GS Trần Doãn Sơn mang đến nhiều “làn gió mới” trong sản xuất, chế biến nông sản

22/03/2022 06:49
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà Giáo Nhân dân Trần Doãn Sơn chia sẻ, hạnh phúc của nhà khoa học là mang đến những “làn gió sản xuất mới” cho người dân, góp phần xây dựng phát triển đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Doãn Sơn – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành Giáo sư ngành Cơ khí sau 45 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Trần Doãn Sơn sinh năm 1954 tại xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là cựu sinh viên ngành Chế tạo máy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 23 tuổi, ông đã là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, năm 1982, ông làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc. Năm 1987, ông nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy, Trường Điện- Máy Plzen (Tiệp Khắc).

Sau khi nhận bằng Tiến sĩ, ông trở về nước, trở thành Chủ nhiệm bộ môn Chế Tạo Máy tại Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Nhà giáo Nhân dân Trần Doãn Sơn là một trong ba ứng viên giáo sư của liên ngành Cơ khí – Động lực được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2021. (Ảnh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Nhà giáo Nhân dân Trần Doãn Sơn là một trong ba ứng viên giáo sư của liên ngành Cơ khí – Động lực được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2021. (Ảnh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Ông được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2002, ngành Cơ khí tại Hội đồng Cơ khí- động lực. Năm 2020, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vì đã có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc.

Hiện tại, ông là Giảng viên cao cấp, Bộ môn Chế tạo máy, Khoa Cơ khí của Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư Trần Doãn Sơn thực hiện hướng nghiên cứu chủ yếu về Thiết bị chế biến lương thực-thực phẩm, nông sản; Công nghệ và thiết bị chế tạo sản phẩm Micro và Nano phục vụ đào tạo.

Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố 405 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2021, Nhà giáo Nhân dân Trần Doãn Sơn là một trong ba ứng viên giáo sư của liên ngành Cơ khí – Động lực được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư. Ông cũng vừa được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ.

Hạnh phúc của nhà khoa học là được cống hiến

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những kết quả đã đạt được, Nhà giáo Nhân dân Trần Doãn Sơn đã bày tỏ sự xúc động: “Trải qua 45 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, tôi đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý mà Nhà nước trao tặng, nhưng có lẽ danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư cũng như Giải thưởng Hồ Chí Minh là những danh hiệu và giải thưởng có ý nghĩa nhất, là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời khi tôi đã sống và làm việc lâu dài trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là bản thân đã nỗ lực sống và làm việc để được mọi người yêu quý và góp một phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương, đất nước”.

Giáo sư Trần Doãn Sơn tâm niệm, khoa học chính là cuộc sống, người làm khoa học phải luôn biết nhìn vào cuộc sống, mang đến những giải pháp, sáng kiến có thể áp dụng và giải quyết những vấn đề tồn tại trong cuộc sống. Và hành trình đến với nghiên cứu khoa học của thầy Sơn cũng tự nhiên như vậy.

Giáo sư Trần Doãn Sơn (bên trái) luôn tâm niệm, khoa học phải xuất phát từ cuộc sống và trở lại phục vụ cuộc sống. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Trần Doãn Sơn (bên trái) luôn tâm niệm, khoa học phải xuất phát từ cuộc sống và trở lại phục vụ cuộc sống. (Ảnh: NVCC)

Đất nước chúng ta là một đất nước nông nghiệp, sản phẩm chủ yếu là lúa gạo, cà phê, hạt điều. Nhìn cảnh người nông dân "đầu tắt mặt tối" bán hàng tấn nguyên liệu thô như lúa gạo, hạt điều thô, cà phê mà không mua nổi một sản phẩm tiêu dùng công nghiệp, đời sống cực khổ mãi.

Với những trăn trở đó, thầy Sơn và những người đồng nghiệp của mình quyết tâm đưa khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống sản xuất, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp như gạo, hạt điều, cà phê. Những người thầy - những nhà nghiên cứu tâm huyết đã kết hợp với cựu sinh viên của Trường Đại học Bách khoa để xây dựng hàng ngàn nhà máy lớn nhỏ, đó là kết quả phát triển khoa học công nghệ mà thầy Sơn luôn cảm thấy tự hào.

Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng đã mang đến cho Giáo sư Trần Doãn Sơn nhiều kỷ niệm đẹp, đó là những câu chuyện, dấu ấn khó quên khi được làm việc cùng lãnh đạo chính quyền, làm việc với đồng nghiệp, với khách hàng và cả những người nông dân chịu thương chịu khó.

“Nhiều năm trước ở Củ Chi, có một số cơ sở sản xuất bánh tráng của người dân bị khách hàng nước ngoài trả về hàng chục xe container sản phẩm. Lý do là các sản phẩm của bà con được sản xuất thủ công nên không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tôi và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh khi ấy đã đến tiếp cận và khảo sát thực tế, giải quyết khó khăn này bằng cách chuyển đổi sản xuất bằng thủ công sang cơ khí hoá và tự động hoá. Nhờ đó, quy mô, năng suất sản phẩm bánh tráng của bà con đều được nâng cao, lại vừa đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với tôi, một nhà khoa học không bao giờ được phép xa rời cuộc sống. Tôi làm nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm thiết bị chế biến lương thực-thực phẩm, nông sản, như vậy, mình càng phải thấu hiểu, phải thương người nông dân, phải hiểu điều kiện cuộc sống của họ. Nhiều khi mình có thể hỗ trợ họ tối đa và gắn kết, giúp đỡ họ những lúc khó khăn, để họ vươn lên, vượt qua cái nghèo. Niềm vui của nhà khoa học là được cống hiến, khi giúp đỡ người khác, chính bản thân mình cũng sẽ có được hạnh phúc.

Trong cuộc đời tôi, hạnh phúc lớn nhất là tất cả những người tiếp xúc với mình dù ít tuổi hay nhiều tuổi, họ đều gọi tôi là “Thầy” với tất cả những tình cảm trân trọng và quý mến. Và mỗi ngày trôi qua, tôi cũng luôn cố gắng để xứng đáng với những tình cảm đó”, Thầy Sơn tâm sự.

Trong một lần đến thăm tỉnh Tiền Giang, về vùng Cổ Cò chuyên sản xuất bánh tráng rế, chứng kiến quy trình sản xuất bánh rế thủ công, thô sơ của người dân nơi đây, Giáo sư Trần Doãn Sơn đã quyết tâm giúp người dân thay đổi quy trình sản xuất.

Trước đó, các nhà làm bánh rế đều dùng một cái chảo và tráng bánh tráng rế bằng cách nhúng 5 ngón tay vào bột và rắc lên chảo nóng để được sản phẩm bánh tráng rế. Điều kiện sản xuất cực khổ mà năng suất thấp, sản phẩm không ổn định và không đảm bảo yêu cầu vệ sinh.

Từ thực tế đó, thầy Sơn đã đưa kỹ thuật tự động vào quá trình sản xuất bánh rế và hiện nay đã xây dựng làng nghề sản xuất bánh rế với năng suất cao phục vụ cho xuất khẩu.

Bằng tất cả tình yêu, tâm huyết đối với nghiên cứu khoa học, Giáo sư Trần Doãn Sơn đã mang đến những “làn gió mới” trong sản xuất, chế biến lương thực-thực phẩm, nông sản cho người dân.

Thầy Sơn luôn tâm niệm, điều quan trọng của một nhà khoa học là phải yêu công việc giảng dạy và yêu nghiên cứu khoa học, đam mê sáng tạo và quyết tâm theo đuổi ước nguyện của mình.

Với những cống hiến của mình, Giáo sư Trần Doãn Sơn đã nhận được Huân chương Lao động hạng Ba, 2 bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng.

Một trong những Sáng chế nổi bật nhất của ông là máy làm bánh phở tươi tự động, được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế và đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE).

Mới đây, cụm công trình "Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ, thiết bị chế biến lương thực - thực phẩm và nông sản Việt Nam" của ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Giáo sư Trần Doãn Sơn đã hoàn thành 13 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên, trong đó 05 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 1 đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác quốc tế.

Ông cũng đã công bố 33 bài báo khoa học, trong đó 07 bài báo khoa học trên Tạp chí quốc tế có uy tín.

Bắt đầu từ năm 2003, Giáo sư Trần Doãn Sơn nhận được văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đầu tiên cho thiết bị và quy trình hấp hạt điều bằng hơi bão hòa.

Năm 2008, ông tiếp tục có thêm 2 bằng sáng chế về thiết bị sấy bánh tráng, thiết bị sấy nhân hạt điều.

Sau đó một năm, ông tiếp tục được cấp thêm 2 bằng sáng chế khác về thiết bị sản xuất bánh tráng rế tự động và thiết bị sản xuất bánh phở tươi công suất nhỏ.

Đến thời điểm hiện tại, Giáo sư Trần Doãn Sơn đã sở hữu 9 bằng sáng chế và cùng với cựu sinh viên khai thác sáng chế, chuyển giao hơn 450 dây chuyền sản xuất.

Phạm Minh