Tính theo dự thảo Thông tư Bộ vừa công bố, đa số thu nhập giáo viên sẽ giảm

29/06/2020 06:06
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đọc các dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên, thầy cô có lý do để lo lắng về thu nhập của mình.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 4 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập thì đội ngũ nhà giáo trên cả nước quan tâm đến vấn đề lương của mình tới đây sẽ được trả như thế nào.

Hệ số lương cao nhất mà dự thảo này đưa ra lên đến 6,78 đối với giáo viên hạng I của 4 cấp học, nhưng thực tế giáo viên sẽ rất khó để xếp ở hạng II, hạng I nên chủ yếu vẫn áp dụng như hệ số lương như hiện hành.

Trong khi theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực vào ngày 1/7/2020 thì phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ bị cắt.

Tuy nhiên, do chưa tăng lương cơ sở từ 1.490.000 lên 1.600.000 đồng nên có thể trước mắt khoản phụ cấp này vẫn được giữ cho đến khi tăng lương cơ sở hoặc trả lương theo vị trí việc làm.

Giáo viên các nhà trường tại Hải Dương nghiên cứu kỹ các bộ sách để lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả ảnh: Lã Tiến)

Giáo viên các nhà trường tại Hải Dương nghiên cứu kỹ các bộ sách để lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả ảnh: Lã Tiến)

Song đọc dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên, là người trực tiếp đứng lớp, chúng tôi tin mình và các đồng nghiệp có lý do để lo lắng về thu nhập của mình trong thời gian tới đây.

Hệ số lương hạng II, hạng I tuy cao đấy, nhưng có lẽ ít thầy cô với tới

Hiện nay, chỉ trừ giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV - (Mã số do Bộ Nội vụ cấp), còn lại đa phần đã được chuyển sang hạng III.

Nhưng, giáo viên từ hạng III mà muốn được thăng lên hạng II thì lại rất khó vì nó có vô vàn những tiêu chuẩn, điều kiện khác nhau trong các dự thảo Thông tư mà Bộ vừa mới công bố ngày 16/6 vừa qua.

Hơn nữa, trong 4 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập vừa được Bộ công bố để lấy ý kiến đều hướng dẫn xếp lương chỉ thay đổi ở giáo viên hạng II và hạng I mà thôi.

Hạng IV và hạng III vẫn được tính hệ số theo quy định hiện hành, lâu nay giáo viên các cấp học đang hưởng.

Trong khi, giáo viên các cấp học muốn được thăng lên hạng II, hạng I còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt là "vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu địa phương"...

Tức là ngoài hàng loạt tiêu chí rất khó để đạt được như tác giả Nguyễn Cao đã phân tích trong bài viết "Dự thảo hệ số lương giáo viên trong mơ và thực tế không như mơ", khi đạt được các tiêu chí này rồi mà địa phương không / chưa có nhu cầu, vị trí việc làm...thì cũng không có cơ hội thăng hạng lên hạng II, hạng I.

Điều này đang được quy định khá cụ thể tại các Thông tư 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ cũng đã hướng dẫn quy định rất cụ thể.

Đó là khi các đơn vị cử giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế tại địa phương.

Điều này cũng được thể hiện rõ tại khoản 2, Điều 7, Luật Viên chức (luật số 58/2010/QH12) như sau:

Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập”.

Chính vì thế, cho dù giáo viên đủ chuẩn thăng hạng II, hạng I mà địa phương không có nhu cầu hay chưa có nhu cầu, cơ cấu, vị trí việc làm, thì cũng như không.

Do đó, nếu như bị cắt phụ cấp thâm niên là hầu hết giáo viên sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là giáo viên có thâm niên công tác cao, sẽ rất thiệt thòi cho các thầy cô.

Cơ hội thăng hạng chưa thấy đâu, nguy cơ cắt thâm niên nhãn tiền

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi lo lắng khi đọc dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố.

Bởi ai cũng lo với những nhiệm vụ, tiêu chuẩn mà Bộ đưa ra như vậy thì đa số giáo viên trực tiếp đứng lớp làm gì có cơ hội để thăng lên hạng II, hạng I.

Dù giáo viên từ tiểu học cho đến cấp trung học phổ thông đạt chuẩn trình độ (đại học) theo Luật Giáo dục năm 2019 thì họ cũng chỉ xếp ở mức ở hạng hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98) như hiện nay.

Trong khi, cũng tại Luật Giáo dục năm 2019 quy định phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ bị cắt từ ngày 1/7/2020.

Dù hiện tại có thể chưa bị cắt do sự cố dịch bệnh Covid-19 nên Nhà nước chưa tăng lương cơ sở nhưng rồi chắc chắn khoản phụ cấp này sẽ không còn trong thời gian tới vì Luật đã thông qua rồi.

Khoản phụ cấp này người nhiều cũng vài ba triệu đồng, người ít cũng ba bốn trăm ngàn đồng, dù nó không lớn nhưng với giáo viên thì khoản tiền nay rất cần thiết để trang trải cuộc sống gia đình.

Chúng tôi cũng hiểu rằng, khi xây dựng Luật Giáo dục 2019 các nhà hoạch định chính sách muốn tránh tình trạng sống lâu lên lão làng, trả lương nhà giáo đúng với công sức và hiệu quả lao động.

Chính vì vậy, Nhà nước đã thay chính sách phụ cấp thâm niên bằng chính sách xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Riêng phụ cấp đặc thù, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 113/2015/NĐ-CP của Chính phủ, phụ cấp này được áp dụng với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành.

Để hướng dẫn cụ thể về các đối tượng được hưởng phụ cấp đặc thù, Điều 3 Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH nêu rõ, phụ cấp đặc thù áp dụng với:

- Nhà giáo dạy tích hợp: Là nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trong một bài học/học phần/mô đun/môn học;

- Nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: Nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. [1]

Còn vị trí việc làm giáo viên hạng I, hạng II thì quá khó để có đủ tiêu chí, đủ tiêu chí rồi mà địa phương không có chỉ tiêu, nhu cầu thì cũng chịu.

Nói cách khác, với những dự thảo về vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp giáo viên Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến không mang lại được niềm vui, động lực cho giáo viên, mà thay vào đó là nỗi lo canh cánh cơm áo gạo tiền.

Nếu thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, thiết nghĩ ban soạn thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những điều chỉnh cụ thể điều kiện thăng hạng I, hạng II cho các thầy cô giáo phù hợp với thực tế, lấy hiệu quả giảng dạy làm thước đo.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/phu-cap-dac-thu-566-24714-article.html

THANH AN