Ngay sau khi bài viết Phụ huynh bối rối khi giáo viên của con mời… mua sữa, bảo hiểm, nhiều bậc cha mẹ đồng cảnh ngộ cũng đã chia sẻ nỗi niềm của mình.
Chị Nguyễn Phương Lan (Nam Từ Liêm – Hà Nội) chia sẻ, không chỉ ở Phú Thọ mà ở nhiều địa phương, một số giáo viên cũng đang kiêm nhiệm nhiều nghề ngoài công việc chính là dạy học.
Dạy trẻ cần rất nhiều thời gian và tâm huyết của giáo viên. Ảnh minh họa: Hoàng Mai. |
“Tôi có bạn bè làm giáo viên khá nhiều. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các môn chính như Toán, Văn, Tiếng Anh…mức thu nhập chính cùng với dạy thêm thực sự là đủ để sống rất khỏe. Thậm chí, còn cao hơn mặt bằng chung rất nhiều.
Nhưng giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn phụ, không làm chủ nhiệm thì thu nhập khá thấp. Đặc biệt là với những người mới vào nghề”, chị Lan đánh giá.
Tuy nhiên, cũng từng rơi vào cảnh ngộ được giáo viên của 2 con mời chào rất nhiều lần mua bảo hiểm, mỹ phẩm và vô số hàng hóa khác, chị Lan đã thực sự không thoải mái.
“Việc người bán hàng tiếp thị sản phẩm, mời chào khách hàng sẽ chẳng có gì đáng bàn. Nhưng người bán hàng lại là giáo viên của con chúng ta. Nói thực, dù muốn hay không cũng khó có thể khách quan được.
Quan trọng nhất là các thầy cô giáo nếu có làm thêm thì cũng đừng để ảnh hưởng đến việc dạy các bé. Con tôi học tiểu học có hôm về kể chuyện cô hay ngồi bấm điện thoại.
Giáo viên mà thường hay bán hàng trên mạng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy các bé. Khi đã lên lớp dạy phải chuyên tâm dạy dỗ, không để việc khác chi phối còn ngoài giờ đứng lớp, thầy cô làm thêm gì là quyền của họ”, chị Lan nêu quan điểm.
Có thực mới vực được đạo. Đúng là thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, đòi giáo viên toàn tâm toàn ý cho việc dạy dỗ kể cũng là phi thực tế.
Ở bài viết này, chúng tôi không dám khẳng định là giáo viên bán hàng online, tiếp thị bảo hiểm là tốt hay xấu. Bởi đó cũng là cách để mưu sinh của họ.
Tuy nhiên chúng tôi băn khoăn, khi thầy cô kiêm nhiệm nhiều vai từ giáo viên, nhân viên môi giới bảo hiểm, bán hàng online thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.
Đặc biệt là với tính chất các công việc như trên, liệu giáo viên cân đối ra sao. Bởi làm hai việc đồng nghĩa với thiếu thời gian nghỉ ngơi và cản trở công việc chính.
Một cô giáo dạy môn Địa lý bậc Trung học phổ thông thực lòng chia sẻ, điều cô tâm tư nhất là vì đồng lương thấp, nên bản thân cô cũng xoay sở ngược xuôi làm thêm nhiều việc để có thu nhập tốt.
Phụ huynh bối rối khi giáo viên của con mời… mua sữa, bảo hiểm |
Thành ra, đối với công việc dạy học, với học sinh, có nhiều dự định mà cô cũng không toàn tâm toàn ý được hết.
“Muốn kèm cặp em nào kém quá thì phải có thời gian riêng, rồi để có tiết học sinh động cũng cần đầu tư thời gian.
Vì thế, nếu lương cao hơn một chút thì chắc chắn giáo viên sẽ làm được nhiều thứ cho học trò, cho công việc”, cô giáo này tâm sự.
Đặc biệt là công việc làm thêm không liên quan đến chuyên môn của giáo viên thì ít nhiều đều ảnh hưởng đến công việc, thầy cô không dồn được hết tâm sức cho dạy học.
Nhất là nghề giáo không còn nhàn hạ như trước đây, để có thể là một người thầy giỏi, họ sẽ phải đầu tư, dốc sức rất nhiều.
Rất mong, sắp tới, chính sách tiền lương được điều chỉnh với những nhấn mạnh “quốc sách là hàng đầu”, lương giáo viên sẽ được quan tâm cải thiện.