GS.Lâm Quang Thiệp nêu 2 ưu điểm khi phát triển trường đại học thành “đại học"

07/11/2021 06:29
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục đại học phương Tây, mô hình giáo dục đại học có hiệu quả nhất chính là mô hình đại học đa lĩnh vực (university).

Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, nhiều trường đại học đã có chủ trương phát triển, nâng cấp thành đại học, nâng cấp các khoa thành trường trực thuộc.

Đặc biệt, Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật 34/2018/QH14 đã quy định chi tiết điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học như sau: Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; Có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận…

Hiện nay, một số trường đại học đã và đang lên kế hoạch phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều trường thành viên. Đánh giá về xu hướng này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc các trường hướng tới đại học đa ngành, đa lĩnh vực đó là xu hướng tốt.

Theo kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục đại học phương Tây, mô hình giáo dục đại học có hiệu quả nhất chính là mô hình đại học đa lĩnh vực (university) (ảnh: Kim Chi)

Theo kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục đại học phương Tây, mô hình giáo dục đại học có hiệu quả nhất chính là mô hình đại học đa lĩnh vực (university) (ảnh: Kim Chi)

Giáo sư Lâm Quang Thiệp nêu, theo kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục đại học phương Tây, mô hình giáo dục đại học có hiệu quả nhất chính là mô hình đại học đa lĩnh vực (university), vì 2 lý do cơ bản.

Một là, các đại học đa lĩnh vực sẽ đào tạo sinh viên tốt ở phần giáo dục đại cương, phần rất quan trọng của kiến thức đại học mà chỉ trong các university mới có đủ đội ngũ giáo sư, giảng viên có trình độ cao để giảng dạy tốt các chương trình giáo dục này.

Hai là, các đại học đa lĩnh vực có ưu thế về nghiên cứu và phục vụ xã hội, vì ngày nay các đề tài nghiên cứu lớn đều là các đề tài có tính liên ngành, các hoạt động phục vụ xã hội cũng vậy. Và đại học đa lĩnh vực bao gồm nhiều ngành đào tạo khác nhau dễ đối phó với sự biến động về nhu cầu của từng nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

Từ những ưu thế của đại học đa lĩnh vực, Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, mục tiêu để trở thành đại học đa lĩnh vực là xu hướng quốc tế, tuy nhiên đó phải là đại học đa lĩnh vực đích thực, chứ trong nhiều năm nay 5 đại học đa lĩnh vực của Việt Nam (bao gồm 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng) hoạt động không đúng là đại học đa lĩnh vực nên không phát huy được tác dụng.

Bởi lẽ việc thực hiện mô hình đa lĩnh vực của 5 đại học này đã diễn ra không đúng như thiết kế, lý do chủ yếu là các trường thành viên phản đối việc sáp nhập, vì mất nhiều “ghế” quản lý và “trường” bị hạ cấp thành khoa.

Các nhà tổ chức phải thỏa hiệp bằng cách giữ nguyên vị trí các trường thành viên, không thay đổi các chức vụ quản lý trước đây, do đó các quy chế tổ chức được xây dựng theo mô hình đại học hai cấp.

Theo mô hình này, hoạt động trong các trường thành viên hầu như vẫn giữ như cũ, sự kết nối giữa các trường thành viên với nhau rất lỏng lẻo, và cấp quản lý trên cùng của “đại học” thực hiện một cơ chế quản lý trung gian gián tiếp, giống như các “bộ đại học” nhỏ. Các đại học “hai cấp” ở nước ta không phát huy được các thế mạnh của mô hình “university” như đã nêu.

Trước hết, các trường thành viên đều là các trường đơn ngành, đơn lĩnh vực, lại liên kết với nhau rất lỏng lẻo, hầu như hoàn toàn độc lập về đào tạo, nên ưu thế về việc nâng cao chất lượng đào tạo theo chương trình giáo dục khai phóng không thể hiện được.

Cũng vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu, phục vụ xã hội và đáp ứng thị trường lao động, quan hệ lỏng lẻo giữa các trường thành viên rất khó tạo nên sự phối hợp để tăng hiệu quả.

Chưa kể, một số trường đại học địa phương ở xa muốn sáp nhập vào các đại học quốc gia để trở thành thành viên, phân hiệu thì sẽ không mang lại hiệu quả gì ví như Trường Đại học An Giang trở thành trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vì không phát huy được thế mạnh của đại học đa lĩnh vực.

Từ những phân tích nêu trên, Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhận định: “Muốn giảm bớt những cản trở trên con đường phấn đấu để có các trường đại học đẳng cấp thế giới, chúng ta cần thay đổi hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu và điều chỉnh các mô hình đại học để có các đại học đa lĩnh vực thật sự theo đúng 2 thế mạnh của nó".

Trên con đường trở thành đại học đẳng cấp thế giới thì không thể không nói tới vai trò của xếp hạng đại học.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, mặc dù còn mới mẻ và quá trình phát triển còn ngắn ngủi so với lịch sử đại học thế giới, nhưng xếp hạng đại học quốc tế đã trở thành một xu thế phổ biến và hiện tượng của thế kỷ 21, có sự quan tâm lớn của cộng đồng.

Cho đến nay, trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng quốc tế. Mỗi nhóm xếp hạng đều có cách tiếp cận và mục tiêu, tiêu chí đánh giá riêng, trong đó có 3 xếp hạng ARWU, QS, THE có uy tín nhất thế giới.

“Trên thế giới, dù khen chê thế nào nhưng họ vẫn nhìn vào xếp hạng đặc biệt là các tổ chức xếp hạng có uy tín.

Tôi cho rằng, xếp hạng quốc tế sẽ giúp Việt Nam biết mình ở đâu trên thế giới để phấn đấu và có định hướng phát triển phù hợp, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên bằng mọi cách để “chạy” theo xếp hạng thì không nên, thậm chí nó còn phản tác dụng”, Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhận định.

Minh Ngọc