Biển xe, số nhà và chuyện tuổi trẻ tài cao

21/09/2017 06:52
Xuân Dương
(GDVN) - Giữ gìn sự trong sạch của bản thân chính là chiếc “thuẫn” tốt nhất để không bị bất kỳ chiếc “mâu” nào đâm thủng.

Cánh lắm tiền mua xế hộp thường chọn biển xe có các số cuối mệnh danh là thần tài (39, 79), lộc phát (68), biển tiến (1234) hay biển gánh kèm thần tài (9339), biển tứ quý (1111, 2222,…, 9999).

Biển xe, số nhà và chuyện tuổi trẻ tài cao ảnh 1

Quân vương - logic của nghịch lý

Có một dạo người ta còn cộng các số trong biển xem hàng đơn vị của tổng các chữ số là bao nhiêu, nếu rơi vào số sinh (1,3,5,7,9) là tốt, rơi vào số tử (2,4,6,8) là không tốt, đặc biệt số 4 lại rơi vào bước “tử” trong “sinh, lão, bệnh, tử” nên phải tránh.

Tuy vậy có người cẩn thận cho rằng, số 9 là “cửu” chỉ dành cho vua - long bào thêu 9 rồng, vua ngồi ở “cửu trùng”, thượng đế ở 9 tầng mây…, người trần mắt thịt chỉ nên chọn số 7.

Còn “tứ quý” tức là bốn số giống nhau, tổng bốn chữ số này luôn chia hết cho 4 nghĩa là rơi vào “đại kỵ”.

Loài người tử cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam khi làm bậc cầu thang trong nhà, số bậc cầu thang trong mỗi tầng không bao giờ chia hết cho 4.

Sở dĩ nguyên tắc này được tuân thủ ngặt nghèo vì khi bước lên cầu thang, người ta đi theo nhịp “sinh, lão, bệnh, tử”, nếu số bậc chia hết cho 4 tức là bước chân vào tầng trên sẽ là bước “tử”, cũng vì thế chỉ có trọc phú mới chọn biển tứ quý vì tổng của bốn chữ số giống nhau bao giờ cũng chia hết cho 4, biển tứ quý 9999 chỉ cho thấy mức độ “ngông” chứ không phải sang.

Biển xe, số nhà và chuyện tuổi trẻ tài cao ảnh 2

"Cái thùng rỗng, gõ thì kêu rất to nhưng trong ruột chả có gì cả"

Chuyện biển xe khiến mấy ông già “lẩm cẩm” liên tưởng đến các con số 43, 45, 47.

Số 43 có tổng là 7 là số tốt, số 45 tổng là 9 tức là dành cho vua, dân tuyệt đối không nên dùng, quan mà sử dụng là bất kính, còn đến số 47 thì tổng là 11, phần số lẻ là 1 nên rơi vào “một tịt”, tức là quay về hạng bét.

Nói chuyện tào lao một chút để bạn đọc đỡ đau đầu trước khi đề cập đến vấn đề thời sự mấy hôm nay.

Thu thập kể cho vui, mong quý độc giả chỉ nên coi đó là “lời nói gió bay”, đừng quá “mê tín dị đoan”, còn ai tin vào luật “nhân quả” mà kiêng khem thì cũng chẳng hại gì, các cụ dạy “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Người viết không hiểu sao lại có sự trùng hợp giữa cái biển xe có bốn số đuôi 9999 và mấy cái số nhà ở Đà Nẵng với những câu chuyện “tào lao” vỉa hè như vậy.

Bàn về nhân tình thế thái Đà Nẵng, người viết đã có vài bài đăng trên Giaoduc.net.vn như “Trời thương không đưa bão tới, sao người lại tự tạo mưa dông?” [1]; “Quan thiếu “gió tươi”, dân thừa ô nhiễm” [2]; Trả xe và … chôm trứng. [3]

Dự cảm về việc đội ngũ công bộc của dân ở Đà Nẵng đang “tự tạo mưa dông” không ngờ lại đến sớm như vậy khi mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận cả Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng đều mắc sai phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo, điều hành và lối sống đến mức phải xem xét kỷ luật.

Nói đến lối sống tức là lời ăn, tiếng nói, là sự trung thực và tư cách đạo đức, nó không bao hàm tài năng lãnh đạo.

Khi một người chỉ cần một năm ba tháng để hoàn thành luận án lấy bằng tiến sĩ thì người đó có thể là một tài năng xuất sắc nếu học tập ở trường/viện có uy tín khoa học được thế giới công nhận.

Ngược lại, nếu nơi cấp văn bằng chỉ là tổ chức lừa đảo trá hình cơ sở giáo dục, bán bằng lấy tiền thì đương nhiên người cầm tấm văn bằng đó không thể là người đứng đắn.

Việc người Việt “mua” bằng tiến sĩ không biết nhiều đến mức nào nhưng chắc chắn là không ít.

Ngày 2/10/2008, nguyên Phó Bí thư trường trực tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Ngọc được Tỉnh ủy Yên Bái cử theo học khóa đào tạo tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Nam Thái Bình Dương.

Biển xe, số nhà và chuyện tuổi trẻ tài cao ảnh 3

Rởm ở "xứ ZÔ"

Đến tháng 3/2009, ông Ngọc báo cáo hoàn thành khóa học và có đơn đề nghị tỉnh Yên Bái hỗ trợ một phần kinh phí.

Sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định cử đi học ông Ngọc có bằng tiến sĩ mang về, đơn giản vì Đại học Nam Thái Bình Dương được mệnh danh là một “xưởng in bằng giả” tầm cỡ thế giới và người viết đã tiếp xúc không ít “Tiến sĩ Nam Thái Bình Dương” kiểu như ông Ngọc.

Trong danh sách 21 đại học “ma” được công bố có khoảng 10 trường nằm ở bang California.

Bằng tiến sĩ do Đại học Nam California cấp (California Southern University - CSU) không hay chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tại Việt Nam là điều mà dư luận đang có cách hiểu khác nhau.

Việc công nhận văn bằng do nước ngoài cấp là trách nhiệm của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên hiện nay chưa có những thỏa thuận về công nhận văn bằng tương đương giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Thông tin cho hay Hiệp hội các trường học, đại học và cao đẳng khu vực phía Tây nước Mỹ (Western Association of Schools and Colleges - WASC) đã cấp chứng chỉ chất lượng cho CSU và trường này được xếp cùng nhóm với các trường khác như Đại học California ở Berkeley, Đại học California Irvine, Đại học California tại Los Angeles, Đại học Stanford… [4]  

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Xuân Anh ghi:

Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm”.

Để hiểu rõ kết luận trên có mâu thuẫn với việc CSU được cấp chứng chỉ quốc gia (National Accreditation) năm 2010 và chứng chỉ vùng ((regional accreditation) năm 2015 hay không cần xem xét thời điểm ông Xuân Anh được cấp bằng tiến sĩ, đó là vào năm 2006, trước 4 năm khi CSU được cấp chứng chỉ quốc gia và trước 9 năm khi CSU được cấp chứng chỉ vùng.

Rõ ràng là ông Xuân Anh nhận bằng tiến sĩ khi CSU chưa được cấp chứng chỉ chất lượng và do đó tấm bằng này chưa được xác nhận “chất lượng”, việc không công nhận tại Việt Nam là hợp lý.

Tuy nhiên sau năm 2015, nếu không công nhận văn bằng do CSU cấp thì phải có những lý do cụ thể.

Biển xe, số nhà và chuyện tuổi trẻ tài cao ảnh 4

Ông Nguyễn Xuân Anh, ông Huỳnh Đức Thơ sẽ bị kỷ luật thế nào?

Xin lưu ý thêm là ngay cả khi văn bằng do các cơ sở giáo dục chất lượng rất cao, được quốc tế thừa nhận cấp thì người sở hữu vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là phải thực hiện theo các quy định tại “Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-BGDĐT” công bố ngày 16/6/2014 tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. [5]

Những trường hợp công dân Việt Nam có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp nhưng chưa làm thủ tục công nhận văn bằng thì văn bằng đó “chưa được công nhận” chứ không phải là “không được công nhận”.

Vấn đề với ông Xuân Anh có lẽ chủ yếu không ở văn bằng vì sai phạm văn bằng của ông Xuân Anh còn “nhẹ” hơn nhiều so với ông Nguyễn Văn Ngọc (Yên Bái).

Vấn đề nằm ở sự trung thực của người đảng viên, của một lãnh đạo cao cấp và vai trò của tổ chức Đảng cơ sở.

Ông Xuân Anh không thể “ngây thơ” đến mức tin rằng doanh nghiệp “tặng” ôtô cho Thành ủy Đà Nẵng là hoàn toàn vô tư, càng không thể “ngây thơ” khi bóc số nhà 45 rồi gắn biển số 43 chung cho hai nhà là coi như “chỉ có một nhà” khi mà quyền sở hữu nhà số 45 (đường Nguyễn Thái Học, quận hải Châu) chưa được làm rõ.

Ngoài ra liệu có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi người sử dụng ngôi nhà số 47 lại trùng tên với vợ Bí thư Xuân Anh - Bùi Thị Diễm.

Cũng nên đặt câu hỏi là việc ghép hai nhà vào một số có làm mất đi số nhà 45?

Nếu có thì việc để số nhà nhảy cách từ 43 đến 47 do đơn vị nào thực hiện, điều này có trái quy định về quản lý đô thị và chính quyền Đà Nẵng đã đánh lại số nhà thuộc dãy phố có nhà ông Xuân Anh chưa?

Biển số nhà 43 nằm chèn sang nhà bên cạnh (ảnh cắt từ clip của Vtc.vn)
Biển số nhà 43 nằm chèn sang nhà bên cạnh (ảnh cắt từ clip của Vtc.vn)

Bàn luận về các “biểu hiện sai phạm” của Bí thư Nguyễn Xuân Anh lúc này là không cần thiết vì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ tất cả.

Có hai vấn đề nên được phân tích, làm rõ:

Thứ nhất, trước khi ông Xuân Anh trở thành Bí thư Thành ủy và trúng cử Ủy viên Trung ương, vì sao sử dụng bằng cấp không chuẩn mà ông Xuân Anh vẫn được đề cử và trúng cử?

Có phải việc xem xét hồ sơ, lý lịch cán bộ chưa được làm nghiêm túc, đặc biệt là với người sử dụng văn bằng do nước ngoài cấp hay là do tin tưởng “truyền thống gia đình” nên khâu xem xét sự trung thực của cán bộ bị xem nhẹ, thậm chí là bị bỏ qua?

Người/cơ quan giới thiệu ông Xuân Anh có trách nhiệm gì trong việc thẩm tra lý lịch, nếu ngay từ đầu phát hiện đương sự: “Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực” thì liệu ông Xuân Anh có trúng cử Trung ương ủy viên và làm Bí thư thành phố?

Hiện tượng “Xuân Anh” có gì giống và khác nhau so với một vài đại biểu Quốc hội bị miễn nhiệm vai trò đại biểu vì sai phạm dù trước đó những người này đã qua hiệp thương xem xét, đề cử?.

Biển xe, số nhà và chuyện tuổi trẻ tài cao ảnh 6

Kính thưa các “đồng chí chưa bị lộ”…

Liên quan đến vai trò tổ chức đảng cơ sở trong vụ việc ông Xuân Anh, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng:

Đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đưa vào Trung ương, cấp ủy cũng phải nghiêm khắc để thấy được công tác cán bộ còn sơ suất, thiếu sót, còn kẽ hở, để lọt vào Trung ương, cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn”. [6]

Nhận định của ông Nguyễn Trọng Phúc là hoàn toàn chính xác khi gần đây, hàng loạt cán bộ tầm cỡ ở các Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải, các ngành Ngân hàng, Dầu khí,… lãnh đạo một số tỉnh và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ có người bị khai trừ, bị kỷ luật hoặc phải đứng trước vành móng ngựa.

Liệu kết luận “tồn tại nhóm lợi ích thao túng công tác cán bộ” trong việc quy hoạch cán bộ nguồn, bổ nhiệm, luân chuyển nhân sự, trong các cuộc bầu cử có phải là kết luận vội vàng, chưa đủ chứng cứ?

Thứ hai, muốn hiểu con đường “tất yếu” mà ông Xuân Anh khó có thể tránh khỏi sau khi ông trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Ủy viên Trung ương, cần phải biết di sản mà ông kế thừa từ các thế hệ trước là gì?

Ông Nguyễn Bá Thanh - cựu Bí thư Thành ủy - khi rời Đà Nẵng phát biểu: “Tôi đi, nhiều giám đốc sở mừng lắm!" (nld.com.vn 01/04/2013).

Ông Trần Thọ - nguyên Bí thư Đà Nẵng nói: “Tôi biết thời gian qua, tôi có nhiều quyết sách khá mạnh tay, tuy được lòng dân nhưng lại mất lòng một số người…” (Tienphong.vn 18/07/2015).

Năm 2013 Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai tại Đà Nẵng.

Theo đó, chính quyền thành phố đã có nhiều vi phạm trong quản lý điều hành, ban hành chính sách khiến ngân sách thất thu nhiều nghìn tỷ đồng. [7]

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội sáng 8/4/2015, ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng - cho hay: 

Khi rà soát bước đầu về đất tái định cư thì phát hiện trên địa bàn còn thừa hơn 14.000 lô.

Nhưng đến nay, khi tập trung rà soát lại lần nữa thì phát hiện các Ban quản lý dự án “giấu” tới 17.000 lô đất tái định cư chứ không chỉ trên 14.000 lô”. (Infonet.vn 11/4/2015).

Biển xe, số nhà và chuyện tuổi trẻ tài cao ảnh 7

Que diêm, lò nóng và củi tươi

Với một thành phố mà câu chuyện nội bộ được những người lãnh đạo cao nhất “thổ lộ” như trên, việc chọn người đứng mũi chịu sào theo kiểu “Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn” liệu có phải là cách làm hợp lý?

Tâm lý “ao nhà” gắn với người nông dân Việt qua hàng nghìn đời, dù vậy người nông dân vẫn luôn cảnh giác khi khuyên con cháu đừng “gửi trứng cho ác”.

Một khi “Trứng” là người trẻ chưa dày kinh nghiệm, được đặt trên ngọn đũa thì đứng vững là điều vô cùng khó khăn, nhất là khi “Ác” ở đây không phải là “quạ” mà là lợi ích vật chất, là quyền lực, là phe nhóm, là những “cáo già thương trường” sẵn sàng “thả con săn sắt, bắt con cá rô”.

Khi người ta ngộ nhận về năng lực và quyền hạn của mình thì vấp ngã là điều khó tránh.

Vấn đề là lỗi không chỉ thuộc về đương sự mà còn bởi sự “hậu thuẫn” nào đó khiến cho một người chưa được chuẩn bị nhưng lại vội vã đặt vào chiếc ghế quyền lực cao nhất địa phương.

Khi các “nhóm lợi ích” vẫn còn là những thế lực đủ mạnh, khi các biện pháp xử lý sai phạm chủ yếu vẫn là “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì chuyện ai đó bỗng nhiên “bừng sáng” hay đột ngột rơi vào thảm cảnh không phải là điều bất thường.

Được biết ông Nguyễn Xuân Anh cùng với ông Nguyễn Thanh Nghị là hai Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy “trẻ” nhất nước.

Tin tưởng đưa người trẻ vào vị trí lãnh đạo phải kèm theo quá trình theo dõi, giúp đỡ, uốn nắn, nếu “thả rông” thì không chỉ mất cán bộ mà còn mất niềm tin của dân vào cán bộ, vào thể chế.

Nói thế nhưng vẫn phải khẳng định, những gì mà hai ông Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ phải nhận là do chính hai người tạo ra, không có “lửa” thì làm gì có “khói”.

Những người thiếu bản lĩnh rất dễ trở thành đối tượng bị người khác lợi dụng hoặc công kích.

Giữ gìn sự trong sạch của bản thân chính là chiếc “thuẫn" tốt nhất để không bị bất kỳ chiếc “mâu” nào đâm thủng.

Biết thế nhưng ở đời, chẳng có chiếc “thuẫn” nào là không thể đâm thủng và cũng chẳng có chiếc “mâu” nào không thể bẻ gãy.

Tiếc cho những gì đang xảy ra, tiếc cho niềm tin của người dân Đà Nẵng và cả nước vào một số người mà báo chí từng hết lời ca ngợi là “tuổi trẻ tài cao”.

Nhưng cũng vui vì như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Troi-thuong-khong-dua-bao-toi-sao-nguoi-lai-tu-tao-mua-dong-post160280.gd

[2] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Quan-thieu-gio-tuoi-dan-thua-o-nhiem-post170112.gd

[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Tra-xe-va--chom-trung-post174949.gd

[4]http://vtc.vn/dai-hoc-my-cap-bang-cho-ong-nguyen-xuan-anh-la-truong-nao-d350924.html

[5] http://congbao.chinhphu.vn/thuoc-tinh-van-ban-so-21-vbhn-bgddt-11386?cbid=7094

[6] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/ong-nguyen-xuan-anh-sai-pham-ke-ho-cong-tac-can-bo-da-nang-khong-nhu-xua-399424.html

[7] http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Cong-bo-ket-luan-thanh-tra-ve-quan-ly-su-dung-dat-dai-tai-Da-Nang/159740.vgp

Xuân Dương