"Giữ chân" nhân sự chất lượng cao khối ngành sức khỏe còn khó hơn tuyển dụng

25/02/2025 06:24
Thúy Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc thu hút đội ngũ nhân sự chất lượng cao khối ngành sức khỏe là một thách thức nhưng để “giữ chân” họ gắn bó lâu dài với nhà trường còn khó khăn hơn gấp bội.

Năm 2025 đánh dấu kỉ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025) – dịp đặc biệt để tôn vinh những "chiến sĩ áo trắng" đã tận tâm cống hiến vì sức khỏe cộng đồng. Đây không chỉ là ngày tri ân đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế mà còn nhắc nhở về trách nhiệm cao cả của ngành y dược trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Công tác đào tạo ngành y dược luôn giữ vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực y tế. Để đảm bảo đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn vững vàng, nhiều trường đại học trên cả nước đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo với các chương trình Y khoa, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học… đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ngành Dược học là một trong những ngành mũi nhọn thuộc khối sức khỏe, khẳng định thế mạnh của trường trong lĩnh vực đào tạo y dược. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các ngành thuộc khối ngành sức khỏe như ngành Dược học ngày càng thu hút sự quan tâm lớn từ người học, phản ánh nhu cầu cao của xã hội đối với nguồn nhân lực y tế chất lượng.

Công tác đào tạo thể hiện qua những con số

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, khoa Dược là đơn vị chuyên môn đào tạo bậc đại học và sau đại học, cung cấp kiến thức chuyên sâu, kỹ năng thực hành cùng tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp nhằm ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực Dược.

TS tran ai cam.jpg
Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

Chương trình đào tạo được thiết kế để đảm bảo sinh viên có đủ năng lực làm việc trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực Dược.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, khoa Dược còn tham gia tích cực vào các hoạt động trọng điểm của trường như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyên môn và phát triển các giải pháp ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, khoa tập trung nghiên cứu phát triển thuốc mới từ nguồn nguyên liệu sinh học và các hợp chất thiên nhiên ở giai đoạn tiền lâm sàng, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu sử dụng thuốc hợp lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong dược học.

Không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu cơ bản về thiết kế và sản xuất thuốc, khoa Dược còn đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, từ đó phát triển các mô hình dịch vụ đặc thù như tư vấn triển khai dược lâm sàng tại bệnh viện, tư vấn sử dụng thuốc, giám sát trị liệu bằng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và an toàn thuốc cho cộng đồng.

Đặc biệt, từ năm 2018 đến năm 2024, số lượng bài báo khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của khoa Dược rất ổn định, cho thấy sự đầu tư bài bản và cam kết mạnh mẽ của nhà trường trong việc phát triển lĩnh vực trọng điểm này.

bang slg KH NTT.jpg
Số lượng bài báo khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từ năm 2018 đến năm 2024 của Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Số liệu do nhà trường cung cấp. Ảnh: Thúy Hiền)

Bên cạnh đó, khoa Dược của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cung cấp các chương trình đào tạo đa dạng, bao gồm: Dược học bậc đại học, chuyên khoa I chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng, thạc sĩ Kiểm nghiệm thuốc – Độc chất cùng các khóa đào tạo ngắn hạn giúp cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ dược sĩ.

Chương trình đào tạo được thiết kế bám sát đặc thù nghề nghiệp, với các học phần chuyên sâu theo ba định hướng chuyên ngành, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Song song với đó, hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm liên tục được đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh việc đào tạo trong môi trường học thuật, nhà trường còn chú trọng mở rộng mạng lưới hợp tác với bệnh viện, nhà thuốc, công ty dược phẩm, giúp sinh viên có cơ hội thực tập thực tế theo đúng quy định của Nghị định 111/2017/NĐ-CP về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe. Nhờ đó, sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài ra, đề cương chi tiết của các môn học được rà soát và cập nhật định kỳ theo đúng quy định của nhà trường, đảm bảo giáo trình luôn được đổi mới, bám sát tiến bộ khoa học và yêu cầu thực tế.

ty le sv tot nghiep ntt.jpg
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường của Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tính từ năm 2018 đến năm 2024. (Số liệu do nhà trường cung cấp)

Song song với việc phát triển chương trình đào tạo, khoa Dược còn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác kiểm định chất lượng.

Năm 2020, khoa chính thức đạt chứng nhận kiểm định chương trình đào tạo ngành Dược học trình độ đại học (chu kỳ 1) với tỷ lệ tiêu chí đạt yêu cầu 92%, theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT. Thành tích này giúp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trở thành trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn kiểm định ngành Dược học.

Ngày 03/06/2024, khoa Dược đạt chứng nhận kiểm định chương trình đào tạo ngành Dược học trình độ đại học (chu kỳ 2) với tỷ lệ tiêu chí đạt yêu cầu tăng lên 96%, theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT.

“Giữ chân” nhân lực chất lượng cao, lộ trình phát triển dài hạn

Bên cạnh chương trình đào tạo và cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chính là yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực y dược chất lượng cao.

Theo Tiến sĩ Trần Ái Cầm, để thu hút và “giữ chân” các chuyên gia giỏi trong ngành, nhà trường đã và đang thực hiện thông báo số 152/TB-NTT ngày 10/07/2024 của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành về việc triển khai chính sách thu hút đối với giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ.

Cụ thể, đối với giảng viên có học vị tiến sĩ, nhà trường thưởng nóng 100 triệu đồng; giảng viên có học hàm phó giáo sư là 150 triệu đồng và cao nhất là mức thưởng lên đến 200 triệu đồng cho nhân sự có học hàm giáo sư ngay khi họ bắt đầu làm việc tại trường.

NTT1.jpg
Ảnh minh họa do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cung cấp.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, việc thu hút đội ngũ nhân sự chất lượng cao đã là một thách thức, nhưng làm cách nào để “giữ chân” họ gắn bó lâu dài và cống hiến cho nhà trường còn khó khăn hơn gấp bội.

Bài toán đặt ra không chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ mà quan trọng hơn là tạo điều kiện để đội ngũ này phát huy tối đa năng lực, đóng góp cho sự phát triển chung.

Trên thực tế, những nhân sự trình độ cao không đơn thuần chọn làm việc vì thu nhập mà họ còn quan tâm đến các yếu tố khác như cơ hội phát triển học thuật, môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách đãi ngộ hợp lý và cơ sở vật chất hiện đại phục vụ nghiên cứu. Do đó, trường đại học muốn giữ chân nhân tài cần đảm bảo một hệ sinh thái học thuật thuận lợi, từ cơ chế linh hoạt, đầu tư trang thiết bị đến việc xây dựng môi trường làm việc cởi mở, minh bạch.

Lãnh đạo nhà trường cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh cơ hội thăng tiến, một yếu tố không kém phần quan trọng là xây dựng văn hóa nội bộ, tinh thần đoàn kết trong đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên. Chính sự gắn kết này sẽ tạo động lực để nhân sự chất lượng cao yên tâm công tác, đồng hành lâu dài và cống hiến hết mình cho sự phát triển bền vững của nhà trường.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự phối hợp giữa nhà trường và các cơ sở thực hành trong công tác đào tạo ngành Dược học cũng gặp không ít những thách thức.

Do tính chất công việc bận rộn tại bệnh viện, nhiều giảng viên phụ trách các tín chỉ thực hành gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian để giảng dạy và hướng dẫn sinh viên một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số cơ sở thực hành vẫn chưa thực sự chú trọng đến việc hợp tác với các cơ sở giáo dục, dẫn đến hạn chế trong quá trình đào tạo và phát triển kỹ năng thực tế cho sinh viên. Điều này đòi hỏi sự tăng cường kết nối, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường và các đơn vị thực hành, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và đảm bảo sinh viên có điều kiện tiếp cận môi trường thực tế một cách tốt nhất.

NTT2.jpg
Ảnh minh họa do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cung cấp.

Chia sẻ về cơ hội việc làm sau khi ra trường, chị Nguyễn Diễm Quỳnh Nhi - cựu sinh viên ngành Dược học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, các ngành thuộc khối ngành sức khỏe hiện nay mở ra nhiều cơ hội việc làm nhờ vào nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dược phẩm.

Dược sĩ sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại bệnh viện, nhà thuốc, công ty dược phẩm, trung tâm kiểm nghiệm, hoặc tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thuốc. Tuy nhiên, với số lượng người theo học ngành này ngày càng đông, đòi hỏi sinh viên không ngừng nâng cao chuyên môn và kỹ năng để tạo lợi thế trong nghề nghiệp.

“Để tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động ngày càng khắt khe, sinh viên ngành Dược không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải chủ động tìm kiếm cơ hội thực hành, rèn luyện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học không chỉ giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này.

Bên cạnh chuyên môn, sinh viên cần trang bị nhiều kỹ năng quan trọng như giao tiếp để tư vấn và giải thích thành phần các loại thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ; tư duy phản biện, nghiên cứu và làm việc nhóm.

Đồng thời, kỹ năng quản lý thời gian, ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế cũng đóng vai trò then chốt. Đặc biệt, trong ngành nghề gắn liền với sức khỏe con người, việc trau dồi y đức, cập nhật xu hướng mới và không ngừng học hỏi là yếu tố tiên quyết để trở thành một dược sĩ giỏi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội”, chị Quỳnh Nhi cho hay.

diem nhi ntt.jpg
Chị Nguyễn Diễm Quỳnh Nhi - cựu sinh viên ngành Dược học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NVCC)

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nhóm ngành sức khỏe trong giai đoạn phát triển từ 5-10 năm tới, theo Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã xây dựng một lộ trình chiến lược, tập trung vào đổi mới chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Bắt đầu từ năm học 2024 – 2025, bên cạnh các học phần quan trọng trong chương trình đào tạo, nhà trường đã chính thức đưa học phần “Năng lực số và tài nguyên giáo dục mở” vào giảng dạy dành cho sinh viên khóa 2024. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức mới về đổi mới công nghệ, phương pháp nghiên cứu khoa học.

Việc tiếp cận sớm với các công cụ số hóa và tài nguyên học thuật mở sẽ giúp sinh viên phát triển tư duy hiện đại, ứng dụng linh hoạt trong học tập và công việc sau này.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ hỗ trợ thông minh, nhà trường đã và đang đẩy mạnh việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy và nghiên cứu. Đội ngũ giảng viên được tiếp cận và sử dụng các công cụ như AI, Chat GPT để nâng cao chất lượng bài giảng, tối ưu hóa phương pháp giảng dạy.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực đào tạo, những công nghệ này còn được áp dụng mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, AI sẽ hỗ trợ tự động hóa các quy trình kiểm tra, đánh giá, giúp giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian trong việc quản lý lịch học, lịch thi, lịch giảng cũng như cập nhật thông báo giữa nhà trường với giảng viên và sinh viên.

Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện chất lượng đào tạo mà còn mở ra cơ hội để sinh viên tiếp cận với các công cụ hỗ trợ thông minh một cách hiệu quả, từ đó phát triển tư duy và nền tảng chuyên môn vững chắc.

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành kỳ vọng sẽ đào tạo ra một thế hệ sinh viên khối ngành sức khỏe năng động, sáng tạo, có đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ.

Thúy Hiền