Xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội – liệu chỉ có một người?

13/06/2016 10:04
Xuân Dương
(GDVN) - Lấy lại niềm tin của Dân với Đảng không gì hơn là xử sự nghiêm minh với đội ngũ cán bộ đảng viên.

Vấn đề liên quan đến tư cách một vài Đại biểu Quốc hội mới trúng cử năm nay xuất hiện khá nhiều trên truyền thông. 

Kỳ bầu cử chỉ vừa xong, Quốc hội mới còn chưa họp kỳ thứ nhất, Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu còn chưa công bố kết quả thẩm tra, do vậy những câu hỏi và kiến nghị của báo chí không chỉ liên quan trực tiếp đến cá nhân Đại biểu Quốc hội mà còn là công tác hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử tại các địa phương.

Lấy lại niềm tin của Dân với Đảng không gì hơn là xử sự nghiêm minh với đội ngũ cán bộ đảng viên. (Ảnh: vovgiaothong.vn)
Lấy lại niềm tin của Dân với Đảng không gì hơn là xử sự nghiêm minh với đội ngũ cán bộ đảng viên. (Ảnh: vovgiaothong.vn)

Trao đổi với cử tri trước ngày bầu cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: 

Cần lựa chọn những người xứng đáng, đủ đức đủ tài, đủ tâm và đủ tầm, thực sự vì dân vì nước, kiên quyết không để lọt vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân những phần tử có biểu hiện cơ hội chính trị, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chuyên quyền, độc đoán, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng”. [1]

Yêu cầu mà Tổng Bí thư nêu rất rõ ràng, Đại biểu Quốc hội phải “đủ tâm và đủ tầm”.

Một khi yêu cầu phải “đủ tầm” thì không thể chỉ làm “tròn vai” bởi giới phê bình nghệ thuật thường dùng từ “tròn vai” cho những diễn viên loại xoàng, những diễn viên dù diễn cả đời cũng chẳng bao giờ có vinh dự in bàn tay trên đại lộ Danh vọng. 

Nhưng dẫu sao làm “tròn vai” cũng còn tốt hơn những kẻ “cơ hội chính trị, chuyên quyền, độc đoán, tham nhũng”…

Xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội – liệu chỉ có một người? ảnh 2

Cán bộ tùy tiện, vô nguyên tắc phải xử lý thật nghiêm khắc

(GDVN) - Ông Vũ Mão: "Đào tạo, sử dụng cán bộ có đúng với năng lực không? Có đánh giá, kiểm tra thực chất không? Có xử lý trách nhiệm người đứng đầu không?".

Người dân hoan nghênh chỉ đạo của Tổng Bí thư về trường hợp Đại biểu Quốc hội vừa trúng cử với số phiếu tương đối cao (75,28%) - ông Trịnh Xuân Thanh - người từng lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam gây thua lỗ nhiều nghìn tỷ nhưng lại được luân chuyển, điều động giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Chuyện trách nhiệm của vị Phó Chủ tịch tỉnh này khi còn lãnh đạo doanh nghiệp rồi sẽ được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. 

Chuyện cán bộ “có vấn đề” lại được luân chuyển, đề bạt làm lãnh đạo cấp tỉnh có “đúng quy trình” hay không còn phải chờ kết quả xác minh của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương… 

Ở đây, chỉ xin bàn luận một khía cạnh “bé như cái móng tay”, ấy là “đẳng cấp nói dối” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước.

Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, người nắm vai trò chủ chốt trong việc đẩy hai công dân vô tội vào vòng lao lý qua vụ “Lều vịt” và “quán cà phê Xin Chào” khẳng định những sai sót của mình trong các vụ án chỉ là do “nhận thức sai về quy định pháp luật, không có động cơ cá nhân”. 

Ai cũng biết hàm Đại tá là hàm cao nhất trong bậc sĩ quan, những người như thế không thể không có “đầy mình kinh nghiệm chinh chiến”, không thể không được học lý luận cao cấp. 

Vậy nên khi nói “nhận thức sai về quy định pháp luật” thì chẳng qua chỉ là cách nói dối ở bước đường cùng, không còn cách nói dối nào khác hoặc không biết cách nói dối. 

Chuyện chiếc xe tiền tỷ gắn biển xanh hay trắng ở Hậu Giang chỉ là giọt nước tràn ly. Vấn đề lớn hơn là trình độ và tư cách người được hiệp thương đề cử để dân bầu là như thế nào?

Theo ông Trịnh Xuân Thanh, chiếc xe tiền tỷ mà vị này sử dụng là của người bạn cho mượn.

Người này lại tình nguyện theo ông vào Hậu Giang làm lái xe riêng cho ông với “mức lương hai, ba triệu đồng/tháng”, người bạn ấy muốn theo ông Thanh chẳng qua chỉ là để “mở mang tầm mắt”.

Xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội – liệu chỉ có một người? ảnh 3

Ông Vũ Quốc Hùng: "Thói xa dân, khinh dân là loại dịch bệnh vô cùng nguy hiểm"

(GDVN) - Trên thực tế có những cán bộ bị đồng tiền làm cho lóa mắt nên bất chấp tất cả, làm sai đường lối của Đảng, vi phạm pháp luật.

Mua chiếc xe 5 tỷ, cho “người anh em” mượn quả là chuyện hiếm, nhưng tình nguyện làm lái xe phục vụ người khác trên chính chiếc xe của mình mới là chuyện lạ.

Người “dốt” tính toán cũng biết bỏ 5 tỷ vào ngân hàng, mỗi tháng có trên 20 triệu tiền lãi, sao lại phải đi làm “tư bộc” cho người? 

Ngay cả nói dối những chuyện cỏn con cũng không đủ trình độ, thế mà lại là lãnh đạo cấp tỉnh và còn là đại diện của nhân dân?

Liệu người dân có chút hy vọng, dù là nhỏ nhoi vào vị đại biểu Quốc hội như vậy?

Một vị Đại biểu Quốc hội khác vừa trúng cử là ông Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Khi còn là Viện phó, vị này chỉ đạo vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Công ty TNHH L&M Foundation Specialist Việt Nam (Công ty L&M Việt Nam).

Vụ việc đã dấy lên làn sóng nghi ngờ trong làng báo đối với Cơ quan điều tra - Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh khi rất nhiều câu hỏi về sự bao che, bỏ lọt tội phạm người nước ngoài được đề cập.

Báo Giaoduc.net.vn đã có rất nhiều bài phân tích những khuất tất trong cáo trạng của cơ quan chức năng liên quan đến vụ án. 

Xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội – liệu chỉ có một người? ảnh 4

Cần phải thẩm tra tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Ngọc Hải

Báo Vietnamnet.vn ngày 20/11/2015 nêu câu hỏi: “Vụ chiếm đoạt 12 tỷ: Ai là chủ mưu?”, bài báo khẳng định: 

Căn cứ vào các bằng chứng và lời khai trước HĐXX trong phiên sơ thẩm ngày 29/5/2015 thì có thể thấy Wong Kong Hee - Yee Lip Chee không chỉ dừng lại ở đối tượng "người liên quan" mà phải là "đối tượng cầm đầu - bị cáo" trong vụ án - trong trường hợp có một vụ án chiếm đoạt tài sản xảy ra”.

Bài báo viết tiếp: “TAND TP.HCM đã nhiều lần có văn bản trả lại hồ sơ cho VKSND để điều tra bổ sung "làm rõ các căn cứ truy tố". Cũng giống như những lần trước, sau nhiều tháng ròng “điều tra bổ sung”, đến tháng 8/2015, VKSND TP.HCM lại tiếp tục có căn bản “giữ nguyên quan điểm truy tố đối với Nguyễn Thị Bạch Tuyết theo cáo trạng””.

Từ ngày 27/10/2015, báo Petrotimes.vn đã đăng liên tiếp 4 kỳ các bài báo với tiêu đề “Sự thật về vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết”.

Ngay từ bài đầu tiên Petrotimes.vn đã cho thấy “Bản cáo trạng khó hiểu”, “Điểm mờ” trong vụ án”; Lộ diện đường dây rửa tiền tại Việt Nam?”..

Báo Laodong.com.vn  ngày 3/6/2015 nêu câu hỏi “Vụ án hình sự tại Cty TNHH L&M Việt Nam: Bỏ sót người, lọt tội?"

Xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội – liệu chỉ có một người? ảnh 5

Quy luật lượng – chất và cán bộ “tàng hình”

(GDVN) - Làm thế nào để chuyển hóa vô cảm thành tình thương, dối trá thành trung thực, tội ác thành lương thiện nếu lại dựa vào chính sự vô cảm.

Báo Tienphong.vn ngày 29/5/2015 viết:

Qua phần thẩm tra, xét hỏi cũng như phần bào chữa của các luật sư, Hội đồng xét xử  xét thấy vụ án có nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Do đó, đã tuyên trả hồ sơ điều tra lại”.

Từ phân tích của các luật sư, ý kiến thẳng thắn của báo chí, sau 3 ngày làm việc (18-22/3/2016) Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, đối tượng chủ mưu của Yee Lip Chee trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty L&M Việt Nam.

Một khi Hội đồng xét xử đã tiến hành khởi tố tại tòa thì không thể không đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan tố tụng, trong đó có ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong việc “bỏ lọt tội phạm”? 

Xin trích dẫn một số khoản trong điều 369 Bộ Luật Hình Sự:

Điều 369. Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội

1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;

b) Đối với 02 người đến 05 người;

c) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn hoặc thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự hai công dân nước ngoài liên quan đến vụ án, hậu quả là một người đã rời khỏi Việt Nam, người thứ hai thì bị Hội đồng xét xử khởi tố tại tòa.

Theo quy định tội danh này phải bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và bị “cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Vậy tại sao họ vẫn lên chức và ung dung trở thành Đại biểu Quốc hội? 

Các cơ quan, đoàn thể tham gia hiệp thương đề cử có chịu trách nhiệm về việc này?

Qua những vụ việc vừa nêu hy vọng Trung ương sẽ có sớm rà soát lại công tác cán bộ cũng như việc giới thiệu người vào Quốc hội thời gian vừa qua. 

Lấy lại niềm tin của Dân với Đảng không gì hơn là xử sự nghiêm minh với đội ngũ cán bộ đảng viên,  tránh để tình trạng người có tâm, có tầm thì bị loại vì “cơ cấu”, kẻ cơ hội, tham nhũng thì nghiễm nhiên trúng cử.

Người dân hy vọng lãnh đạo Đảng, Quốc hội lắng nghe những ý kiến rất có trách nhiệm và rất đúng luật của các cơ quan báo chí và sớm có quyết định đúng đắn, giữ lại niềm tin mà nhân dân gửi gắm vào các đại biểu thay mặt mình tại hội trường Diên Hồng.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-khong-de-lot-vao-quoc-hoi-nhung-nguoi-co-hoi-chinh-tri-486793.vov

Xuân Dương