Hệ thống giáo dục chuyên phát triển mạnh mẽ
Ngày 24/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 959/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 (đề án).
Sau hơn 5 năm thực hiện đề án, với sự quan tâm của Chính phủ, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương, hệ thống trường THPT chuyên đã có sự phát triển mạnh, chất lượng giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên.
Ngày 29/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2016.
TS.Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thùy Linh) |
Đánh giá chung về Đề án, TS.Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết:
Sau 5 năm thực hiện, hệ thống giáo dục chuyên có sự phát triển mạnh mẽ. Đề án phát triển hệ thống trường chuyên đã có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội vì mục tiêu trường chuyên.
Trường chuyên đã nhận được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp trung ương và địa phương.
Mạng lưới trường chuyên được hoàn thiện hơn, quy mô trường lớp và học sinh được mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường chuyên được tăng cường.
Nghịch lý cán bộ chưa bao giờ đứng lớp lại trực tiếp chỉ đạo chuyên môn(GDVN) - Một số chuyên viên trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn ở các Phòng, Sở Giáo dục lại có người chưa qua thực tế giảng dạy một ngày nào. |
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trường chuyên chuyển biến đáng kể về chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực đội ngũ được các cấp quản lý giáo dục quan tâm.
Cụ thể, tại thời điểm xây dựng đề án (năm học 2009 – 2010), cả nước có 68 trường chuyên, 7 khối chuyên; tỉnh Đắc Nông chưa có trường chuyên. Đến năm học 2015-2016, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều có trường chuyên, khối chuyên.
Nếu như năm học 2010 -2011 cả nước có 56.654 học sinh chuyên thì đến năm học 2015-2016, có 69.554 học sinh, tăng 12.900 học sinh (chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT, vượt mục tiêu đề án đề ra là 0,1%).
Chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến mạnh, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi Đại học, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong các năm qua.
Việc nâng trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và học sinh được các trường chú trọng; việc thí điểm dạy học một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đã đạt được những kết quả ban đầu; việc tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học, tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia được các trường chuyên đưa vào nhiệm vụ hàng năm…
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Chuẩn, hệ thống trường chuyên vẫn còn một số hạn chế liên quan đến cơ sở vật chất; năng lực ngoại ngữ của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Huy động nguồn lực từ hợp tác quốc tế còn hạn hẹp…
Chính vì vậy, theo ông Vũ Đình Chuẩn, trong thời gian tới, các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đặt ra là sẽ tiếp tục đổi mới chương trình, tài liệu dạy học và tuyển sinh, thi học sinh giỏi trong các trường chuyên.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các trường chuyên. Tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống các trường chuyên.
Và đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các cơ sở giáo dục có uy tín nước ngoài nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm tốt về công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của học sinh; chú trọng hợp tác về phát triển chương trình, tài liệu dạy học, bồi dưỡng giáo viên và đào tạo học sinh năng khiếu.
Tăng cường cơ hội để giáo viên, học sinh các trường chuyên được tham quan, giao lưu, học tập tại các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài.
Trường chuyên phải bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh
Đến dự và chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ 2 nội dung. Đó là:
Giáo viên giỏi ở trường chuyên phải là người đào tạo được học sinh giỏi hơn mình (Ảnh: nld.com.vn) |
Thứ nhất, làm sao hệ thống trường chuyên phải tiếp tục thực hiện giáo dục toàn diện, trên cơ sở đó bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh.
Mô hình trường chuyên thúc đẩy dạy thêm nở rộ(GDVN) - Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành giáo dục cần “khai tử” mô hình trường chuyên. |
Thứ hai, hiện chúng ta chưa đầu tư nhiều cho trường chuyên; sắp tới, cần đầu tư nhiều hơn và đầu tư sáng tạo hơn.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Giáo dục toàn diện là đảm bảo phát triển hài hòa các mặt của con người (Đức – Trí - Thể - Mỹ); mọi học sinh cần được phát triển những mặt đó để đạt mục tiêu chung của giáo dục phổ thông, để con người sống được bình thường trong xã hội; trên cơ sở đó, phát triển được năng khiếu riêng của từng người.
Điều này phù hợp với mục tiêu giáo dục nói chung; riêng trường chuyên thể hiện rõ hơn ở vế thứ hai.
Hơn nữa, giáo viên giỏi ở trường chuyên phải là người đào tạo được học sinh giỏi hơn mình. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi các thầy cô phải sáng tạo, suy nghĩ thường xuyên và phải thực sự cầu thị.