GS.Nguyễn Viết Tùng lo có "trao đổi" để điểm đẹp từ THPT nhằm thuận lợi vào ĐH

28/07/2022 06:32
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giáo sư Nguyễn Viết Tùng: “Việc xét tuyển đại học thông qua học bạ về lâu dài sẽ nảy sinh bất cập, không chừng sẽ tạo ra nguy cơ”.

Mới đây, một số trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển trong đó có phương thức xét tuyển từ học bạ. Điểm chuẩn xét tuyển học bạ của nhiều trường đại học tăng mạnh. Tính theo thang điểm 30, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có 3 ngành có mức điểm chuẩn vượt trần.

Hay Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có ngành lấy điểm chuẩn 29,75; Trường Đại học Cần Thơ có tới 6 ngành có điểm chuẩn trên 29 điểm; một số chương trình đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương lấy điểm chuẩn học bạ 30-30,5 (đã bao gồm điểm ưu tiên giải học sinh giỏi); Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có điểm chuẩn học bạ cao nhất lên tới 29,38...

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, hình thức xét tuyển đại học thông qua học bạ về lâu dài sẽ nảy sinh nhiều bất cập, không chừng sẽ tạo ra nguy cơ gây hại cho nền giáo dục.

Từ trước đến nay, việc tổ chức đánh giá trình độ, năng lực để lựa chọn con người đào tạo là vấn đề căn cốt của mỗi quốc gia. Từ khi con người xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo đã nghĩ việc tuyển chọn nhân tài. Các quốc gia phát triển trên thế giới hàng năm vẫn tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn sinh viên vào học các trường đại học và đảm bảo tính: “Chính xác và công bằng”. Đây là quá trình của các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đều trăn trở và suy nghĩ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tùng (ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tùng (ảnh: NVCC)

Có rất nhiều hình thức từ: thi tuyển, xét tuyển, phỏng vấn… để lựa chọn ra những người xuất sắc. Tuy nhiên, các cách trên đều có những điểm ưu và khuyết khác nhau.

Năm 1995, Giáo sư Nguyễn Viết Tùng sang Mỹ theo chương trình Fulbright để tìm hiểu chương trình tuyển chọn và đào tạo của nước ngoài. Khi làm việc với bộ phận tuyển sinh của Đại học Harvard, Mỹ, thầy Tùng bất ngờ với cách thức tuyển chọn sinh viên rất chặt chẽ.

Theo Giáo sư Nguyễn Viết Tùng: “Mỗi trường đại học của Mỹ đều có chương trình đào tạo và một triết lý giáo dục khác nhau”.

Có những trường chọn sinh viên đầu vào khá nhẹ nhàng qua hình thức thi, xét tuyển, sau khi đủ điểm theo quy định đỗ là sẽ vào trường học. Nhưng Đại học Harvard sẽ có thêm một khâu phỏng vấn. Những người ở bộ phận tuyển sinh có nói với Giáo sư Tùng đại ý rằng:

"Ông có nghĩ rằng chúng tôi đang làm một việc kỳ quặc là phải loại hồ sơ những người rất giỏi. Nhưng kết quả học giỏi của họ lại không phù hợp với triết lý giáo dục của trường chúng tôi. Chúng tôi cần người không phải những con người có chỉ số thông minh cao mà chọn người có chỉ số cảm xúc cao. Chúng tôi cần chọn con người có ích, năng lực, và có tâm trong sáng để trở thành nhà khoa học sau này phục vụ cho đất nước".

Qua đó Giáo sư nhận thấy những gì đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được ban hành năm 2013 là hoàn toàn phù hợp.

Trong đó hướng tới mục tiêu là “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.

Vừa qua, nhiều trường xét tuyển học bạ dẫn tới đầu vào một số ngành cao hơn 30 điểm. Theo Giáo sư Nguyễn Tùng: “Nếu học bạ đánh giá chính xác quá trình học tập phấn đấu của học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 thì thông tin của học bạ cũng là một kênh đánh giá. Chỉ có điều, nếu mở ra kênh xét tuyển học bạ, sẽ xuất hiện nhiều lỗ hổng, trong đó có việc là làm đẹp học bạ”.

Thầy Tùng cũng lo ngại việc xét tuyển học bạ sẽ dẫn tới tình trạng tác động, thâm chí có trao đổi lợi ích từ khi còn học phổ thông để chuẩn bị cho tương lai vào đại học. Như thế sẽ lợi bất cập hại và không chừng sẽ tạo ra nguy cơ, hệ quả lâu dài. Giáo sư Tùng mong muốn việc xét tuyển học bạ nên cân nhắc hoặc có thêm một cách thức khác đi kèm với phương thức này như phỏng vấn trực tiếp.

Đối với những trường hợp xét tuyển học bạ cao đạt từ 28 điểm trở lên, các trường nên có thêm một khâu thứ hai là gặp mặt và phỏng vấn trực tiếp. Đó là cách tốt nhất để lựa chọn ra những người giỏi thật sự trong các ngành mà trường tuyển chọn. Khi chất lượng đầu vào làm càng chặt chẽ thì đầu ra sẽ đảm bảo nguồn nhân lực tốt cho xã hội.

Hiện nay, các trường đang tiến hành tự chủ nên mỗi trường sẽ có các chiến lược, phương thức khác nhau để thu hút sinh viên. Nhưng không vì thế mà các trường quá chú trọng việc tuyển người mà buông lỏng chất lượng đào tạo.

Giáo sư Nguyễn Viết Tùng cho rằng: “Phương án tốt nhất vẫn là thi đầu vào đại học nhưng cách làm cần đổi mới. Việc này phải có cơ quan độc lập phụ trách việc kiểm tra và đánh giá năng lực người học. Sau khi có kết quả của người thi, cơ quan này sẽ gửi về các trường đúng với năng lực học và chuyên ngành người thi đó theo đuổi”.

Giáo sư Nguyễn Viết Tùng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chiến lược lâu dài cho phương án tuyển sinh đại học, tránh tình trạng thay đổi khiến học sinh bỡ ngỡ, gặp khó khăn trước ngưỡng cửa đại học.

Ngô Hiển