Giáo viên mang bài vào bản vì không thể học trực tuyến

15/08/2021 06:59
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh sự chuẩn bị về chuyên môn, các trường phải phòng chống dịch thật tốt, đảm bảo an toàn nếu học sinh trở lại vào tháng 9.

Đảm bảo an toàn khi học sinh quay lại trường

Năm học mới sắp tới, việc lên kế hoạch giảng dạy đang được các trường gấp rút triển khai. Do dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nên các địa phương đã dự trù các phương án dạy và học trực tuyến vốn đã triển khai từ năm 2020.

Tuy nhiên, đối với nhiều trường học ở vùng cao vốn đã khó khăn, vào thời điểm dịch bệnh lại càng gặp nhiều trở ngại.

Nhiều trường đã sẵn sàng cho việc triển khai kế hoạch học tập trong năm học 2021-2022 tại miền núi. (Ảnh Cao Kim Anh)

Nhiều trường đã sẵn sàng cho việc triển khai kế hoạch học tập trong năm học 2021-2022 tại miền núi. (Ảnh Cao Kim Anh)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Vũ Hồng Trường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ Sở Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết, hiện nay nhà trường đã sẵn sàng triển khai kế hoạch học tập trong năm học 2021-2022 tại cả hai cấp học là tiểu học và trung học cơ sở. Năm học tới, sẽ thực hiện chương trình mới với lớp 2 và lớp 6. Chính vì vậy, hai nhóm lớp này được nhà trường chú trọng tập huấn và chuẩn bị kĩ càng hơn.

“Trong dịp hè, chúng tôi đã có 12 buổi tập huấn trực tuyến dành cho các giáo viên khối lớp 2, và 5 buổi tập huấn cho các giáo viên khối lớp 6. Hiện nay lớp 2 đã được tập huấn nhuần nhuyễn, còn lớp 6 vẫn đang được tiến hành tập huấn để các giáo viên có chuyên môn vững chắc khi bước vào năm học mới.

Ngoài ra, nhà trường còn tập trung các giáo viên cốt cán trong trường cùng trao đổi về chuyên môn, đưa ra những ý kiến hoàn thiện nhất, phương án tối ưu nhất trong giảng dạy chương trình mới”, thầy Trường thông tin.

Tuy nhiên, theo thầy giáo Vũ Hồng Trường, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không có những buổi tập huấn cụ thể hóa được đánh giá của học sinh với chương trình mới. Đối với chương trình lớp 6 mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ mới ra được khung chương trình còn việc xây dựng và triển khai do các trường tự chủ động lên kế hoạch. Chính vì vậy không chỉ khó khăn về mặt chuyên môn mà thời gian cũng phải thực hiện gấp rút.

Thầy Vũ Hồng Trường chia sẻ, bên cạnh sự chuẩn bị về chuyên môn, một trong những vấn đề được chú trọng nhất đó chính là phải đảm bảo trường học an toàn nếu tổ chức cho học sinh quay lại.

“Năm nay, tỉnh chỉ đạo và Phòng giáo dục huyện Vân Hồ cũng rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch. Phòng giáo dục đã phân bổ kinh phí để trang bị nước sát khuẩn, phun khử khuẩn trường học. Về phía nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn sàng khẩu trang cho tất cả các học sinh khi đến trường.

Do thời gian nghỉ dịch kéo dài, vì vậy nhà trường cùng với một số nhóm hội phụ huynh đã tổ chức vệ sinh trường học, lớp học, phun khử khuẩn để chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo an toàn nhất cho học sinh”, thầy Trường cho biết.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Thiện Kế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tân Lĩnh (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho hay: “Kế hoạch năm học 2021-2022 của nhà trường thực hiện theo kế hoạch chung của toàn ngành giáo dục, đồng thời đã chủ động chuẩn bị phương án dạy học trong trạng thái bình thường và khi có dịch bệnh xảy ra để đảm bảo an toàn và hoàn thành chương trình.

Năm nay có chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Đối với khối tiểu học, nhà trường cử 50% giáo viên từng thực hiện thay sách giáo khoa lớp 1 lên dạy thay sách giáo khoa lớp 2 để đảm bảo chuyển giao.

Đối với lớp 6, khối trung học cơ sở, nhà trường cũng đã chuẩn bị nhiều giải pháp theo mô hình trường học mới để kịp tiếp cận sau tập huấn”.

Thầy Nguyễn Thiện Kế khẳng định, nhà trường sẽ triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa mới như: nâng cao tinh thần tự học, học theo nhóm, kiến thức đời sống kĩ năng mềm, giáo viên chủ động, linh hoạt…

Khắc phục khó khăn mang kiến thức đến từng bản làng

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa bàn ở Sơn La, tỉnh đã có chỉ đạo các trường học thực hiện phương án dạy học trực tuyến để đảm bảo đúng chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh phương án học trực tuyến trở thành thách thức đối với giáo dục vùng cao. (Ảnh Cao Kim Anh)

Trong hoàn cảnh dịch bệnh phương án học trực tuyến trở thành thách thức đối với giáo dục vùng cao. (Ảnh Cao Kim Anh)

Các tỉnh vùng cao có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, học sinh đến trường vốn đã nhiều trở ngại, nay có dịch bệnh lại thêm nhiều thách thức.

Theo thầy Vũ Hồng Trường, việc học trực tuyến chỉ có thể đem lại kết quả 50% so với học trực tiếp. Kết quả đó là cả sự cố gắng của thầy và trò tại nhà trường, đặc biệt là các thầy cô giáo.

“Khác với các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khác, tại địa phương chúng tôi việc triển khai học trực tuyến gặp khá nhiều khó khăn.

Mặc dù đã vận dụng các phương tiện, giao diện mạng để chuyển tài liệu học cho học sinh nhưng hiệu quả thấp vì chỉ có 60% học sinh có trang thiết bị để học tập”, thầy Trường nói.

Phần lớn học sinh miền núi được chăm sóc, ở với ông bà, bố mẹ thường đi làm xa, thậm chí nhiều gia đình vì dịch bệnh cách li cũng không thể về nhà được. Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị cho con học trực tuyến, buộc nhà trường phải có thêm phương án đưa giáo viên tới tận các thôn bản.

Thầy Trường kể: “Đợt giãn cách vừa qua, chúng tôi ngoài việc triển khai học qua các ứng dụng còn giao bài qua các trưởng bản, tức là giáo viên trực tiếp xuống bản để mang bài tới cho các em học sinh. Những gia đình ở gần thì giáo viên trực tiếp đưa đến tay học sinh nhưng đối với các vùng xa quá thì sẽ đưa bài thông qua trưởng bản.

Sau 3 đến 5 ngày giáo viên lại vào bản thu bài cũ về chữa, phát bài mới. Như vậy mới đảm bảo được chất lượng tương đối trong công tác dạy và học”.

Thầy Trường cho biết, trước đó nhà trường cũng thực hiện qua các phương tiện, thậm chí một bài tập giáo viên phải gửi qua rất nhiều ứng dụng để phụ huynh tiện ứng dụng nào thì đưa bài cho học sinh. Thế nhưng hầu hết chỉ có phụ huynh lớp 1, là học sinh đầu cấp quan tâm, số phụ huynh còn lại sự tương tác cũng rất hạn chế.

“Việc dạy và học ở miền núi như Chiềng Khoa hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, thiết bị giáo dục, cơ sở vật chất. Nhận thức về giáo dục ở nhân dân dù đã có những thay đổi nhưng vẫn còn hạn chế nhất định. Rất may mắn bởi miền núi phần lớn các thầy cô bám bản dạy học đều bằng tình yêu giáo dục, tình thương con người, bằng tâm của những người vượt qua khó khăn mang con chữ vào bản làng. Đó là tất cả những động lực để giáo dục miền núi cố gắng đổi thay hàng ngày trong mọi hoàn cảnh”, thầy Trường tâm sự.

Là trường học có số lượng học sinh dân tộc miền núi chiếm chủ yếu như dân tộc Tày, Nùng, Dao…, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tân Lĩnh (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cũng đã lên phương án khắc phục hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực đạt kết quả cao nhất trong công tác dạy và học.

Theo thầy Nguyễn Thiện Kế, học trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời trong điều kiện phòng chống dịch, bởi với điều kiện kinh tế tại địa phương chỉ đáp ứng được tương đối và kết quả đạt được chỉ khoảng 30% so với học trực tiếp.

“Nhân dân địa phương rất khó khăn, nhất là những điều kiện cơ bản để có một buổi học trực tuyến hoàn chỉnh như đường truyền, phương tiện, nhu cầu học của nhân dân ở đây cũng rất hạn chế. Đầu mỗi năm học, các thầy cô giáo cùng nhà trường phải vận động học sinh đi học, chính vì vậy học trực tuyến tại địa phương được xem là một thách thức lớn”, thầy Kế tâm sự.

Nhà trường lập ra các tổ công tác tại các điểm trường với nhiệm vụ là đầu mối chuyển bài đến thôn, bản để nếu như các gia đình không có điều kiện để học trực tuyến thì học sinh vẫn không bị hổng kiến thức.

Chính vì lên các phương án cụ thể trong mọi điều kiện hoàn cảnh, kể cả khi có dịch bệnh xảy ra nên nhà trường luôn cố gắng khắc phục khó khăn để công tác dạy và học có kết quả tốt nhất, từng bước thay đổi diện mạo giáo dục vùng cao.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Cao Kim Anh