởi với tính năng động sáng tạo có sẵn nên giáo viên có thể dễ dàng thích ứng nhanh ở nhiệm vụ mới.

Thế nhưng, đây sẽ là “thử thách” không nhỏ đối với những thầy, cô giáo chưa từng tham gia các hoạt động tương tự trước đó…”, cô Hà nhấn mạnh.

Điều chuyển giáo viên phải ưu tiên chất lượng đào tạo. (Ảnh: Ánh Dương).

Điều chuyển giáo viên phải ưu tiên chất lượng đào tạo. (Ảnh: Ánh Dương).

Đưa ra quan điểm về đề xuất luân chuyển giáo viên khoa học tự nhiên sang đảm nhiệm thêm môn học khác, cô Trần Thị Ngà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên B (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, ở cấp trung học phổ thông, do cơ cấu giáo viên phải bố trí theo từng môn học nên dễ dàng dẫn đến tình trạng thừa giáo viên, nhất là khi tỷ lệ số lượng học sinh lựa chọn các tổ hợp môn chênh lệch quá nhiều.

“Việc phân công giáo viên tự nhiên bị dôi dư ra kiêm nhiệm thêm các môn học khác là giải pháp. Song, giáo viên đó phải có đủ năng lực chuyên môn để dạy môn học đó. Ví như, trường hợp phân công giáo viên tự nhiên dạy toàn bộ nội dung giáo dục địa phương trong khi không có đủ kiến thức, nghiệp vụ thì hiệu quả môn học chắc chắn sẽ không đạt.

Giáo viên vừa phải đảm bảo chất lượng bài học thuộc đúng chuyên môn của mình, vừa phải tìm tòi, trau dồi để hoàn thành công việc “mới tinh”, chưa từng làm. Điều này sẽ ít nhiều tạo áp lực cho đội ngũ giáo viên”, cô Trần Thị Ngà nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ: “Có thể thấy, “lời giải” trước mắt cho các trường trong tình trạng thừa giáo viên tự nhiên đó là điều chuyển giáo viên bộ môn này sang làm thêm nhiệm vụ khác. Những rõ ràng, khi điều chuyển phải căn cứ vào tiêu chí cụ thể, trước hết là những giáo viên này được tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ giảng dạy môn học đó.

Đảm nhận vị trí mới, chắc chắn các thầy, cô giáo sẽ gặp không ít những khó khăn. Nhà trường sẽ đồng hành cùng giáo viên và học sinh với mục tiêu không để quá trình học tập gián đoạn, đảm bảo yêu cầu, chất lượng giáo dục. Để thực hiện được điều này thì hơn hết, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng giáo viên này phải được quan, đầu tư nhiều hơn”.

Ngọc Mai