Ít giáo viên Công nghệ thông tin nên trường nghề muốn tuyển sinh nhiều cũng khó

05/09/2023 06:34
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Người học có nhu cầu nhưng khó tuyển dụng được giáo viên Công nghệ thông tin do mức thu nhập làm giáo viên thấp hơn nhiều so với làm việc tại doanh nghiệp.

Theo Báo cáo về thị trường Công nghệ thông tin của TopDev (nền tảng Tuyển dụng Công nghệ thông tin tại Việt Nam), nhu cầu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam đang tăng cao liên tục. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực luôn là bài toán nan giải nhất của thị trường công nghệ thông tin.

Đáng nói, theo báo cáo này, mặc dù mức lương và thưởng của ngành này đang tăng lên đáng kể, thế nhưng, dự đoán đến năm 2024, Việt Nam sẽ vẫn thiếu hụt 195.000 lập trình viên/ kỹ sư hàng năm. Sự thiếu hụt này được chỉ ra là do xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và yêu cầu kinh doanh.

Cũng tại Bản tin Thị trường Lao động Quý II năm 2023 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, kỹ sư IT – phần mềm là một trong 5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất.

Việc nhu cầu tuyển dụng của ngành Công nghệ thông tin vẫn luôn cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người học quan tâm nên tất yếu cũng ngày càng nhiều trường đại học, cao đẳng liên tục mở đào tạo ngành học này. Tuy nhiên, phải làm sao để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp mới là bài toán mà các trường cần phải thực hiện.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Quốc Cường – Quyền Trưởng khoa Kỹ thuật – Công nghệ (Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp) cho hay, qua khảo sát từ Phòng Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp của nhà trường, Công nghệ thông tin đang là một trong những ngành thu hút được nhiều sự quan tâm của người học.

Năm nay, Khoa được giao đào tạo 70 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ thông tin hệ cao đẳng, đến nay đã tuyển sinh đạt 40 em.

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin - Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội trong giờ học (Nguồn: Website nhà trường).

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin - Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội trong giờ học (Nguồn: Website nhà trường).

Theo thầy Cường, ngành nào được nhiều người quan tâm như ngành Công nghệ thông tin tất yếu sẽ ngày càng có nhiều đơn vị đào tạo cả ở đại học và cao đẳng nên dễ có thể dẫn đến sự bão hòa. Tuy nhiên, quan trọng là phải cung cấp cho các em có những kiến thức thực tế phù hợp được với yêu cầu của nơi sử dụng lao động và nhu cầu của xã hội.

Hàng năm, giáo viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đều đi học tập trực tiếp tại doanh nghiệp trong 8 tuần để đảm bảo những kiến thức, kỹ năng đào tạo cho các em đáp ứng được thị trường lao động.

Hơn nữa, để có thể cạnh tranh với các đơn vị khác, đặc biệt là với bậc đại học, khi đi tuyển sinh, trường luôn cố gắng quảng bá, truyền tải những lợi thế của mình như định hướng cho các em về việc sau khi tốt ngành học Công nghệ thông tin sẽ làm được những vị trí công việc gì; công việc thực tế của những cựu sinh viên hiện nay đang làm ra sao cũng như sự hỗ trợ liên kết với các công ty, doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho các bạn,...

Không những vậy, Khoa và nhà trường đã hỗ trợ các em trong việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân các em về tài chính, năng lực,.... Từ đó, giúp các em hiểu được không chỉ đại học là con đường duy nhất và lựa chọn môi trường học tập thế nào để có thể giúp các em phát huy được năng lực của mình.

Ngoài ra, việc học ngành Công nghệ thông tin tại trường cao đẳng lại có thời gian học ngắn chỉ trong 2 năm; Khoa cũng tập trung đào tạo ngành Công nghệ thông tin theo hướng cho người học có nhiều thời gian thực hành qua việc liên kết với nhiều doanh nghiệp, giúp các em tiếp cận được nhiều kiến thức thực tế hơn với khoảng 70% thời gian học là thực hành.

Vậy nên, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đối với ngành học Công nghệ thông tin của trường luôn ở mức cao, đạt trên 80%. Thậm chí, ngay trước khi tốt nghiệp, một số em sinh viên giỏi đã được doanh nghiệp nhận vào làm luôn.

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, sinh viên có thể làm việc tại các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và gia công phần mềm; Tham gia giảng dạy Tin học trong ngành giáo dục và dạy nghề; Làm việc trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất, kinh doanh; các lĩnh vực cung ứng sản phẩm và dịch vụ tin học….

Cũng theo thầy Cường, trong khoảng 5 năm gần đây, cơ hội công việc cho người tốt nghiệp trường đại học hay trường cao đẳng của ngành Công nghệ thông tin là như nhau bởi hiện các nơi sử dụng lao động chủ yếu quan tâm đến kiến thức, kỹ năng thực tế của nhân sự hơn.

Qua khảo sát của Khoa, một số em sau khi tốt nghiệp hiện đang làm việc ở trong các tập đoàn lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác đào tạo của cả Khoa và nhà trường.

“Công nghệ thông tin đang có sứ mệnh rất quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay.

Với sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin, tôi hy vọng rằng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của ngành này tại các đơn vị đang đào tạo đều được liên tục cập nhật, đổi mới để các em có thể làm quen được sớm và khi ra trường có cơ hội làm việc được tại các công ty, doanh nghiệp cả trong nước và trên thế giới”, thầy Cường bày tỏ.

Cũng bàn về thực trạng hiện nay trong công tác tuyển sinh cũng như đào tạo của ngành Công nghệ thông tin, Thạc sĩ Lê Huy Hoàng – Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội) cho hay, Khoa có thế mạnh là luôn đào tạo kiến thức, kỹ năng cao mà xã hội đang cần để các em khi tốt nghiệp ra trường chắc chắn đáp ứng được yêu cầu của nơi sử dụng lao động qua việc nghiên cứu và xây dựng chương trình học dựa trên nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp, thị trường lao động.

Vậy nên, 100% sinh viên của ngành Công nghệ thông tin của trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và đều có mức thu nhập cao, với khởi điểm từ trên 10 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/tháng tùy vị trí công việc và khả năng đáp ứng. Thậm chí, nhiều em sinh viên của Khoa dù đang học năm cuối nhưng đi làm part-time (bán thời gian) đã có mức lương từ 6- 7 triệu đồng lên tới hơn 10 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, khó khăn của Khoa hiện nay là rất khó tuyển dụng được giáo viên ngành Công nghệ thông tin nên dù đông người học có nhu cầu nhưng trường cũng khó tuyển sinh nhiều chỉ tiêu mà chỉ tuyển lượng chỉ tiêu phù hợp với số lượng giáo viên đang có.

Bởi nhìn từ thực tế hiện nay, những người học Công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp đại học thường lựa chọn làm việc tại các doanh nghiệp vì hệ số lương của nhà giáo có bằng cử nhân đại học là rất thấp. Đặc biệt là với những người giỏi, đủ khả năng để giảng dạy, họ sẽ lựa chọn làm việc tại các tập đoàn, công ty lớn với mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần làm giáo viên.

Trường cũng thực hiện các giải pháp như tăng giờ dạy của các thầy cô, thuê giáo viên thỉnh giảng từ các trường cao đẳng khác hoặc các trường đại học nhưng việc thuê giáo viên thỉnh giảng không phải dễ dàng lại rất tốn kém.

Tường San