Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ! (2)

22/06/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Vấn đề bức xúc nhất đối với gần triệu viên chức giáo dục là các khoản đóng góp bắt buộc thi tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức và dự thi hoặc xét thăng hạng.

(Tiếp theo kỳ 1)

Vấn đề bức xúc nhất đối với gần triệu viên chức giáo dục là các khoản đóng góp bắt buộc khi tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức và dự thi hoặc xét thăng hạng.

Thứ nhất: Về lệ phí dự thi

Trong các thông báo tổ chức thi thăng hạng giáo viên, địa phương chỉ thông báo thu lệ phí thi mà không thông báo thu tiền các lớp học bồi dưỡng kiến thức, như vậy địa phương đã làm đúng luật.

Theo quy định tại Thông tư số 228/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính thì mức lệ phí thí sinh phải nộp dao động từ 500.000 đồng đến 1.400.000 đồng tùy theo số lượng thí sinh dự thi và ngạch thăng hạng.

Thứ hai: Về lệ phí xét thăng hạng

“Xét thăng hạng giáo viên” là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, việc yêu cầu giáo viên phải nộp lệ phí để được “xét thăng hạng” (như tại Quận 9 - Thành phố Hồ Chí Minh) phải chăng là bắt giáo viên trả công “làm tăng ca” cho công chức nhà nước?

Tìm hiểu trong Luật Phí và Lệ phí ban hành năm 2015 trong cả hai phụ lục danh mục phí và lệ phí, không có bất kỳ mục nào nói về phí, lệ phí trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

Trong luật có điều khoản giao Bộ Tài Chính ban hành quy định về “Phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức”.

Bộ Giáo dục không bắt thi thăng hạng, nhưng buộc giáo viên vẫn phải giữ hạng
Bộ Giáo dục không bắt thi thăng hạng, nhưng buộc giáo viên vẫn phải giữ hạng

Nội dung Thông tư số 228/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính là: “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức”.

Cả trong Luật Phí và Lệ phí và Thông tư của Bộ Tài chính không có bất kỳ từ ngữ nào gắn “lệ phí” với việc “xét thăng hạng”, từ đây có thể kết luận việc chính quyền thu lệ phí “xét thăng hạng” là việc làm tùy tiện, trái pháp luật.

Thứ ba: Lệ phí dự các lớp bồi dưỡng kiến thức thăng hạng

Báo Baovephapluat.vn, cơ quan của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong bài: “Ép cả nghìn giáo viên đi học bồi dưỡng trái quy định?” cho biết đầu năm học 2018 - 2019 Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình đã gửi công văn (số 79/PNV) tới các trường trên địa bàn “yêu cầu lập danh sách giáo viên trong biên chế phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hạng 3, hạng 2”.

“Công văn số 79/PNV do Phó trưởng phòng nội vụ ký ngày 10/9/2018 đã in đậm dòng chữ “là yêu cầu bắt buộc”… Học phí toàn khóa bồi dưỡng 240 tiết là 2,5 triệu đồng/một học viên. [8]

Tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân quận ban hành thông báo số 717/TB-GDĐT “Về tổ chức các lớp bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp 
Giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở”.

Thông báo quy định nếu số học viên đăng ký dự học ít hơn hoặc bằng 50 người thì lớp học phải nộp trọn gói 150 triệu đồng.

Thông báo kinh phí của Ủy ban Nhân dân quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh chụp màn hình)
Thông báo kinh phí của Ủy ban Nhân dân quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh chụp màn hình)

Có địa phương như huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, giáo viên đi học bồi dưỡng kiến thức chức danh nghề nghiệp không phải đóng học phí, kinh phí được Ủy ban nhân dân huyện trích từ nguồn ngân sách của địa phương.

Cùng một chủ trương nhưng lại có ba cách xử lý khác nhau trong việc học tập bồi dưỡng kiến thức, có nơi bắt buộc học kèm theo nộp lệ phí, có nơi không bắt buộc giáo viên đi học nhưng tham gia thì phải nộp lệ phí và có nơi không phải nộp lệ phí.

Nếu cả ngàn giáo viên đi học “bồi dưỡng” thì tiền thu theo kiểu đại trà (2,5 triệu đồng/ người), nếu ít người học (<=50 người) thì thu theo lớp, thí sinh tự chia nhau mà nộp!

Những “sáng kiến” nêu trên có nên xem là bình thường trong một nhà nước pháp quyền hay chỉ là “Lỗi văn bản” của các bộ, ngành, địa phương?

Liệu có thể cho rằng đây là một kiểu “bòn rút” số tiền lương ít ỏi của nhà giáo?

Mặt khác khi Phòng Nội vụ thông báo việc tham gia học bồi dưỡng kiến thức “là yêu cầu bắt buộc” thì phải chăng cơ quan chức năng đã sử dụng biện pháp “cưỡng bức” đối với viên chức giáo dục, điều mà pháp luật không cho phép?

Nói theo cách xưa nay vẫn nói, nhà giáo ở Tuyên Hóa – Quảng Bình bị buộc phải “học thêm” và cơ quan nhà nước thực hiện việc này là Phòng Nội vụ huyện?

Qua tham khảo thông tin, có thể thấy tại nhiều địa phương việc tổ chức thi thăng hạng được Ủy ban Nhân dân giao cho ngành Nội vụ chịu trách nhiệm, ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ góp phần với vai trò “diễn viên phụ”.

Lên chức, nâng lương và thăng hạng
Lên chức, nâng lương và thăng hạng

Một số nơi chính quyền chỉ thông báo kế hoạch “học thêm” chứ không ép buộc, ai không nộp tiền thì không được tham gia lớp học, một khi không tham gia bồi dưỡng thì nhà giáo có được tham gia thi thăng hạng?

Liệu đây có phải là biến tướng mà người ta gọi là “Cưỡng bức mềm”.

Thậm chí tại Quảng Ngãi, Sở Nội vụ còn bao sân trong việc ban hành quy định “danh mục tài liệu ôn thi thăng hạng”.

Được biết muốn thi hoặc xét thăng hạng nhà giáo phải có đủ “trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” của chức danh nghề nghiệp.

Vậy “năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” của chức danh nghề nghiệp nhà giáo thuộc về chuyên môn của ngành Giáo dục hay ngành Nội vụ. Vì sao ngay cả danh mục tài liệu ôn thi thăng hạng nhà giáo cũng do Sở Nội vụ quy định?

Dù các quy định mới được ban hành và thực hiện từ năm 2018, nhưng những quy định về thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo đã bộc lộ khá nhiều bất cập mà hàng triệu nhà giáo buộc phải chấp nhận.

Vấn đề còn lại là cùng với chuyện nhà giáo buộc phải “học thêm” thì ai được quyền “dạy thêm”?

Ngày 08/04/2019, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông báo danh sách 49 cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ “Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập”.

Thông báo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (ảnh chụp màn hình)
Thông báo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (ảnh chụp màn hình)

Như vậy 49 cơ sở giáo dục có tên trong danh sách chính thức được phép “dạy thêm” và họ tự đưa ra mức thu với người học.

Có nơi thu 2,5 triệu đồng/học viên, có nơi thu cao hơn và hình như cả Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đều không quy định thống nhất mức thu này.

Chắc chắn 49 cơ sở giáo dục nói trên không thể “ăn một mình” khoản lệ phí bồi dưỡng thăng hạng nhà giáo mà phải chia cho những đơn vị liên quan.

Những đơn vị “ép” được nhiều người đi học như Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình có được “lại quả” và mức “lại quả” thế nào là câu chuyện không phải ai cũng biết.

Tuy nhiên có điều không cần tinh ý lắm cũng nhận thấy, Bộ Tài chính không có quy định về lệ phí tham gia lớp học bồi dưỡng kiến thức thăng hạng chức danh nhà giáo nên “buộc” các cơ sở giáo dục phải tự “sáng tạo”.

Một trong những “sáng tạo” là nếu số học viên một lớp không quá 50 người thì cả lớp phải nộp 150 triệu đồng, nghĩa là tối thiểu mỗi người học phải nộp 3 triệu đồng.

Thầy cô cần nắm rõ các quy định này trước khi đăng ký học bồi dưỡng thăng hạng

Phê phán chuyện thày cô giáo “dạy thêm” nhưng chính các cơ quan thuộc quyền quản lý của Chính phủ lại bắt buộc nhà giáo phải “học thêm” và công khai cho phép một số cơ sở giáo dục được “dạy thêm”, phải chăng đây là cách điều hành khoa học, hợp lý phù hợp với mục tiêu “Xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo”?

Thiết nghĩ đã đến lúc Chính phủ phải đứng ra với vai trò “Trung gian hòa giải” giữa Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương để việc thăng hạng giáo viên thực hiện thống nhất trên cả nước và tuân thủ đúng các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Nếu việc xây dựng và ban hành các quy định tạo thuận lợi cho cơ quan công quyền nhưng đi ngược lại lợi ích của số đông nhà giáo thì có nên xem lại hoặc bãi bỏ?

Một chủ trương đúng phải được thể hiện bởi những quy định không có kẽ hở cho những người thích lách luật.

Khi người ta không lách luật mà làm trái luật còn những người có trách nhiệm lại không dám lên tiếng thì có nên để họ yên vị đến tận hoàng hôn nhiệm kỳ?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.nhandan.org.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/item/34774202-nhieu-giao-vien-khong-co-co-hoi.html

[2] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hieu-dung-du-ve-thang-hang-giao-vien-bai-1-bat-buoc-3994795-b.html

[3] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/thu-tien-hoc-thang-hang-giao-vien-la-vi-pham-thong-tu-so-262012ttbgddt-post199412.gd

[4] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/thu-tien-hoc-thang-hang-nhieu-dia-phuong-dang-di-nguoc-voi-luat-giao-duc-post199282.gd

[5] https://sonoivu.hanoi.gov.vn/nang-ngach/-/view_content/3040444-thong-bao-to-chuc-thi-thang-hang-giao-vien-mam-non-tieu-hoc-tu-hang-iv-len-hang-iii-thanh-pho-ha-noi-nam-2018.html

[6] http://vanban.quangngai.edu.vn/wp-content/uploads/2018/09/707-TB-TCCB.pdf

[7]http://tuyengiao.vn/giao-duc/xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-mam-non-tieu-hoc-115623

[8] https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/ep-ca-nghin-giao-vien-di-hoc-boi-duong-trai-quy-dinh-60672.html

Xuân Dương