Số 9, của vua hay công bộc?

17/11/2018 06:51
Xuân Dương
(GDVN) - Vua chúa ngày xưa, cái gì cũng liên quan đến số 9, vậy những người gắn với những số 9 sau đây là “vua con” hay công bộc?

Trước hết, nói về số 9 bé nhất, cụ thể là 9 phút. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói ông nhận được kiến nghị của cử tri:

Có đồng chí Chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút, cuối cùng họ biết là sau đó đồng chí đi nhậu với một đám khác. 9 phút với một việc mà mấy năm trời người ta theo đuổi”. [1]

Kể ra thì dành tới những 9 phút tiếp dân là “hơi nhiều” nếu so với câu chuyện khu đô thị Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cho tới năm 2017, qua 4 đời Chủ tịch thành phố, đơn thư tố cáo, khiếu nại của dân chúng rải từ thành phố lên đến trung ương nhưng không thấy công bố bất kỳ thông tin nào về việc các vị Chủ tịch thành phố (thời kỳ trước) đã tổ chức tiếp dân.

Hai mươi năm, thiết nghĩ cũng nên công bố con số này, để không ai có thể liên hệ với thông tin 9 phút không hay này.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Tienphong.vn
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Tienphong.vn

Sau khi vụ việc được trung ương trực tiếp chỉ đạo, năm 2018 này Chủ tịch thành phố tổ chức đối thoại với dân Thủ Thiêm tới 3 lần!

Khoản 5 điều 12 Luật Tiếp công dân quy định: 

Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng...”, thế có nghĩa là 12 ngày trong 1 năm.

Vậy nhưng với bốn vị Chủ tịch bốn tỉnh Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên thời gian tiếp công dân năm qua là bằng không. 

Thế có phải các vị ấy làm trái luật, theo lý của dân, làm trái pháp luật thì phải bị xử lý, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì đưa ra tòa, còn theo lý của lãnh đạo thì không biết thế đã đủ cơ sở để kết luận?

Số 9, của vua hay công bộc? ảnh 2Hai phát ngôn ấn tượng và … hai cái Tít

Liệu Ban Dân nguyện của Quốc hội có nên theo gương Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kiểm tra sự vi phạm Luật Tiếp công dân xem đã “đến mức phải xem xét kỷ luật”?

Nghe nói ở Lào Cai, người dân khởi kiện Ủy ban Nhân dân thành phố Lào Cai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai.

Thế nhưng cả ba phiên tòa dự định mở đều bị hoãn, cả hai vị chủ tịch đều ủy quyền cho cấp phó đại diện ra tòa.

Thế thì những lãnh đạo tỉnh, thành phố không tiếp dân, cũng không thèm cùng dân làm rõ trắng đen ở tòa đang làm những việc gì?

Dân chúng những năm gần đây khá quen với cụm từ “mềm mại”, chẳng hạn Hà Nội có những đoạn phố “cong mềm mại” hay như một tờ báo chạy tít: “Luật pháp không thể là “đường cong mềm mại”!.

Để thấy thêm sự “mềm mại” trong đời sống xã hội, xin nói tới con số 99,9%.

Điều 5 Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định:

Chậm nhất là ngày 30 tháng 11 hàng năm, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tiến hành Lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình,…”.

Số 9, của vua hay công bộc? ảnh 3Thật ra, dân ta đang phải nuôi cán bộ như thế nào?

Như vậy, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức (thuộc diện phải kê khai) được tiến hành vào cuối năm và công bố vào đầu năm sau, đó là tài sản đã có (phải kê khai) chứ không phải tài sản dự kiến sẽ có.

Cho đến nay, số liệu xác minh của Thanh tra Chính phủ về kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã được công bố công khai, chẳng hạn:

“Về kê khai tài sản, thu nhập, theo báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là 1.136.902 người, đạt tỷ lệ 99,8% số người phải kê khai.

Số bản kê khai đã công khai là 1.134.685 bản. UBTP nhận thấy, năm 2018 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai…

Kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm.” . [2]

Thực ra đây là số liệu kê khai năm 2017 chứ không phải của năm 2018.

Vì theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-TTCP phải đến cuối năm 2018 các cơ quan mới yêu cầu các cá nhân kê khai và vì vậy phải sang năm 2019 mới có số liệu năm 2018.

Một tờ báo khác đăng:

Thống kê số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2017 là trên 1,1 triệu người (tăng 10,8% so với năm 2016), 99,8% đã công khai bản kê khai tài sản.

Tuy nhiên chỉ có 78 người/1,1 triệu người được xác minh tài sản, thu nhập (giảm 81,4%).

Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp (năm 2016 không phát hiện trường hợp nào)”. [3]

Số liệu nêu trên là của năm 2016 chứ không phải 2017.

Tuy có sự nhầm lẫn về số liệu của năm trước với năm sau song có một sự trùng hợp, ấy là số người chưa bị phát hiện vi phạm về kê khai tài sản đạt khoảng 99,9%. 

Báo chí diễn đạt điều này như sau:

“Kê khai tài sản: Chỉ 5 phần triệu cán bộ không trung thực (?!)” [4]

“1,1 triệu người kê khai tài sản, chỉ 3 thiếu trung thực” [5]

Số 9, của vua hay công bộc? ảnh 4Có ai khóc cùng dân không?

Người đọc dễ cho qua, thậm chí còn đồng tình với những tít bài nêu trên nếu không xuất hiện câu chuyện về cách tính toán của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng dựa vào số liệu mà Bộ Công an công bố.

Thực tế cho thấy cách tính của vị đại biểu Quốc hội này không phải là không có tiền lệ.

Năm 2016, Thanh tra Chính phủ chỉ xác minh bản kê khai tài sản của 78 người và phát hiện trong số đó có 5 trường hợp vi phạm, như vậy tỷ lệ là 5/78 chứ không phải chỉ có “5 phần triệu cán bộ không trung thực”. 

Tương tự, số liệu công bố năm 2017 cho thấy: “Có 1.136.902 người kê khai tài sản, 44 người được xác minh, 6 trường hợp thiếu trung thực”.

Sáu người không trung thực là trong số 44 người được xác minh chứ không phải trong cả hơn một triệu người kê khai, nói cách khác tỷ lệ “không trung thực” không phải là sáu phần triệu mà có thể khác rất nhiều nếu Thanh tra Chính phủ chịu khó xác minh tất cả. 

Vấn đề là vì sao không có bất kỳ cơ quan hoặc cá nhân nào phản biện ý kiến trong các bài báo đã đăng, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ?

Vì sao Thanh tra Chính phủ không kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét những tờ báo đã “sáng tạo” ra cách tính toán các số liệu khiến nó trở nên “mềm mại” (đúng ra là phẳng lì) khiến người đọc nghi ngờ sự trung thực của cả đội ngũ hàng triệu cán bộ, công chức?

Câu chuyện thứ ba liên quan đến số 9 là con số 19.000 tỷ.

Điều 118 Hiến pháp 2013 quy định:

“Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Báo chí đưa tin:“Tại phiên thảo luận sáng 13/11/2018 ở hội trường Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã dùng quyền tranh luận để lên tiếng, khi cho rằng đánh giá của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tại báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 với Kiểm toán Nhà nước là chưa công bằng”. [6]

Trước ý kiến của ông Hồ Đức Phớc, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng:

Năm qua Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính là 97.000 tỉ đồng, trong đó kiến nghị các khoản tăng thu là 19.000 tỉ đồng, kiến nghị giảm chi là 20.000 tỉ đồng, xử lý tài chính khác là 57.000 tỉ đồng nhưng chỉ kiến nghị xử lý hình sự 4 vụ”. 

Bà Lê Thị Nga cho biết thêm “Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá lo ngại về việc bỏ lọt tội phạm qua hoạt động kiểm toán”. [6]

Theo quy định từ điều 353 đến điều 359 Bộ Luật hình sự 2015, đa số tội tham nhũng đều quy định mức tham nhũng thấp nhất là 2 triệu đồng và hình thức xử lý là phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Trong 97.000 tỷ đồng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý, chỉ riêng khoản cần thu hồi đã là 19.000 tỷ đồng.

Khi Kiểm toán kiến nghị thu hồi có nghĩa là nếu không thu hồi được thì ngân sách sẽ bị thất thoát và rất có thể số tiền này sẽ chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không phải tập thể.  

Nếu làm rõ số cá nhân dính dáng đến con số này thì bao nhiêu vụ án hình sự cần phải được khởi tố?

Bà Lê Thị Nga đã rất “mềm mại” khi nói rằng: “Chúng tôi không khẳng định là bỏ lọt, chúng tôi đề nghị Tổng Kiểm toán tăng cường việc chống bỏ lọt tội phạm qua hoạt động kiểm toán và tăng cường chuyển các vụ việc sang Tòa án”.

Tuy nhiên sự cương quyết của bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga được người dân hoàn toàn ủng hộ:

Chúng tôi khẳng định báo cáo đánh giá của tập thể Ủy ban Tư pháp là có căn cứ thận trọng, khách quan”. [6]

Vua chúa ngày xưa, cái gì cũng liên quan đến số 9, áo long bào thêu 9 con rồng, chỗ vua ngự là “cửu trùng”,…, vậy những người gắn với những số 9 nêu trên là “vua con” hay công bộc?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nld.com.vn/thoi-su/chu-nhiem-uy-ban-tu-phap-dang-dan-phan-hoi-tranh-luan-cua-tong-kiem-toan-20181113210409651.htm

[2]http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2018-09-17/hon-1136-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-moi-xac-minh-44-nguoi-62061.aspx

[3]https://infonet.vn/thanh-tra-chinh-phu-phat-hien-5-nguoi11-trieu-nguoi-vi-pham-ke-khai-tai-san-post242355.info

[4]https://www.tienphong.vn/phap-luat/ke-khai-tai-san-chi-5-phan-trieu-can-bo-khong-trung-thuc-1090799.tpo

[5]https://tuoitre.vn/11-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-chi-3-thieu-trung-thuc-2017090515452999.htm

[6] https://nld.com.vn/thoi-su/chu-nhiem-uy-ban-tu-phap-dang-dan-phan-hoi-tranh-luan-cua-tong-kiem-toan-20181113210409651.htm

Xuân Dương