Giáo viên trường nội trú huyện Lắk mong thực sự sống được bằng lương

23/11/2023 06:24
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Mỗi giáo viên hãy yêu thương học trò như chính con ruột, dạy học trò bằng tình yêu thương thay vì trách nhiệm", cô Bảy chia sẻ.

Cô Hoàng Thị Bảy (sinh năm 1982) quê ở tỉnh Thái Bình, hiện đang là giáo viên Ngữ văn dạy khối 6, 9 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk).

Với tình yêu nghề và khát khao cống hiến trong sự nghiệp "trồng người", cô Bảy là một trong 58 giáo viên được vinh danh tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bảy nói: “Ngày học phổ thông, tôi thường làm thơ, viết văn gửi các báo như Hoa học trò, Tiền phong,… vì mong muốn trở thành một phóng viên nhưng có lẽ tôi không có duyên với nghề. Bố tôi đã định hướng cho tôi và bảo "con gái nên làm giáo viên là hợp lý nhất”".

Năm 2002, cô Bảy thi đỗ vào ngành Sư phạm Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp, cô Bảy đi làm gia sư, giáo viên hợp đồng với một số trường.

Tháng 9/2007, cô Bảy xét tuyển vào biên chế và được phân công công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lắk. Đến nay, cô Bảy có 16 năm công tác trong ngành giáo dục.

Cô Hoàng Thị Bảy trong tiết dạy học. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cô Hoàng Thị Bảy trong tiết dạy học. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chia sẻ về việc giảng dạy, cô Bảy cho biết, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lắk có học sinh thuộc các dân tộc khác nhau như Ê-đê, M'Nông, Mông, K’Ho, Tày, Nùng, Mường, Thái, Kinh,… do đó, khó khăn lớn nhất đối với cô Bảy là sự bất đồng ngôn ngữ, văn hoá sinh hoạt.

Theo cô Bảy, mỗi giáo viên ở trường nội trú phải kiêm nhiệm nhiều công việc, vị trí như vừa dạy học, vừa chăm sóc học sinh trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Khi học sinh ốm đau, giáo viên phối hợp cùng bộ phận y tế của trường để điều trị, thậm chí đưa học sinh đi viện khám, chữa bệnh thay gia đình chăm nom các em vì hầu như điều kiện hoàn cảnh gia đình của các em khó khăn, hoặc bố mẹ đi làm ăn xa.

Cô Hoàng Thị Bảy đang giúp học sinh là ủi áo. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cô Hoàng Thị Bảy đang giúp học sinh là ủi áo. Ảnh nhân vật cung cấp.

Đôi khi, giáo viên trường nội trú phải vào vai chuyên gia tâm lý để lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, tình cảm của học sinh. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 6 mới vào trường, các em thường xuyên nhớ nhà và khóc rất nhiều nên ngoài động viên an ủi, giáo viên sẽ ngủ cùng phòng với các em ở ký túc xá để kịp thời hỗ trợ,… Tất cả những nhiệm vụ này tạo nên sự riêng biệt của giáo viên trường nội trú với giáo viên ở các cơ sở giáo dục khác.

“Trong 16 năm công tác, kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là cách đây 8 năm, khi tôi đến gia đình của một học sinh lớp 8 (dân tộc M'Nông) làm công tác vận động để em tiếp tục theo học thay vì ở nhà lấy chồng.

Cụ thể, khi bố mẹ ép bỏ học để lấy chồng, nữ sinh này đã đến tìm tôi tâm sự và khóc rất nhiều. Sau đó, tôi đưa nữ sinh về nhà của em (cách trường 20km) để nói chuyện với phụ huynh. Ban đầu, tôi bị phụ huynh đuổi về nhưng sau khi thuyết phục, tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn ảnh hưởng đến tương lai của con, phụ huynh đã đồng ý cho nữ sinh đi học tiếp.

Bằng nỗ lực học tập, những năm sau đó, nữ sinh này tốt nghiệp trung học phổ thông, đi học nghề và xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Với tôi, không có gì hạnh phúc bằng việc chứng kiến học sinh chăm chỉ học hành để có tương lai tốt đẹp hơn”, cô Bảy tâm sự.

Cô Bảy đang hướng dẫn học sinh cách chăm sóc rau. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cô Bảy đang hướng dẫn học sinh cách chăm sóc rau. Ảnh nhân vật cung cấp.

Hiện tại, ngoài giảng dạy môn Ngữ văn lớp 6 và 9, cô Bảy còn làm công tác chủ nhiệm của một lớp 9, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Chi uỷ viên Chi bộ Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lắk.

Cô Bảy quan niệm rằng, mỗi giáo viên hãy yêu thương học trò như chính con ruột, dạy học trò bằng tình yêu thương thay vì trách nhiệm. Đặc biệt, mỗi giáo viên nên là nấc thang trên bước đường đi tới vinh quang của học trò.

Nhờ sự cố gắng, tâm huyết với nghề, cô Bảy nhận nhiều giải thưởng, bằng khen, là giáo viên dạy giỏi,... Với cô, mọi giải thưởng, bằng khen từ cấp trường, huyện, tỉnh,… đều đáng quý và trân trọng, là khích lệ tinh thần để cô tiếp tục gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Biết tin bản thân là 1 trong 58 giáo viên được vinh danh tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023, cô Bảy nói: “Tôi thấy mình may mắn khi nhận được món quà to lớn này. Với tôi, đó là nguồn động lực tiếp thêm sức sống và lòng nhiệt huyết để yêu trường, yêu lớp nhiều hơn”.

Được biết, chồng cô Bảy làm nghề tự do nên thu nhập bấp bênh. Con trai của cô Bảy đang học lớp 6. Tất cả mọi chi phí trong gia đình đều trông chờ vào lương hàng tháng của cô. Trong quá trình công tác, cô Bảy từng có khoảng thời gian áp lực về cơm áo gạo tiền. Bởi, giáo viên ở trường trung học cơ sở bình thường có thể làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập nhưng với giáo viên trường nội trú hầu như thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà, không có thu nhập gì khác ngoài lương.

“Khi con tôi ốm đau, tôi phải đến trường làm nhiệm vụ nên nhờ ông bà nội chăm sóc cháu. Nhiều lần tôi đã suy nghĩ đến chuyện chuyển nghề khác để thu nhập tốt hơn và có thời gian bên gia đình. Nhưng sau đó, tôi lại nghĩ càng khó khăn thì bản thân càng phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để vượt qua, không được bỏ cuộc, trốn tránh.

Động lực lớn nhất để tôi theo đuổi nghề dạy học đến nay đó là vì sự trưởng thành của học sinh. Mỗi lần nhìn các em với nụ cười hồn nhiên, ngoan ngoãn, tôi lại cảm thấy thêm yêu nghề dạy học”, cô Bảy bộc bạch.

Đối với công cuộc đổi mới giáo dục trong thời gian qua, cô Bảy ấn tượng với việc chuyển đổi trường bán công, dân lập sang tư thục; việc tăng số lượng giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi; điều chỉnh chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, học sinh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa,…

“Hy vọng rằng, ngành giáo dục sẽ tiếp tục quan tâm đến chế độ, chính sách đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiếu số, vùng khó khăn và đời sống của giáo viên để thầy cô có thể an tâm công tác, thực sự sống được bằng lương, toàn tâm toàn ý, thăng hoa trong mỗi bài giảng của chính mình”, cô Bảy bày tỏ.

Một số thành tích nổi bật của cô Hoàng Thị Bảy:

Nhiều năm học đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; nhận Giấy khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lắk vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm học; nhận Giấy khen của Chủ tịch Hội đồng Đội huyện vì thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

7 năm học được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Tham gia viết Sáng kiến, giải pháp khoa học: 5 năm học đạt giải C cấp huyện; 1 năm học đạt giải C cấp tỉnh, 1 năm học đạt giải B cấp tỉnh.

Nhiều năm học được công nhận là giáo viên dạy giỏi.

Ngọc Mai