Giáo viên mòn mỏi chờ điều chỉnh chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của Bộ

12/08/2021 07:13
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hy vọng trong 87 chứng chỉ danh nghề nghiệp của viên chức đang được Bộ Nội vụ rà soát thì chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ được bỏ.

Ngay từ thời điểm ra đời của các Thông tư 01/02/03/04/ 2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập ở cả 4 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) thì giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập đã ồ ạt đăng ký đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng đang đảm nhận.

Thiếu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng không dạy yếu đi (Ảnh minh họa: A.N)

Thiếu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng không dạy yếu đi (Ảnh minh họa: A.N)

Dù chỉ học ít ngày và phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để lấy về một chứng chỉ kẹp hồ sơ cho đủ quy định thì nhiều thầy cô giáo cũng bấm bụng theo học.

Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài viết của các nhà giáo phản ánh những bức xúc cũng như gửi gắm những tâm tư nguyện vọng đến cấp có thẩm quyền với mong muốn được xóa bỏ những “giấy phép con” đang hành giáo viên cơ sở.

Những bài viết ấy được chia sẻ trên khắp các diễn đàn giáo dục với hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận và trở thành diễn đàn nóng.

Ngày 10/6 Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 3845/VPCP-TCCV về việc các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Công văn nêu rõ: Yêu cầu các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành:

- Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý cho phù hợp, bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học;

Quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ đã đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. [1]

Những loại chứng chỉ nào liên quan đến đội ngũ nhà giáo được rà soát theo hướng cắt giảm?

Ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã nhấn mạnh không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.

Điều nhiều nhà giáo thắc mắc nhất lúc này là trong 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức sẽ bỏ chứng chỉ nào và giữ lại chứng chỉ nào trong khi nhiều thầy cô giáo đã có chứng chỉ và số khác thì chuẩn bị đi học lấy chứng chỉ.

Đề xuất bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng

Chùm Thông tư 01;02;03;04/2021 quy định mỗi hạng, giáo viên phải có một chứng chỉ chức danh ứng với hạng ấy như giáo viên hạng III gần như phải có chứng chỉ hạng III; giáo viên hạng II cần có chứng chỉ chức danh hạng II và giáo viên hạng I có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I.

Cũng do những quy định về hạng giáo viên chưa rõ ràng, không ít thầy cô giáo đã học sai hạng nên dù có trong tay tới 2 chứng chỉ nhưng theo quy định vẫn còn thiếu chứng chỉ.

Trong thực tế, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là quy định vô lý nhất đối với các nhà giáo hiện nay. Có người đã đi dạy hàng chục năm, người gần về hưu đã có kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm (đã trở thành kỹ xảo), đã có biết bao thành tích giáo dục, đào tạo ra biết bao thế hệ học sinh mà trong số đó nhiều em đạt thành tích đặc biệt xuất sắc thì nay vẫn phải cần một cái chứng chỉ.

Những câu hỏi: Giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì chất lượng giáo dục có được nâng lên? Và thiếu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên có dạy yếu đi không?

Câu trả lời sẽ là, chứng chỉ chức dnah nghề nghiệp đối với những nhà giáo chúng tôi lúc này chỉ có tác dụng kẹp hồ sơ cho đủ quy định chứ hoàn toàn không thể giúp các thầy cô nâng cao chất lượng dạy học.

Bởi thế, nếu không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc dạy học của chúng tôi.

Việc quy định giáo viên phải có chứng chỉ nghề nghiệp hiện nay chỉ làm cái “hầu bao” của nhà giáo bị ảnh hưởng, dẫn đến chất lượng cuộc sống bị giảm sút chứ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục.

Vậy tại sao ta không thể bỏ hẳn quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên hiện nay? Hoặc là, những nội dung cần dạy cho giáo viên nên được đưa vào giảng dạy ở các trường sư phạm.

Vì thế, các nhà giáo chúng tôi vẫn đang hy vọng trong 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp của viên chức đang được Bộ Nội vụ rà soát thì chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ được xóa bỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-thong-nhat-viec-giam-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-voi-giao-vien-915864.ldo

[2]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Bo-may-hanh-chinh/Cong-van-3845-VPCP-TCCV-2021-cac-loai-chung-chi-boi-duong-doi-voi-cong-chuc-vien-chuc-477183.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên