Giáo viên mong bữa cơm có thịt, thêm tấm áo để mùa đông của trẻ bớt giá lạnh

30/12/2022 06:44
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các em học sinh Trường Mầm non Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An còn nhiều thiếu thốn vất vả.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã luôn được quan tâm nên chất lượng cuộc sống cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, đối với một số gia đình thì cái nghèo, cái khổ vẫn luôn đeo đẳng.

Học sinh Trường Mầm non Tam Hợp (Ảnh gia đình cung cấp)

Học sinh Trường Mầm non Tam Hợp (Ảnh gia đình cung cấp)

Nhiều đứa trẻ vẫn bữa cơm vắng bóng thịt, cá, thiếu những bộ quần áo tinh tươm hay mong ước một đôi dép, đôi giày cho những ngày đông lạnh giá.

Thấu hiểu những cơ cực, những thiệt thòi của một số trẻ vùng cao, các giáo viên Trường Mầm non Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực, hết lòng chăm lo cho các em bằng tình yêu thương của người mẹ.

Vượt đường xa từ sáng sớm vì sợ trẻ bị đứng ngoài cổng trường

Cô giáo Đặng Thị Anh, giáo viên của trường Mầm non Tam Hợp cho biết, ngôi trường này thuộc một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Học sinh của trường chủ yếu thuộc các dân tộc H’Mông, Khơ Mú, Tây Pọong.

Cô Đặng Thị Anh, giáo viên Trường mầm non Tam Hợp (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cô Đặng Thị Anh, giáo viên Trường mầm non Tam Hợp (Ảnh nhà trường cung cấp)

Đường xá đi lại vô cùng khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa, nước lũ dâng cao, đường đá trơn trượt nên cô và đồng nghiệp phải ở lại trường hàng tháng trời mới về nhà. Những lúc ấy, phải nhờ ông bà hoặc người thân qua nhà chăm sóc con cái.

Nhà cách trường vài chục cây số. Mỗi ngày, giáo viên luôn phải dậy từ 4 giờ sáng để lo cho gia đình rồi tất tả vượt quảng đường xa xôi đến trường.

Cô giáo Đặng Thị Anh cho biết, sáng nào các cô cũng phải đi thật sớm để đón trẻ vì sợ có gia đình đi làm sớm chở con thả ngoài cổng trường, các bé phải đợi giáo viên thì tội.

Buổi chiều, nhà trường trả trẻ lúc 5 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, một số gia đình hay có công việc bận hoặc đi làm xa nên thường đón con khá trễ. Nhiều hôm, quá giờ tan làm nhưng các cô vẫn chưa thể về nhà mà phải đợi phụ huynh đến đón con hoặc phải chở các con về tận nhà.

Giáo viên chung tay để bữa ăn của trẻ bớt đạm bạc

Cô Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Hợp cho biết, trường thuộc mô hình trường học “bán trú dân nuôi” nên trẻ em đi học luôn mang theo cặp lồng cơm mà gia đình chuẩn bị trước đến lớp để ăn vào buổi trưa. Cứ đến giờ trưa, học sinh sẽ được các cô tổ chức cho ngồi ăn chung.

Cô Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Hợp (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cô Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Hợp (Ảnh nhà trường cung cấp)

Nhìn những phần ăn của một số học sinh mà thấy thương vô cùng. Ngoài một số em gia đình có điều kiện nên phần ăn có phần tươm tất, còn lại nhiều học sinh khác bữa cơm trưa đến trường chỉ mang theo cơm trắng.

Những bữa cơm dân nuôi (Ảnh nhà trường cung cấp)

Những bữa cơm dân nuôi (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cô giáo Đặng Thị Anh tâm niệm, những đứa trẻ như con của mình nên nhìn các em ăn uống thiếu thốn các cô giáo nơi đây đã chung tay bớt chút tiền lương ít ỏi của mình để chăm lo cho bữa ăn của các con được ngon hơn.

Hôm thì các cô mua mì tôm cho các em làm canh, hôm lại mua thêm quả trứng, cân cá hay cân thịt. Những hôm có thêm đồ ăn, các con mừng vui lắm.

Có những đứa trẻ đến trường đầu tóc không được sạch sẽ, gọn gàng, có em lại không tắm rửa. Các cô phải mua thêm xà phòng để tắm gội cho các em mỗi ngày.

Nỗ lực kết nối lo cho học sinh mặc ấm trong những ngày đông lạnh giá

Cô giáo hiệu trưởng chia sẻ, mùa đông nơi rẻo cao lạnh giá vô cùng. Có ngày 4 giờ chiều đã không còn nhìn thấy mặt trời, giá lạnh như cắt da cắt thịt mà học sinh có em mặc áo rách, em không có cả quần để mặc, không có đôi dép để mang phải đi chân trần tới lớp…

Ảnh nhà trường cung cấp

Ảnh nhà trường cung cấp

Dù mới chuyển về làm quản lý tại trường trong năm học này, cô cũng thường xuyên đi về các bản để thăm gia đình một số học sinh. Những lần đi thực tế, càng hiểu thêm bao nỗi vất vả, nhọc nhằn và thiếu thốn của những gia đình vùng cao nghèo khó.

Cô Nga cho biết, nhà trường cũng thường nhận được viện trợ của một số đoàn từ thiện do cấp trên kết nối về. Cùng với đó, cô và đồng nghiệp cũng tích cực trong việc vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ thêm quần áo, giày dép hoặc chăn màn để phát cho các em. Tuy thế, nhu cầu cần quá nhiều nhưng nguồn xin cứ cạn dần nên học sinh vẫn luôn thiếu thốn.

Cô ơi! Sao năm nay chưa thấy các cô cho các cháu áo ấm?

Cô Trần Thị Nga, Hiệu trưởng bùi ngùi chia sẻ, mới có phụ huynh hỏi tôi rằng: “Cô ơi! Sao năm nay chưa thấy các cô cho các cháu áo ấm?”. Tôi cũng chỉ biết trả lời: “Những năm trước, cô kết nối được với những nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện nên có áo ấm cho các cháu.

Năm nay, các cô cũng đang kêu gọi trên các trang mạng để xin đồ phát cho các cháu nhưng vẫn chưa có nguồn”. Giọng cô chùng xuống, mùa đông nơi rẻo cao thì lạnh khủng khiếp lắm chị. Mặc nhiều quần áo ấm trong người còn lạnh huống gì những đứa trẻ thiếu thốn cứ ăn mặc phong phanh.

Có trẻ đến trường tay chân thì lạnh cóng, mặt mũi cứ tái đi vì rét. Nhìn các con, ai cũng thấy thương. Cô hiệu trưởng mong sẽ có nhiều tấm lòng thơm thảo chung tay hỗ trợ cho 195 cháu bé nơi đây có thêm quần áo, chăn ấm mùa đông này.

Phan Tuyết