Giáo dục nghề nghiệp - Cẩn thận không hai chân đều… thọt

21/04/2021 06:05
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phân luồng học sinh sau trung học là chủ trương đúng đắn, cần được thực hiện đồng bộ, khoa học chứ không phải theo mong muốn chủ quan hoặc nhu cầu phi giáo dục.

Chủ trương phân luồng học sinh sau trung học (bao gồm cả hai bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông) được hiểu là hướng một bộ phận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc đang học trung học phổ thông chuyển sang học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động.

Theo quy định tại Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước toàn bộ mảng giáo dục nghề nghiệp, trừ các trường trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm.

Giáo dục nghề nghiệp bao gồm ba trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề được cấp bằng “Cử nhân thực hành” hoặc “Kỹ sư thực hành”.

Số học sinh sau trung học, đặc biệt là những người tốt nghiệp trung học cơ sở (hết lớp 9) tình nguyện gia nhập hàng ngũ “phân luồng” thường rơi vào một trong ba trường hợp:

- Gia đình có khó khăn về kinh tế;

- Học lực yếu hoặc không vượt qua các kỳ thi tuyển bậc đại học;

- Đam mê một lĩnh vực khoa học, công nghệ nào đó nên chuyển sang học nghề.

Truyền thống của người Việt là dành mọi nguồn lực cho việc học tập của con em, do vậy số học sinh sau trung học cơ sở phải đi học nghề do gia đình gặp khó khăn kinh tế hoặc do sở thích cá nhân về nghề nghiệp chiếm tỷ lệ không cao, vì thế có cơ sở để cho rằng không ít học sinh chuyển sang học nghề do học lực có vấn đề.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp là vấn đề được quan tâm hiện nay. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn)

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp là vấn đề được quan tâm hiện nay. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn)

Phân luồng học sinh sau trung học là chủ trương đúng đắn, cần được thực hiện một cách đồng bộ, khoa học chứ không phải theo mong muốn chủ quan hoặc những nhu cầu phi giáo dục được ngụy trang dưới nhiều hình thức, chẳng hạn kêu gọi học sinh chuyển sang học nghề để duy trì sự tồn tại của cơ sở giáo dục nghề nghiệp,…

Tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vừa học nghề vừa học văn hóa nhằm mục đích tiếp tục học liên thông lên bậc cao hơn là chủ trương nhân văn ít người phản đối.

Tuy nhiên, những phân tích kỹ lưỡng về việc học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vừa học trung cấp nghề vừa học văn hóa nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra chắc chắn không phải là thừa.

Điều 4, Công văn số 668/TCGDNN-ĐTCQ “Hướng dẫn công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo năm 2019” của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (TCGDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định những người tốt nghiệp trung học cơ sở có nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng phải hoàn thành đồng thời chương trình trình độ trung cấp và chương trình văn hóa trung học phổ thông (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Trong Công văn 668/TCGDNN-ĐTCQ, kiến thức văn hóa mà cả ba nhóm ngành, nghề đều phải học có thời lượng từ 1020 - 1260 tiết.

Nhóm I học 04 môn (Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn), nhóm II học 05 môn (Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, Sinh vật), nhóm III học 06 môn (Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).

Chương trình giáo dục thường xuyên (áp dụng cho khối trung học cơ sở và trung học phổ thông) quy định mỗi năm học phải có ít nhất 32 tuần thực học (mỗi học kỳ là 16 tuần).

Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định thời gian học trung cấp là 02 năm tức là 04 học kỳ, như vậy mỗi học kỳ học sinh nhóm 1 phải học từ 90-120 tiết Toán, 50-60 tiết Lý, 50-60 tiết Hóa và 60-75 tiết Ngữ văn,...

Được biết học sinh các lớp 10-12 mỗi tuần học 04 tiết toán, một học kỳ (17 tuần) học chưa đến 70 tiết toán.

Không biết sinh viên các trường đại học khối kỹ thuật có bị “nhồi nhét” từ 90-120 tiết toán một học kỳ như học sinh mới học hết lớp 9 theo học trình độ trung cấp nghề?

Tên môn học

Nhóm I (số tiết)

Nhóm II (số tiết)

Nhóm III (số tiết)

Toán

360 - 480

360

270 - 270 - 315

Vật lý

210 - 240

90 - 180

90

Hóa học

210 - 240

195 - 240

90

Sinh vật

0

135 - 180

0

Ngữ văn

240 - 300

240 - 300

300 - 405

Lịch sử

0

0

135 - 180

Địa lý

0

0

135 - 180

Tổng số

1020 - 1260

1020 - 1260

1020 - 1260

Số môn học và thời lượng theo quy định tại công văn 668/TCGDNN-ĐTCQ

Vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa có thể xem như cách dạy dỗ để học sinh có thể “đi bằng hai chân”. Vấn đề là nếu chất lượng đào tạo không như mong đợi thì phải chăng chúng ta đang đào tạo ra một lớp người hoặc là thọt hoặc là khoằng khèo?

Hiểu theo dân gian, người bị “thọt” là người một chân lành, một chân bị tật, còn “khoằng khèo” là cả hai chân đều “thọt”.

Vậy chủ trương, chính sách, chương trình, nội dung, sách giáo khoa,… cách thức dạy nghề và dạy văn hóa hiện nay đã có cơ chế để đảm bảo không thể có chuyện “thọt” hoặc “khoằng khèo” với sản phẩm đào tạo?

Có một chân lý mà người không “khoằng khèo” ai cũng thừa nhận: “Bất kỳ bộ môn khoa học nào cũng có thể dạy, nhưng không phải bất kỳ người nào cũng có thể học”.

Chính vì thế vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 người ta đưa ra khái niệm “Chỉ số thông minh IQ” của con người (IQ: Intelligence Quotient).

Dựa vào chỉ số IQ, người ta phân cư dân thành 05 loại như sau:

IQ dưới 85, thuộc loại kém thông minh, chiếm tỷ lệ 16%

IQ từ 85-115, thuộc loại bình thường chiếm tỉ lệ 68%

IQ từ 115-130, thuộc loại thông minh chiếm tỉ lệ 14%

IQ từ 130-145, thuộc loại rất thông minh chiếm tỉ lệ 2%

IQ từ 145 trở lên, thuộc loại thiên tài hoặc cận thiên tài chiếm tỉ lệ 0,1%.

Một số nghiên cứu quốc tế đã công bố cho thấy chỉ số IQ trung bình của người Việt là 96, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á (sau Singapore) nhưng so với Hàn Quốc (106), Nhật Bản (110) thì chúng ta bị bỏ khá xa.

Vậy có phải không cần quan tâm đến trí thông minh, cứ quyết tâm thì chắc chắn học sinh trung cấp của chúng ta có thể học giỏi và đủ năng lực học lên đại học?

Vẽ lên viễn cảnh xán lạn về việc học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sau hai năm học trung cấp kết hợp học văn hóa, có thể liên thông lên học đại học chỉ nhằm mục đích phân luồng hay còn kết hợp với mong muốn duy trì sự tồn tại của cơ sở giáo dục nghề nghiệp?

Chỉ trong vòng 2 năm theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải học cả kỹ năng nghề lẫn văn hóa ba năm phổ thông (theo chương trình rút gọn) có phải là cách làm khoa học?

Có ý kiến còn cho rằng cách dạy và học này là theo phương pháp “vừa học vừa làm”!

Liệu có sự nhầm lẫn, rằng “vừa học vừa làm” là vừa đi làm, vừa theo học một chương trình nào đó ngoài giờ đi làm chứ không phải học nghề là “làm” còn học văn hóa là “học”.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà mọi người quen miệng nói là “cách mạng 4.0” đòi hỏi mọi thứ phải đổi mới hằng ngày và đổi mới tư duy là quan trọng nhất.

Bệnh ngụy thành tích” trong giáo dục đã khiến sự phát triển giáo dục Việt Nam chậm nhiều so với thế giới, bằng cách vẽ nên một ảo ảnh về chất lượng đào tạo nghề kết hợp với học văn hóa phổ thông, phải chăng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng đang đi theo vết xe hằn trên mặt đất?

Giáo dục bên cạnh việc khuyến khích con người học tập nâng cao trình độ cũng còn có nhiệm vụ chỉ cho con người thấy được thực lực của mình chứ không phải là tạo ra ảo vọng.

Đất nước đã làm rất tốt trong đại dịch Covid-19 bằng cách biến thách thức thành cơ hội. Trong lĩnh vực giáo dục, muốn biến thách thức thành cơ hội, người chèo lái cần lắng nghe mọi phản biện, cần thừa nhận các cá tính và sự khác biệt quan điểm như là động lực của sự phát triển theo quy luật của phép biện chứng.

Cần phải thấy rằng trong cuộc cách mạng 4.0, khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi thì lao động cơ bắp sẽ dần mất chỗ đứng, và cách đào tạo nửa nghề nửa văn hóa hiện nay liệu có phù hợp?

Xuân Dương