Doanh nghiệp ngày càng đặt nhiều tiêu chuẩn khi tuyển dụng nhân sự ngành Dược

16/02/2025 06:29
An Vy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo GS.TS Trần Thành Đạo, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu ngành Dược học còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong quy trình đấu thầu.

Ngành Dược học đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế, tập trung vào nghiên cứu, phát triển, sản xuất, kiểm nghiệm và phân phối dược phẩm nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thuốc, dược sĩ còn tham gia vào các lĩnh vực như dược lâm sàng, tư vấn sử dụng thuốc an toàn, quản lý dược và nghiên cứu khoa học. Với nhu cầu nhân lực ngày càng tăng, sinh viên ngành Dược học có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại bệnh viện, công ty dược phẩm, viện nghiên cứu và hệ thống y tế cùng mức lương cạnh tranh và chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Cử nhân ngành Dược học phải học trong 5 năm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Đạo - Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình đào tạo ngành Dược học tại trường được thiết kế gồm 170 tín chỉ, thời gian đào tạo 5 năm với 4 đặc trưng nổi bật.

Một là giáo dục liên ngành. Đây là mục tiêu quan trọng trong giáo dục của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và khoa Dược có lợi thế trong việc phối hợp chặt chẽ với các ngành khác, đặc biệt trong lĩnh vực Dược lâm sàng và Giáo dục liên chuyên ngành (IPE).

Nhờ đó, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm với bác sĩ và điều dưỡng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, tạo nền tảng vững chắc cho công việc sau này.

Hai là chương trình đào tạo đa lĩnh vực. Sinh viên ngành Dược học được trang bị kiến thức toàn diện từ phân lập, tổng hợp, chiết xuất, bào chế, kiểm nghiệm đến dược lý, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn của ngành.

Chương trình giảng dạy không chỉ giúp dược sĩ nắm vững chuẩn năng lực nghề nghiệp tại Việt Nam mà còn tạo điều kiện để họ hội nhập với khu vực và thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực y dược.

Ba là đào tạo theo định hướng chuyên sâu. Trong năm cuối, sinh viên có thể lựa chọn một trong hai định hướng là khoa học Dược hoặc chăm sóc Dược, tùy theo nguyện vọng nghề nghiệp sau khi ra trường.

Sự phân hóa này giúp sinh viên phát triển chuyên môn sâu hơn, đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn của ngành. Đồng thời, các cơ sở tuyển dụng có thể sử dụng ngay nguồn nhân lực chất lượng cao mà không mất thêm thời gian đào tạo lại về kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

Bốn là chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Năm 2021, chương trình đào tạo Y khoa và Dược học của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn AUN-QA (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á).

Đồng thời, chương trình đã trải qua quá trình đánh giá ngoài bởi tổ chức kiểm định chương trình đào tạo Dược, thuộc Hiệp hội các trường đại học Dược khối Pháp ngữ (CIDPHARMEF) vào các năm 2014, 2019 và 2024. Việc kiểm định và đánh giá theo chu kỳ 5 năm khẳng định chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sinh viên trong quá trình học tập và hội nhập nghề nghiệp.

gs.ts tran thanh dao.png
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Đạo - Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

Theo thầy Đạo, ngành Dược học tại Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh không có sự phân biệt về giới tính trong tuyển sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng sinh viên nữ thường chiếm tỷ lệ cao hơn sinh viên nam và tỷ lệ trung bình nam/nữ là khoảng 1:2. Cụ thể, trong năm học 2024-2025, ngành Dược học tại trường có tổng 921 sinh viên nữ và 856 sinh viên nam.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Dược học chất lượng cao. Riêng tại Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 105 giảng viên, toàn bộ đều có trình độ sau đại học. Trong đó, có 3 giáo sư, 30 phó giáo sư, 30 tiến sĩ và 42 thạc sĩ.

“Nhà trường đã và đang triển khai nhiều chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, từ tuyển dụng tiến sĩ, tạo nguồn trợ giảng đến phát triển chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Giảng viên không chỉ cần có trình độ chuyên môn vững vàng mà còn phải liên tục cập nhật kiến thức mới, áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn ngành nghề.

Nhà trường thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Về chuyên môn, giảng viên được hỗ trợ học lên cao, tham gia nghiên cứu khoa học và hội thảo quốc tế. Trường cũng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học uy tín để trao đổi giảng viên, sinh viên và nghiên cứu khoa học”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Đạo cho hay.

Đặc biệt, khi theo học ngành Dược học, cơ hội việc làm rất đa dạng, mở ra nhiều hướng phát triển cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các dược sĩ có thể tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng; làm dược sĩ lâm sàng tại bệnh viện, nhà thuốc; trở thành chuyên gia hoặc nhân viên trong các nhà máy sản xuất thuốc với các vai trò nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, bảo quản.

Ngoài ra, cử nhân ngành Dược học có cơ hội làm việc tại các công ty phân phối thuốc, nguyên liệu, tá dược, sản phẩm y tế hoặc đảm nhiệm vị trí trong các cơ quan quản lý nhà nước về dược như Sở Y tế, Trung tâm/Viện kiểm nghiệm thuốc.

anh minh hoa nganh duoc.png
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trà My)

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cũng cần trang bị các kỹ năng thiết yếu như kỹ năng tự học, nghiên cứu, giao tiếp hiệu quả, sử dụng công nghệ thông tin và làm việc nhóm.

Trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, năng lực tự học và khả năng làm việc nhóm ngày càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, đối với dược sĩ lâm sàng làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh; kỹ năng phối hợp liên ngành với bác sĩ, điều dưỡng và các chuyên gia y tế khác cũng là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc sức khỏe.

Doanh nghiệp đề ra các tiêu chí đánh giá ứng viên ngành Dược học

Trong bối cảnh ngành Dược học không ngừng mở rộng, đổi mới và chịu tác động mạnh mẽ từ sự phát triển của khoa học – công nghệ, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng và đặt nhiều tiêu chuẩn hơn trong việc tuyển dụng nhân sự.

Theo Thạc sĩ, Dược sĩ Hà Đức Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC, khi tuyển dụng nhân sự, doanh nghiệp thường đề ra 7 tiêu chí quan trọng bao gồm:

Thứ nhất, bằng cấp và chứng chỉ hành nghề là yêu cầu tiên quyết. Nhà tuyển dụng cần kiểm tra kỹ lưỡng các chứng chỉ để đảm bảo ứng viên có đủ điều kiện hành nghề theo quy định pháp luật.

Thứ hai, kinh nghiệm làm việc thực tế là một lợi thế lớn. Doanh nghiệp ưu tiên những ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành Dược, đặc biệt ở các vị trí cần khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy. Đối với sinh viên mới ra trường, các chương trình thực tập và thực hành sẽ là điểm cộng quan trọng trong hồ sơ tuyển dụng.

Thứ ba, kỹ năng mềm là yếu tố không thể thiếu. Dược sĩ cần có khả năng giao tiếp tốt, làm việc nhóm hiệu quả và biết cách xử lý các tình huống phát sinh với bệnh nhân, khách hàng hoặc đối tác. Ngoài ra, kỹ năng giải quyết vấn đề và làm việc dưới áp lực cũng rất quan trọng trong môi trường y tế.

Thứ tư, đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò then chốt. Dược sĩ phải tuân thủ các quy tắc đạo đức trong ngành, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cộng đồng.

Thứ năm, khả năng học hỏi và cập nhật kiến thức là điều kiện cần thiết. Ngành Dược học luôn đổi mới, do đó, ứng viên cần có tinh thần cầu tiến, tham gia các khóa học chuyên môn và không ngừng trau dồi kiến thức.

Thứ sáu, sự phù hợp với văn hóa tổ chức là yếu tố quan trọng giúp dược sĩ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng cần đánh giá khả năng thích nghi và tinh thần hợp tác của ứng viên để đảm bảo một môi trường làm việc hiệu quả.

Cuối cùng, việc kiểm tra kỹ năng chuyên môn qua các bài kiểm tra hoặc thực hành thực tế sẽ giúp doanh nghiệp xác định chính xác năng lực của ứng viên. Đồng thời, doanh nghiệp cũng linh hoạt trong tuyển dụng để thu hút và giữ chân nhân tài.

Tóm lại, việc áp dụng các tiêu chí trên không chỉ giúp doanh nghiệp chọn được nhân sự phù hợp mà còn tạo điều kiện để ứng viên phát triển và cống hiến lâu dài trong lĩnh vực dược phẩm.

Tương lai nào cho ngành Dược học?

Bên cạnh những lợi thế vượt trội từ chương trình đào tạo tiên tiến, cơ hội việc làm rộng mở và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Đạo cho biết, ngành Dược học vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.

Một trong những vấn đề đáng chú ý là hệ quả từ đại dịch Covid-19, dù đã được kiểm soát hoàn toàn nhưng tác động của nó đối với hệ thống y tế, chuỗi cung ứng dược phẩm và hoạt động đào tạo vẫn còn kéo dài. Việc khắc phục hoàn toàn những ảnh hưởng này đòi hỏi thời gian cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp dược phẩm và hệ thống y tế.

“Ngoài ra, công tác đầu tư, mua sắm vật tư và thiết bị chuyên sâu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo ngành Dược học vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do phải chờ đợi các thông tư hướng dẫn mới liên quan đến quy trình đấu thầu và mua bán. Điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Các cơ sở thực hành cho sinh viên ngành Dược học cũng đang dần bị thu hẹp do sự phát triển nhanh chóng về số lượng các trường đào tạo chuyên ngành này trên cả nước, dẫn đến áp lực lớn trong việc tìm kiếm địa điểm thực hành phù hợp.

Các cơ sở sản xuất thuốc vốn là môi trường thực hành quan trọng giúp sinh viên tiếp cận thực tế quy trình sản xuất đang ngày càng hạn chế tiếp nhận sinh viên do yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện môi trường, an toàn và tiêu chuẩn sản xuất dược phẩm.

Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho công tác đào tạo, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để tìm ra giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo sinh viên có đủ điều kiện thực hành, đáp ứng tốt yêu cầu thực tế của ngành nghề”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Đạo thông tin.

ha duc cuong.png
Thạc sĩ, Dược sĩ Hà Đức Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC. (Ảnh: NVCC)

Đánh giá về sự phát triển nguồn nhân lực ngành Dược học, Thạc sĩ, Dược sĩ Hà Đức Cường nhận định, lĩnh vực này đã có những bước tiến đáng kể so với trước kia, bao gồm quy mô đào tạo, chất lượng giảng dạy và cơ hội việc làm.

“Trước đây, ngành Dược nói chung chủ yếu tập trung vào sản xuất và phân phối thuốc theo công thức có sẵn nhưng hiện nay đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển dược phẩm, công nghệ sinh học, quản lý dược, dược liệu và y học cổ truyền.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng không ngừng được nâng cao với sự cải tiến cả về trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng thực tiễn. Các trường đại học không chỉ giảng dạy lý thuyết mà còn đẩy mạnh thực hành, nghiên cứu khoa học và đào tạo kỹ năng quản lý.

Tuy nhiên, trong thực tế, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược phẩm như tại Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC thường phải đào tạo lại dược sĩ sau khi tuyển dụng.

Nguyên nhân là do chương trình đào tạo tại các trường đại học bao quát nhiều lĩnh vực, trong khi môi trường làm việc thực tế tại doanh nghiệp đòi hỏi chuyên môn sâu hơn về sản xuất, quản lý chất lượng và kinh doanh dược phẩm. Việc tiếp cận công việc thực tế của sinh viên còn nhiều hạn chế do chương trình hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh.

Sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp thường tổ chức đào tạo định kỳ cho dược sĩ thông qua các chương trình đào tạo trong và ngoài doanh nghiệp. Một số vị trí quan trọng thậm chí yêu cầu dược sĩ tham gia các lớp học sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc.

Việc đào tạo này không chỉ giúp dược sĩ nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành dược phẩm”, ông Hà Đức Cường cho hay.

opc.png
Các dược sĩ của Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC tư vấn sản phẩm tại Không gian giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2024 (GRECO 2024). (Ảnh: Website công ty)

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ, Dược sĩ Phan Nguyễn Trường Thắng, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển - Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Chất lượng nguồn nhân lực ngành Dược học trong những năm gần đây đã có những chuyển biến đáng kể, đặc biệt là về tư duy và khả năng tiếp cận công nghệ mới.

Lực lượng trẻ trong ngành đã nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn. Tuy nhiên, để đáp ứng ngay yêu cầu của công tác nghiên cứu, chuyên môn vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu thuốc, đảm bảo và kiểm tra chất lượng dược phẩm. Điều này đòi hỏi sự đầu tư hơn nữa vào đào tạo chuyên sâu và thực hành thực tiễn để nâng cao năng lực đội ngũ dược sĩ trong tương lai”.

Bên cạnh đó, cơ hội việc làm của ngành Dược học tại Việt Nam đang mở rộng do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, sự đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường dược phẩm trong nước.

Những lĩnh vực có tiềm năng thu nhập tốt trong tương lai bao gồm dược sĩ lâm sàng, dược sĩ cộng đồng, nghiên cứu và phát triển dược phẩm, kinh doanh – marketing dược cùng với ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực Y Dược.

Theo ông Phan Nguyễn Trường Thắng, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, nhân lực ngành Dược học trong tương lai không chỉ cần chuyên môn sâu mà còn phải trang bị các kỹ năng thiết yếu như ứng dụng công nghệ, ngoại ngữ, giao tiếp và làm việc nhóm. Nếu sinh viên ngành Dược học chủ động rèn luyện và nâng cao những kỹ năng này, cánh cửa nghề nghiệp sẽ luôn rộng mở.

anh minh hoa duoc 2.png
Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Chia sẻ thêm về tương lai của ngành Dược học, ông Hà Đức Cường nhận định, lĩnh vực này đang đứng trước nhiều triển vọng đầy hứa hẹn, được thúc đẩy bởi sự tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và chính sách y tế đổi mới. Dân số toàn cầu già hóa kéo theo sự gia tăng của các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường và tim mạch khiến nhu cầu về các loại thuốc mới, hiệu quả hơn tăng mạnh, đòi hỏi phải đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ sinh học đang giúp rút ngắn thời gian phát triển thuốc, giảm chi phí và nâng cao độ chính xác trong thử nghiệm lâm sàng.

Ngoài ra, sự hỗ trợ từ các chính sách mới từ Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của ngành. Cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngày càng tăng, đặc biệt là dược sĩ, kỹ sư vận hành hệ thống sản xuất và chuyên gia nghiên cứu.

Nhìn chung, trong 5 - 10 năm tới, ngành Dược học sẽ có những bước tiến vượt bậc nhờ đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tăng cường nghiên cứu và sự hỗ trợ từ chính phủ. Đây là thời cơ quan trọng cho những ai mong muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này.

An Vy