GV bị phụ huynh hành hung vì đánh học trò, bạo lực học đường bao giờ chấm dứt?

25/12/2023 10:24
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự mất bình tĩnh, không kiềm chế được cảm xúc của giáo viên nhiều khi phải trả những cái giá rất đắt.

Thời gian qua, chúng ta đã từng chứng kiến những chuyện không hay xảy ra ở chốn học đường. Có những chuyện giáo viên chưa thực sự gương mẫu trong hành động, ngôn phong; có những chuyện bắt đầu từ sự hỗn láo của học trò; có những chuyện phụ huynh lạm dụng mạng xã hội để công kích thầy cô đang dạy con mình…

Những chuyện như vậy xảy ra khiến cho văn hóa chốn học đường mất đi tính tôn nghiêm và đôi lúc có những cái nhìn ái ngại về văn hóa ứng xử giữa những thầy cô giáo với học trò; giữa giáo viên với phụ huynh; giữa phụ huynh với giáo viên.

Mới đây nhất, vào sáng ngày 20/12 đã xảy ra vụ việc một nữ giáo viên trường Trung học cơ sở Mỹ An (xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) bị bà nội của học sinh nắm tóc và đánh liên tiếp nhiều cái vào mặt vì trước đó giáo viên này đã tát học trò vì không chịu học bài.

Không chỉ hành hung giáo viên đang trực tiếp dạy cháu mình mà bà nội của học sinh còn nắm cổ áo lôi kéo và vung tay định hành hung luôn cả hiệu trưởng, nhưng được giáo viên cản lại. Rõ ràng, những vụ việc như thế này xảy ra trong trường học đang tạo ra những cái nhìn ái ngại, kèm theo lo lắng cho cả giáo viên và học sinh về an toàn trong trường học.

Ngôi trường nơi xảy ra sự việc (Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong)

Ngôi trường nơi xảy ra sự việc (Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong)

Lấy bạo lực để giải quyết bạo lực

Theo những quy định hiện hành tại khoản 1 Điều 31 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường trung học cơ sở trung học phổ thông quy định các hành vi giáo viên không được làm, Bộ hướng dẫn giáo viên không được: “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp” nên việc giáo viên dùng bạo lực với học trò như vậy rõ ràng là sai.

Việc giáo viên đánh học trò, nhất là việc một số em không thuộc bài thường xuất phát từ nguyên nhân giáo viên lo lắng về điểm số cho học trò, nhất là thời điểm này các trường đang ôn tập, kiểm tra để tổng kết điểm trung bình môn.

Một khi học trò không chịu học, không thực hiện các nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao nhiều lần thường khiến cho giáo viên lo lắng. Tổng kết điểm đúng với năng lực học trò thì đương nhiên là học sinh bị điểm thấp, ảnh hưởng đến việc lên lớp, ở lại của học trò sau này.

Bên cạnh đó, là ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo của giáo viên, tổ chuyên môn và nhà trường. Song, hành động đánh học trò như vậy là điều không nên đối với giáo viên ngày nay.

Điều đáng nói là ý thức học tập của học sinh không tốt dẫn đến cái sai của giáo viên. Từ cái sai của giáo viên đã dẫn đến hành động thiếu kiềm chế có phần phản cảm của phụ huynh.

Từ việc học sinh bị giáo viên đánh đã về nhà kể lại cho người thân nghe. Phụ huynh liên hệ với thầy Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Mỹ An, để xin số điện thoại của giáo viên.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng nhà trường không cho vì đó là thông tin cá nhân của giáo viên và hẹn phụ huynh vào 8 giờ sáng ngày hôm sau (ngày 20/12) tới trường, để cùng giải quyết. Cách giải quyết của thầy hiệu trưởng như vậy là khá hợp lí vì vừa bảo vệ được giáo viên, vừa giúp cho phụ huynh kiềm chế được cảm xúc lúc bấy giờ.

Chỉ tiếc, hành động của phụ huynh vào ngày hôm sau đã đi quá giới hạn.

Trong mỗi trường học, bao giờ cũng có phòng tiếp công dân (thường là phòng hiệu trưởng; hoặc là phòng giáo viên) và phòng này thường có sơ đồ ngay ở đầu cổng trường học. Một khi phụ huynh vào, thường được bảo vệ hoặc đội sao đỏ của trường hướng dẫn.

Đáng lẽ ra, phụ huynh sẽ vào phòng tiếp công dân theo lịch mà hiệu trưởng đã thông báo trước đó nhưng phụ huynh lại trực tiếp đi tìm giáo viên để sau đó xảy ra vụ việc trên.

Khi thầy hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Mỹ An phát hiện, đến can và mời phụ huynh vào phòng để giải quyết liền bị bà nội học sinh nắm cổ áo lôi kéo và vung tay định hành hung luôn cả hiệu trưởng, nhưng được giáo viên cản lại…

Kết quả sự việc, cô giáo Đ.T.D.T bị bà nội học sinh đánh chảy máu miệng, đau đầu, khiến nhiều giáo viên khác hoảng sợ và tạo ra cảnh huyên náo trong khuôn viên nhà trường. Rõ ràng, sự việc phụ huynh (bà nội) vào đánh giáo viên đang dạy cháu mình và nắm cổ áo lôi kéo và vung tay định hành hung luôn cả hiệu trưởng là hành động rất xấu xí xảy ra ngay tại nhà trường.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên phụ huynh vào trường học hành hung, xúc phạm giáo viên mà thời gian qua, báo chí đã nhiều lần lên tiếng, phản ánh một số sự việc tương tự.

Từ sự việc ở trường Trung học cơ sở Mỹ An và cả những sự việc trước đây cho thấy công tác bảo vệ của nhà trường có điểm còn hạn chế. Trường học là cơ quan nhà nước, có bảo vệ, có một số lực lượng như đội sao đỏ, giám thị trực ở cổng nhưng lại để phụ huynh có thể tự do vào trường tìm giáo viên để hành hung.

Làm sao để không xảy ra những sự việc tương tự?

Sự việc xảy ra ở trường Trung học cơ sở Mỹ An (xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) không chỉ ảnh hưởng đến nhà trường mà còn tiếp tục tạo ra một tiền lệ xấu, một tấm gương xấu về sau.

Một khi phụ huynh vào hành hung giáo viên ngay trong khuôn viên nhà trường như vậy sẽ dẫn đến sự e dè của một bộ phận giáo viên khi giáo dục học sinh, nhất là những học sinh không có động lực học tập. Nhắc nhở, động viên không được, giáo viên sẽ mặc kệ học trò chứ chẳng thể làm gì khác.

Hơn nữa, phụ huynh này có thể hành hung giáo viên được thì biết đâu phụ huynh khác cũng có thể hành hung giáo viên trong tương lai. Tuy nhiên, cũng từ sự việc này, giáo viên và phụ huynh cũng rút ra nhiều bài học cho riêng mình trong quá trình đứng lớp giảng dạy cho học trò.

Đối với giáo viên cũng cần có nhiều phương pháp giáo dục để nhắc nhở học trò học tập, phải biết giữ được sự điềm tĩnh trong quá trình đứng lớp.

Trong một lớp học, có học sinh học giỏi, ngoan hiền luôn thực hiện các yêu cầu của giáo viên những cũng sẽ có không ít những học sinh thiếu động lực học tập, mất kiến thức cơ bản. Vì thế, giáo viên cũng cần bao dung, độ lượng để uốn nắn, động viên các em học tập.

Những nhà giáo giỏi sẽ biết ứng xử phù hợp với từng tính cách, thái độ học tập của học trò. Biết phát huy các thế mạnh của học trò và cũng đồng thời biết vị tha trước học trò. Điều tối kị là đừng bao giờ đánh học trò bởi đây là điều mà giáo viên không được phép làm.

Sự mất bình tĩnh, không kiềm chế được cảm xúc của giáo viên nhiều khi phải trả những cái giá rất đắt. Mỗi sự cố xảy ra, chính giáo viên cũng sẽ chịu nhiều tai tiếng, mất mát nhiều hơn.

Bên cạnh sự thay đổi của giáo viên thì phụ huynh học sinh cũng cần có những thái độ, cách hành xử phù hợp hơn. Nếu như sự việc ở trường Trung học cơ sở Mỹ An vừa qua được giải quyết trong ôn hòa, không có những hành động bạo lực từ phía phụ huynh thì cái sai cơ bản chỉ thuộc về cô giáo dạy môn Khoa học tự nhiên.

Nhưng, chính vì hành động thiếu kiềm chế, muốn hơn thua với giáo viên, với nhà trường nên bà nội học sinh đã đã đánh giáo viên, có hành động không phù hợp với thầy hiệu trưởng và chửi bới trong khuôn viên nhà trường cho đến khi lực lượng công an có mặt. Việc làm của phụ huynh như vậy sẽ tạo ra một tấm gương cực xấu cho con cháu mình.

Cái sai của giáo viên rồi đây sẽ được nhà trường giải quyết theo luật viên chức và các văn bản liên quan. Đương nhiên, việc hành hung giáo viên, gây rối trong khuôn viên nhà trường của bà nội và ba của học sinh chắc chắn cũng sẽ bị các cơ quan chức năng xử lí.

Tuy nhiên, rồi đây, con, cháu của phụ huynh này sẽ khiến nhiều thầy cô ái ngại nếu xảy ra tình trạng không học bài ở các năm tiếp theo. Vì thế, sự bình tĩnh để giải quyết các sự việc khi sự cố xảy ra là điều rất quan trọng. Suy cho cùng, bạo lực không phải là phương án để giải quyết các vấn đề.

Tài liệu tham khảo:

https://thanhnien.vn/bat-tai-hoc-sinh-khong-thuoc-bai-nu-giao-vien-bi-phu-huynh-danh-giua-truong-185231223160649508.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH