Một số giáo viên tỉnh Đắc Nông bức xúc kể rằng, họ buộc phải đăng kí đi học lấy bằng ngoại ngữ và tin học để đạt chuẩn nghề nghiệp.
Nhiều giáo viên tỉnh Bình Thuận cũng bắt đầu “vắt chân lên cổ’ lao vào cuộc đua kiếm bằng ngoại ngữ và tin học cũng để đạt chuẩn nghề nghiệp.
Gian nan chuẩn nghề nghiệp của giáo viên vì các chứng chỉ (Ảnh minh họa: baonghean.vn). |
Vậy chuẩn nghề nghiệp là gì mà buộc tất cả các giáo viên phải đạt được?
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra thông tư ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông mới với 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2018.
Trong đó:
Tiêu chuẩn 5 - Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục
Tiêu chí 14: Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc
a) Mức đạt: Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
b) Mức khá: Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc chủ đề đơn giản, quen thuộc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc biết ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
c) Mức tốt: Có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.
Tiêu chí 15: Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục
Thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ có chống trượt dành cho giáo viên |
Theo Thông tư này, giáo viên không có bằng ngoại ngữ và tin học xem như chưa đạt chuẩn nghề nghiệp.
Nếu chưa đạt chuẩn nghề nghiệp thì sao?
Giáo viên chưa đạt chuẩn nghề nghiệp hiện vẫn chưa ảnh hưởng gì đến công việc. Vì những thầy cô giáo này vẫn được bố trí dạy, xếp loại thi đua đầy đủ như những giáo viên đủ chuẩn khác.
Thế nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến việc công nhận chuẩn quốc gia của nhà trường.
Theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên
a) Số lượng, cơ cấu giáo viên đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục;
b) 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định
c) Có ít nhất 95% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên.
Nếu trong trường, không có được ít nhất 95% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên thì ngôi trường ấy không thể đạt chuẩn quốc gia.
Và như thế, những giáo viên không đạt chuẩn nghề nghiệp có được yên ổn không?
Đương nhiên là không! Họ sẽ được hiệu trưởng mời lên làm việc, trước là động viên sau là bắt buộc phải đăng kí đi học để có chứng chỉ.
Nếu vì quyền lợi cá nhân, sẽ có những giáo viên không màng tới. Nhưng đã dính líu tới lợi ích tập thể thì không ai có thể chống đối được.
Vậy chỉ còn một cách bỏ tiền mua chứng chỉ. Nói là đăng kí đi học cho oai, chứ có học, có ôn buổi nào đâu?
Người ghi danh nhận tiền phán câu chắc nịch “Mấy thầy cô yên tâm đi, ai thi cũng đậu hết mà”.
Thế là ngoại ngữ 800 ngàn đồng/chứng chỉ và tin học là 1.500.000 ngàn đồng.
Nhiều thầy cô không có tiền cũng phải bấm bụng đi vay và hàng tháng nhịn ăn nhịn mặc để chắt bóp trả nợ.
Nộp tiền, làm hồ sơ xong và vào thi (chủ yếu quay tài liệu mà trung tâm phát), khoảng một tuần là có hai tờ chứng chỉ hẳn hoi.
Tin học thì giáo viên nào chẳng biết dù chẳng cần thi để lấy cái chứng chỉ ấy. Thế nhưng ngoại ngữ nhiều thầy cô một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng vẫn bằng B hẳn hoi.
Nếu đúng như yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp, mức thấp nhất giáo viên cần đạt “Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ…” thì dù có bằng chứng nhận cũng phải đến 90% giáo viên vẫn chưa thể đạt chuẩn.
Ai cũng biết, cũng hiểu nhưng chẳng ai làm khó để tổ chức sát hạch lại bằng hình thức giao tiếp.
Bởi, nếu làm tường minh chỉ đếm trên đầu ngón tay những giáo viên có thể nói vài ba câu ngoại ngữ và sẽ chẳng bao giờ có trường chuẩn quốc gia như quy định mới