Hiện nay, nhiều trường trong các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh, đem lại niềm hi vọng cho nhiều phụ huynh rằng con em họ sẽ được nâng cao trình độ nghe và nói tiếng Anh.
Việc dạy giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh không còn xa lạ ở các trường ở các trường nội thành Hà Nội, vậy còn ở vùng quê ngoại thành thì chất lượng ra sao?
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Bá Thành (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi A – giáo viên dạy tiếng Anh, thị trấn Thường Tín, Hà Nội) cho biết, đến nay là năm thứ 3 nhà trường liên kết với một trung tâm tiếng Anh để giáo viên nước ngoài dạy cho học sinh trong đơn vị. Việc liên kết này được Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp phép.
Những năm đầu mở lớp, phụ huynh và học sinh rất hào hứng, có đông đảo học sinh tại tất cả các khối 6-7-8-9 đăng kí học, thì nay chỉ còn học sinh khối 6-7 tham gia học.
“Chất lượng giáo viên nước ngoài dạy không tốt nên phụ huynh không cho con em học nữa”, thầy giáo Thành chia sẻ.
Chia sẻ cụ thể về nguyên nhân, vị Phó Hiệu trưởng cho hay, giáo viên nước ngoài dạy trong trường là ở tứ xứ không phải là giáo viên bản địa Anh quốc, bên cạnh đó về bằng cấp, trình độ chuyên môn của những giáo viên này do trung tâm quản lý. Từ đây, dẫn tới thực trạng là chất lượng dạy của giáo viên nước ngoài còn nhiều mặt hạn chế.
Thầy Thành lấy ví dụ, như đối với giáo trình dạy là Solutions, thì giáo viên chỉ dạy “lướt”, không tập trung vào việc nghe, nói mà chỉ chú trọng vào ngữ pháp.
Việc đào tạo trên cũng có thể là do nguyên nhân trung tâm của các giáo viên này chỉ tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh cho các em tương đương A2, “chứng chỉ nội địa” chứ không phải là của quốc tế.
“Nếu họ tổ chức thi chứng chỉ quốc tế thì việc tuyển giáo viên nước ngoài và việc dạy học sẽ có chất lượng tốt hơn”, thầy Thành phân tích.
Theo thầy Thành, giáo viên nước ngoài dạy 2 tiết/lớp/tuần thì đều có trợ giảng. Tuy nhiên, giáo viên Việt Nam trong trường vừa ít, tiền công cũng ít chỉ được vài chục nghìn đồng/tiết, không bằng dạy ngoài, nên đa số giáo viên không mặn mà. Chính vì thế, thầy Thành phải đảm nhiệm thêm vai trò trợ giảng.
Một tiết học Chương trình tiếng Anh tích hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vừa qua, nhiều phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bức xúc về học phí của chương trình này và bày tỏ băn khoăn về chất lượng dạy. EMG Education là đơn vị thực hiện chương trình tiếng Anh tích hợp này. (ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: EMG) |
Có thời gian tiếp xúc nhiều với một số giáo viên nước ngoài, thầy Thành phải thừa nhận về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của họ có nhiều vấn đề.
“Giáo viên còn viết sai cả từ trên bảng, tôi hỏi đây là bài gì nhưng giáo viên không biết. Hay trong một lần khác khi ra chơi vắng mặt giáo viên trong lớp, các em chạy lên bục giảng xem tài liệu giảng dạy của giáo viên thì bị giáo viên lớn tiếng”, thầy Thành chia sẻ.
Trong khi chất lượng giáo viên nước ngoài tại địa phương không tốt, thì vẫn trung tâm đó trên nội đô, giáo viên nước ngoài có chất lượng tốt hơn và họ quan tâm đến học sinh nhiều hơn.
Nguyên do dẫn đến việc này, theo thầy Thành, có thể tại địa phương là vùng ngoại thành không có điều kiện kinh tế xã hội như trên nội đô nên trung tâm không bố trí, cắt cử những giáo viên có trình độ, chất lượng dạy tốt đến nhà trường.
“Nhiều học sinh ở địa phương được phụ huynh đưa lên trên trung tâm đó để học vì chất lượng trên đó tốt hơn”, thầy Thành nói.
Chia sẻ về chương trình dạy môn tiếng Anh của Bộ Giáo dục, thầy Thành cho hay, chương trình của Bộ là tốt nhưng do tâm lý của phụ huynh là luôn muốn con em họ phải nghe, nói với người nước ngoài, vì vậy nếu như chúng ta lồng vào chương trình dạy có giáo viên nước ngoài thì sẽ tốt hơn.
“Nếu chúng ta tuyển được giáo viên nước ngoài là người bản xứ, đồng thời lồng vào chương trình dạy tiếng Anh của Bộ thì các em sẽ tự tin hơn trong giao tiếp. Bởi lẽ giáo viên của chúng ta tuy tốt về ngữ pháp nhưng còn hạn chế về việc nói”, thầy Thành chia sẻ.
Chia sẻ thêm về việc học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, thầy Ngô Viết Thành – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, về chất lượng giáo viên thì bên Sở quản lý, còn việc đánh giá học sinh thì trung tâm thực hiên, nhà trường giám sát. Thi thoảng Sở cũng kiểm tra việc dạy.
“Hồ sơ thẩm định về giáo viên và mọi mặt pháp lý là do Sở quy định và cho phép trung tâm thực hiện, nên nhà trường không gặp khó khăn gì”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cự Khê chia sẻ.
Theo một lãnh đạo trường tiểu học ở huyện Thường Tín, đối với các khối Tiểu học ở địa phương thì việc triển khai dạy và học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài được thực hiện đã lâu, còn tại khối Trung học cơ sở thì còn ít.
Tại đơn vị cũng có dự định triển khai việc dạy học trên nhưng do dịch Covid-19 chưa thực hiện được.
“Việc dạy này khó ở chỗ là phải có sự đồng thuận từ phía phụ huynh, học sinh. Nếu không tự nguyện, xếp vào học chính khóa cũng không được. Bên cạnh đó là bố trí thời gian, phòng học, nên đơn vị chưa triển khai thực hiện được”, vị lãnh đạo cho hay.
Vị này cũng nhận định việc học với giáo viên nước ngoài sẽ rèn thêm kĩ năng giao tiếp, nghe nói của các em tốt hơn, bởi các giáo viên Việt Nam ở trường bị giới hạn về điều này.