Nỗi niềm của thầy giáo mầm non sau 12 năm công tác xa quê

09/11/2023 06:32
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong ước của thầy giáo mầm non Lê Văn Thắng là xây được căn nhà nhỏ tại nơi công tác để yên tâm làm việc, đón mẹ dưới quê lên ở chung, thuận tiện chăm sóc.

Thầy giáo Lê Văn Thắng (sinh năm 1982) sinh ra và lớn lên ở thôn Tân Việt (nay là thôn Việt Hưng), xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Vốn là giáo viên tiểu học nhưng thầy Thắng "bén duyên" làm giáo viên mầm non đến nay đã hơn 12 năm.

Hiện tại, thầy Thắng là giáo viên tại điểm trường mầm non thôn Lếch Mông B (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Thanh Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai).

Nhờ những nỗ lực vượt khó, yêu thương trẻ và tâm huyết với nghề, thầy Thắng là một trong những nhà giáo tiêu biểu được vinh danh tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023.

Thầy giáo mầm non Lê Văn Thắng đang cắt tóc cho học trò. Ảnh nhân vật cung cấp.
Thầy giáo mầm non Lê Văn Thắng đang cắt tóc cho học trò. Ảnh nhân vật cung cấp.

Xúc động khi thấy trò khoanh tay nói "chào thầy" mỗi khi đến lớp

Chia sẻ cơ duyên trở thành “thầy giáo mầm non”, thầy Thắng cho biết, tháng 3/2011, thầy tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành Sư phạm Tiểu học, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ).

Tháng 9/2011, thầy Thắng nộp hồ sơ xin việc tại tỉnh Lào Cai và được phân công về huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa). Thời điểm đó, Sa Pa thiếu rất nhiều giáo viên mầm non nên thầy được phân công từ giáo viên tiểu học chuyển sang làm giáo viên mầm non của Trường Mầm non Thanh Kim.

“Khi nhận quyết định công tác tại Trường Mầm non Thanh Kim, tôi cảm thấy rất buồn và có phần hụt hẫng vì đó không phải là ngành nghề mà mình lựa chọn. Tôi ngỡ ngàng vì bản thân đang từ một người thầy chỉ quen cầm phấn viết bảng lại chuyển sang làm thầy giáo mầm non dỗ dành trẻ.

Tại thời điểm đó, hoàn cảnh và điều kiện gia đình tôi ở quê rất khó khăn, cha mẹ già yếu nên tôi chấp nhận làm việc xa nhà để có thu nhập trang trải cuộc sống”, thầy Thắng tâm sự.

Điểm trường mầm non Lếch mông B. Ảnh nhân vật cung cấp.

Điểm trường mầm non Lếch mông B. Ảnh nhân vật cung cấp.

Do không được đào tạo về mầm non nên thầy Thắng gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu làm việc. Để hoàn thành nhiệm vụ, thầy Thắng phải tự học chuyên môn, học hát, múa, vẽ, học ngôn ngữ địa phương để dễ dàng, thuận tiện cho việc giao tiếp với phụ huynh và học sinh.

Làm thầy giáo mầm non khiến thầy Thắng yêu thương trẻ nhiều hơn. Niềm vui của thầy Thắng mỗi khi đến trường là nhìn thấy các em nhỏ đứng đợi trước cửa lớp, khoanh tay nói “chào thầy” một cách kính mến.

Thầy Lê Văn Thắng đang buộc tóc cho học trò. Ảnh nhân vật cung cấp.

Thầy Lê Văn Thắng đang buộc tóc cho học trò. Ảnh nhân vật cung cấp.

Sau nhiều năm thầy Thắng dạy bậc mầm non, năm 2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa có thông báo thi chuyển ngạch giáo viên tiểu học đang dạy ở mầm non về đúng vị trí công tác. Nhưng do thời gian quá lâu nên e rằng chuyên môn không còn vững, khiến thầy Thắng không muốn chuyển về đúng ngạch tiểu học.

Xác định theo đuổi ngành giáo dục mầm non, từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2019, thầy Thắng tham gia và tốt nghiệp trung cấp Sư phạm mầm non, Khoa Sư phạm mầm non, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) phân hiệu tại Lào Cai. Cũng tại phân hiệu này, tháng 10 năm 2023, thầy Thắng tốt nghiệp trình độ đại học (hệ vừa làm vừa học) chuyên ngành Giáo dục mầm non.

Năm học 2023-2024, thầy Thắng công tác tại điểm trường Lếch Mông B. Thầy trăn trở phải làm sao để huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục giúp đỡ điểm trường. Trong tháng 8 và 9/2023, nhờ nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, thầy đã huy động 5 đoàn hỗ trợ đến điểm trường trao quà cho học sinh, xây dựng điểm trường khang trang, cảnh quan xanh, đẹp, được trang bị hệ thống đèn điện, nước sạch để phục vụ quá trình dạy học, sinh hoạt đảm bảo an toàn vệ sinh của trẻ.

"Những suất quà được trao cho học sinh gồm mì tôm, sữa, nước mắm, dầu ăn, quần áo… đảm bảo tiêu chí ăn bữa chiều cho các cháu theo kế hoạch nhà trường giao", thầy Thắng chia sẻ.

Cũng tại điểm trường thôn Lếch Mông B, do bất đồng ngôn ngữ nên thầy Thắng gặp khó khăn khi giao tiếp với học trò. Từ đó, thầy Thắng quyết tâm nghiên cứu và tìm biện pháp dạy học phù hợp.

Tiêu biểu, biện pháp dạy học của thầy Thắng đã được áp dụng tại điểm trường và trong toàn Trường Mầm non Thanh Kim là sáng kiến kinh nghiệm: “Một số biện pháp tổ chức tốt hoạt động trải nghiệm cho trẻ 3-4-5 tuổi tại lớp mẫu giáo ghép 5 tuổi điểm trường Lếch Mông B trường mầm non Thanh Kim”.

Ước mong của thầy giáo mầm non là có căn nhà riêng để ở, báo hiếu mẹ già

Ôn lại những kỷ niệm khó quên, thầy thắng chia sẻ: “Tôi nhớ, năm 2011, tôi được phân công đến điểm trường mầm non Lếch Mông A dạy lớp ghép 3-4-5 tuổi. Đường đến trường phải đi qua suối nên vào mùa mưa lũ, tôi phải xắn quần, tháo giày buộc vào cổ để lội suối mới có thể đến trường.

Năm học 2013 – 2014, khi đang công tác tại điểm trường bản Kim A, tôi bị cảm nên phải ở lại trường qua đêm. Dân bản tận tình chữa trị cho tôi bằng phương pháp của người đồng bào Dao đỏ. Được dân bản quý mến, khi tôi chuyển công tác sang điểm trường khác, nhiều phụ huynh tại bản Kim A đã gặp trực tiếp Ban Giám hiệu nhà trường để xin cho tôi trở về dạy tại điểm trường bản Kim A.

Đối với tôi, đây là những kỷ niệm mà mãi cho đến bây giờ tôi vẫn không quên. Nghề nào cũng cần phải học, rèn luyện và có tâm huyết. Giáo viên mầm non là nam hay nữ cũng đều thực hiện tính chất công việc như nhau, chỉ khác về các xưng hô giữa thầy cô và trò”, thầy Thắng tâm sự.

Thầy Lê Văn Thắng dạy trẻ chơi trò chơi "Con sâu học Toán". Ảnh nhân vật cung cấp

Thầy Lê Văn Thắng dạy trẻ chơi trò chơi "Con sâu học Toán". Ảnh nhân vật cung cấp

Ít ai biết rằng, đằng sau niềm vui khi được trò chuyện, chăm sóc học trò là nỗi trăn trở của thầy Thắng vì luôn nghĩ đến người mẹ (75 tuổi) bị tai biến đang ở quê.

Do tính chất công việc, thầy Thắng ít có thời gian để về thăm mẹ. Mong ước của thầy là xây được căn nhà nhỏ tại nơi công tác để yên tâm làm việc và có thể đón mẹ lên ở chung, thuận tiện chăm sóc, báo hiếu.

Được biết, gia đình thầy Thắng ở Lào Cai hiện có 5 thành viên (gồm vợ chồng thầy Thắng, 2 con và 1 cháu dưới quê lên ở cùng) chung sống trong căn phòng công vụ của nhà trường chỉ rộng 40m2. Trong 12 năm công tác ở Lào Cai, thầy Thắng có 5 lần phải chuyển chỗ ở (cả gia đình phải chuyển đi theo thầy Thắng) để phục vụ công việc.

Ngoài mong muốn được xây nhà, thầy Thắng kiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng chuyển đổi số trong việc lưu trữ dữ liệu trên phần mềm; giảm các đầu sổ không cần thiết cho giáo viên đang phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, công việc khác nhau; đặc biệt, việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên phải đúng đối tượng, tạo động lực phát triển chuyên môn.

Bên cạnh đó, hiện nay công tác phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi của trường đã hoàn thành, việc phổ cập giáo dục trẻ 4 tuổi đang được đẩy mạnh triển khai. Chưa kể, cần có quy định rõ về chế độ đối với trẻ em từ 0 đến 3 tuổi sinh ra khi bố mẹ tảo hôn không được làm giấy khai sinh vì còn liên quan đến quyền lợi của các em.

Một số thành tích tiêu biểu của thầy giáo Lê Văn Thắng:

Năm học 2019 - 2020 nhận Giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Chào mừng Kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; đạt Chiến sĩ thi đua.

Năm học 2020 - 2021, đạt Chiến sĩ thi đua; nhận Bằng khen của Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Lào Cai. Nhận Giấy khen là Phó Bí thư Chi bộ 14 Trường Mầm non Thanh Kim có thành tích xuất sắc trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo quyết định số 64/QĐ-ĐU ngày 17/4/2021; nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Năm học 2021 - 2022, đạt Lao động tiên tiến; Giấy khen Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Thanh Kim vì có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” năm 2022.

Năm học 2022 - 2023 đạt Lao động tiên tiến theo quyết định số 2701/QĐ-UBND thị xã Sa pa; nhận Giấy khen vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến”.

Năm học 2023 - 2024, nhận Bằng khen trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo".

Ngọc Mai