Quy hoạch báo chí, nhà báo nguy cơ thất nghiệp và tôn chỉ, mục đích! (3)

07/12/2019 07:17
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu xảy ra vụ kiện giữa người lao động bị mất việc và người sử dụng lao động (cơ quan báo chí) thì tòa án sẽ nghiêng về phía nào?

(Tiếp theo Phần 1 và Phần 2)

Đảm bảo quyền lợi nhà báo, phóng viên và người lao động 

Như nhận định trong bài báo đã dẫn [5], “Đối tượng công chúng tiếp nhận tạp chí thường tập trung theo lĩnh vực chuyên biệt”, các tạp chí phải tập trung vào lĩnh vực chuyên sâu, điều này đòi hỏi đội ngũ viết bài phải là các chuyên gia hoặc nhà báo có kinh nghiệm.

Hậu quả là một số lượng không nhỏ phóng viên, nhà báo thiếu trình độ chuyên sâu (về khoa học, công nghệ,…) phải chuyển nghề nếu không được cơ quan báo chí khác tiếp nhận. 

Chuyển nghề nghĩa là phải từ bỏ chuyên môn được đào tạo tại các học viện, đại học chuyên ngành báo chí, phải tìm một công việc mới không liên quan đến lĩnh vực được học. 

Trường hợp chưa tìm được nghề mới, chưa tìm được việc làm thì số người này sẽ thuộc diện thất nghiệp.

Trong số khoảng 40.000 người làm báo, có gần 20.000 nhà báo đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Năm 2013 tỷ lệ nhân lực ngành báo chí có trình độ đại học là 91%, trên đại học là 4,9%. [6]

Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi nhà báo, phóng viên và người lao động khi các cơ quan báo chí trong diện quy hoạch phải thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa? (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Vietnam+)
Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi nhà báo, phóng viên và người lao động khi các cơ quan báo chí trong diện quy hoạch phải thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa? (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Vietnam+)

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:

“Những cơ quan báo chí liên quan đến quy hoạch có tổng cộng 8.000 nhân sự. 8.000 người là 20% lực lượng báo chí toàn quốc. 

Tuy nhiên, khi làm quy hoạch, theo đánh giá sơ bộ ban đầu, những người lao động và phóng viên có thể bị ảnh hưởng đến vị trí làm việc có 1.500 người thôi, khoảng 4%”. [7]

Với tỷ lệ 96% người làm báo có trình độ đại học và trên đại học [6], tạm chấp nhận con số “có thể bị ảnh hưởng đến vị trí làm việc” mà Bộ trưởng Hùng đưa ra là 1.500 người, trừ đi số người làm công tác phục vụ (chiếm một tỷ lệ không đáng kể), còn lại hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ chuyên ngành báo chí phải chuyển sang làm việc khác hoặc tham gia đội ngũ thất nghiệp.

Số liệu thống kê cho thấy đầu năm 2018, cả nước có gần 127 nghìn cử nhân thất nghiệp. (Nhandan.com.vn - 18/09/20180); 

Đầu năm 2019: “Gần 19 vạn cử nhân thất nghiệp”. (Daidoanket.vn - 10/07/2019)

Vấn đề đặt ra là khi buộc phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp, các phóng viên, nhà báo, người lao động có được nhà nước hỗ trợ?

Quy hoạch báo chí, suy nghĩ của người không phải nhà báo (1)
Quy hoạch báo chí, suy nghĩ của người không phải nhà báo (1)

Câu hỏi này được đặt ra bởi đối với nông dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định 63/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. 

Vậy cơ quan hữu quan đã có cơ chế, chính sách nào đối với người lao động, phóng viên, nhà báo buộc phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.

Được biết theo quy định tại khoản 3, Điều 2, Quyết định 362/QĐ-TTg, Thủ tướng quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính:

a) Bảo đảm nguồn kinh phí cho việc triển khai thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật.

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách ưu đãi hỗ trợ về thuế, phí... đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, các đối tượng chính sách và các nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Vậy bao giờ “nguồn kinh phí cho việc triển khai thực hiện Quy hoạch” sẽ được công khai và quan trọng là những người lao động có khả năng mất việc có được xem xét?

Nếu xảy ra chuyện các cơ sở báo chí (thuộc diện quy hoạch) buộc phải “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” với “nhóm 1.500”, họ vẫn phải tuân thủ các quy định của Bộ Luật Lao động, dù rằng nguyên nhân là bất khả kháng.

Do Bộ Luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua phải đến 01/01/2021 mới có hiệu lực nên ở đây phải viện dẫn các quy định của Bộ Luật Lao động 2012.

Theo quy định tại mục c, khoản 1, điều 38 Bộ Luật Lao động 2012 thì hoạt động “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” của người sử dụng lao động có thể xảy ra khi:

“Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”.

Một trong các lý do bất khả kháng được giới luật gia viện dẫn là việc “Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Người sử dụng lao động “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” bắt buộc phải bồi thường và trợ cấp cho người lao động theo quy định tại các điều 42, 49 Bộ Luật Lao động.

Với cơ quan báo chí phải thực hiện quy hoạch thì việc áp dụng quy định này là bắt buộc hay được xem là ngoại lệ?

Nếu xảy ra vụ kiện giữa người lao động bị mất việc và người sử dụng lao động (cơ quan báo chí) thì tòa án sẽ nghiêng về phía nào?

Cần phải nói thêm là thời điểm cuối tháng 12/2019 là cận kề tết âm lịch, nếu các cơ quan báo chí thực hiện đúng lộ trình, quy hoạch thì một số phóng viên, nhà báo, người lao động có thể mất việc ngay trước Tết cổ truyền.

Đây là thời điểm khá nhạy cảm nhưng bất khả kháng với những cơ quan báo chí phải thực hiện quy hoạch, không biết Chính phủ có cân nhắc việc thay đổi lộ trình?

Quy hoạch báo chí, tết nhất đến nơi và tạp chí điện tử là gì? (2)
Quy hoạch báo chí, tết nhất đến nơi và tạp chí điện tử là gì? (2)

Vấn đề khác cũng cần xem xét là những thay đổi có thể xảy ra khi cơ quan báo chí chuyển từ xuất bản báo sang tạp chí. 

Các khoản đầu tư trang thiết bị kỹ thuật của các cơ quan báo chí, các hợp đồng quảng cáo, hợp đồng thuê trụ sở,… đã ký không thể giữ nguyên như khi xuất bản báo. 

Liệu cơ quan báo chí có phải bồi thường vì đơn phương thay đổi hợp đồng, liệu họ có được nhà nước hỗ trợ?

Vấn đề cuối cùng là “Tôn chỉ, mục đích” của báo và tạp chí

Đầu tiên, phải xác định rằng tôn chỉ mục đích hay nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí phải được xác định, đó là đúng đắn.

Ở ta, việc này đã được các cơ quan quản lý nhà nước quy định và xác lập trong Giấy phép hoạt động báo chí. 

Tuy nhiên, trên thực tế có một số vấn đề xin được nêu ở dưới đây. 

Phải nói ngay rằng, cho dù có tôn chỉ, mục đích như thế nào thì báo chí đầu tiên phải tuân thủ pháp luật.

Đồng thời tuyệt đối không được tuyên truyền, cổ vũ cho tư tưởng lệch lạc, phản động. Không được cổ súy cho lối sống suy đồi, hành vi thiếu văn hóa, cổ vũ bạo lực... 

Tuy nhiên, việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, thành tựu quốc gia, các vấn đề tốt đẹp, tích cực của Đảng, thể chế, xã hội, con người, của mỗi cá nhân ở mọi lĩnh vực sẽ được xác định thế nào?... Những điều này có cần phải ghi cụ thể trong tôn chỉ, mục đích của mọi cơ quan báo chí không? 

Thời sự hơn, đã xuất hiện nhiều ý kiến phê phán hiện tượng “báo hóa” tạp chí điện tử như:

“Một số tạp chí điện tử không thực hiện đúng nội dung, tôn chỉ mục đích, lách luật để “báo hóa”; biến tạp chí thành báo…”.

Quan điểm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã được Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ nhiều lần đề cập.

Vì không có vùng cấm, không có ngoại lệ nên Tạp chí Giao thông Vận tải đã đăng loạt bài về “Vũ Nhôm” của nữ nhà báo Dương Hằng Nga

Bài đầu tiên được đăng tải trên Tapchigiaothong.vn vào ngày 08/04/2017, bài cuối (bài thứ 8) đăng ngày 14/5/2017.

Bộ làm gì để quy hoạch báo chí đúng luật, không gây hệ lụy xã hội?
Bộ làm gì để quy hoạch báo chí đúng luật, không gây hệ lụy xã hội?

Báo Đời sống và Pháp luật – Cơ quan trung ương của Hội Luật gia Việt Nam bình luận đây là “Loạt bài đánh sập đế chế Vũ “nhôm” của nữ nhà báo quả cảm”. [8]

Không chỉ có “nữ nhà báo quả cảm” mà chính Ban Biên tập Tạp chí Giao thông cũng rất dũng cảm khi đăng loạt bài này. 

Nếu cứ rập khuôn theo “Tôn chỉ mục đích” liệu “đế chế Vũ “nhôm” có bị đánh sập?

Trong tương lai, sau khi quy hoạch hoàn tất, liệu có xảy ra khả năng dù có đầy đủ tư liệu về tham nhũng nhưng tạp chí không thể đăng bài vì nằm ngoài tôn chỉ mục đích? 

Xin trích một số đoạn trong bài viết “Huy động sức mạnh của nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí” trên báo Nhân Dân điện tử số ra ngày 01/09/2018:

“Thực tiễn cho thấy, chính nhân dân đã tích cực trong việc phát hiện tố giác và tố cáo những hành vi tham nhũng, những biểu hiện bất thường và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xem xét xử lý”.

“Cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức trong phối hợp tuyên truyền, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân”.

Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương bao gồm một bộ phận nhân dân, và “thực tiễn cho thấy chính nhân dân đã tích cực trong việc phát hiện tố giác và tố cáo những hành vi tham nhũng”.

Vậy sự tham gia của các tổ chức này vào công cuộc chống tham nhũng sẽ phải là những kiến nghị gửi trực tiếp cơ quan chức năng và không được công bố trên tạp chí vì không phù hợp với “tôn chỉ, mục đích”?

Nói cách khác, liệu điều này có đồng nghĩa với việc các tạp chí chỉ được đăng bài chống tham nhũng trong khuôn khổ được quy định bởi tôn chỉ, mục đích do cơ quan cấp phép phê duyệt?

Xu hướng “Báo hóa tạp chí điện tử” hoặc “Tạp chí hóa báo điện tử” có nên được quan tâm sao cho Nhà nước thực hiện được chức năng quản lý đồng thời quá trình quy hoạch diễn ra hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm sự lành mạnh của không gian báo chí nhưng không làm mất tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam?

Toàn diện hơn, cũng nên có nghiên cứu để có tiêu chí, công cụ xác định tôn chỉ mục đích của báo chí sao cho vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển, phát huy các giá trị tốt đẹp, thúc đẩy xã hội phát triển, hạn chế tiêu cực mà vẫn thuận tiện trong quản lý. 

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Ca-nuoc-co-hon-19000-nguoi-duoc-cap-the-nha-bao/340913.vgp

[2] https://tuoitre.vn/bat-luc-voi-phong-kham-trung-quoc-2019050521181436.htm

[3] https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/to-gap.aspx?ItemID=5875

[4]https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ke-giao-duc-mam-non.aspx?ItemID=5391

[5]http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/bao-hoa-tap-chi-dien-tu-hien-tuong-can-chan-chinh-119995

[6]http://vneconomy.vn/thoi-su/30-nha-bao-tai-viet-nam-la-dang-vien-20141009102943924.htm

[7]https://www.sggp.org.vn/cuong-quyet-thuc-hien-quy-hoach-bao-chi-627338.html

[8] https://www.doisongphapluat.com/phap-luat/loat-bai-danh-sap-de-che-vu-nhom-cua-nu-nha-bao-qua-cam-a217613.html

Xuân Dương