GV mong giải tỏa áp lực công việc, để mỗi ngày đi dạy thực sự là ngày vui

21/01/2023 09:27
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Muốn phát triển năng lực của học trò, mỗi giáo viên phải thực sự có năng lực và tự phát triển năng lực cho mình trước đã”, nhà giáo N.T.H chia sẻ.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi các nhà trường và bản thân mỗi giáo viên đều phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của chương trình trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Giáo viên bao giờ cũng là nhân tố quan trọng trực tiếp quyết định đến chất lượng dạy và học, nhất là việc giảng dạy theo chương trình mới. Phải đổi mới từ mỗi giáo viên rồi mới đến học sinh.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Sẵn sàng tâm thế để đổi mới

Tôi có cơ hội được gặp nhà giáo N.T.H, người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn, hiện đang công tác tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội, lắng nghe chia sẻ của cô về nghề giáo, nhất là nhà giáo trong giai đoạn đổi mới giáo dục.

Cô H cho biết năm học 2022 – 2023, cô vẫn đang dạy các lớp theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (2006). Dự kiến, năm học 2023 – 2024, cô sẽ tham gia dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với những suy nghĩ về đổi mới phương pháp dạy học, cô H chia sẻ: “Để chuẩn bị tốt cho việc giảng dạy đáp ứng được yêu cầu chương trình đổi mới, bản thân tôi cũng như các giáo viên đã chuẩn bị cho mình một tâm thế hoàn toàn chủ động, sẵn sàng. Đó là việc tham gia đầy đủ và nghiêm túc các buổi tập huấn về sách giáo khoa mới của Phòng, của Sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức để nắm bắt được những điểm mới về nội dung và phương pháp dạy học.

Ghi chép một cách đầy đủ chi tiết và về nhà xem lại các video bài giảng của thầy, bài dạy mẫu của giáo viên để tự học. Tìm kiếm các đầu sách hướng dẫn, sách tham khảo của các tác giả có uy tín để nghiên cứu trước. Tham gia đầy đủ các giờ dạy chuyên đề, rút kinh nghiệm; các buổi sinh hoạt trong tổ, nhóm chuyên môn để học hỏi đồng nghiệp – những người đang trực tiếp dạy chương trình mới lớp 6, 7.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự học, chủ động tìm hiểu, học hỏi của giáo viên. Và chỉ khi có tinh thần chủ động học tập để trang bị cho mình về kiến thức, phương pháp và một tâm thế sẵn sàng đón nhận cái mới thì bản thân mỗi giáo viên sẽ tự tin, hào hứng trong công việc giảng dạy, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chương trình”.

Khi triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới, yêu cầu đối với giáo dục nói chung trong nhà trường cũng có sự thay đổi, trong đó, giáo viên dù dạy theo chương trình nào cũng cần đổi mới. Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô H cho biết: Nếu như trước đây, giáo viên nặng về truyền đạt, nhồi nhét kiến thức để học sinh nhớ được nhiều và tái hiện lại trong các bài kiểm tra. Thì bây giờ, cần dạy cho các em cách học, cách làm như thế nào để biết vận dụng vào thực tế giải quyết các tình huống. Nghĩa là, chuyển từ “dạy cái gì” sang “dạy cách”. Tức là, dạy cho học sinh biết cách đọc, viết, nói, nghe một văn bản theo đặc trưng thể loại, từ đó các em biết vận dụng vào một văn bản khác cùng thể loại để làm bài.

"Giáo viên là người xây dựng, tổ chức các hoạt động học cho học sinh, sau đó, hướng dẫn, hỗ trợ để các em tự tìm tòi khám phá, chiếm lĩnh tri thức. Cuối cùng, giáo viên nhận xét và chốt lại kiến thức chứ không phải thuyết giảng như trước nữa”, cô H chia sẻ thêm.

Thầy và trò cùng đổi mới

Đối với giáo viên: Theo cô H, trước hết, muốn phát triển năng lực của học trò, bản thân giáo viên phải có năng lực, phải tự phát triển năng lực của mình trước.

"Bởi, khi người thầy có năng lực thì mới phát triển được năng lực của trò. Năng lực của thầy cũng bao gồm năng lực chung, năng lực sư phạm và năng lực đặc thù bộ môn. Người giáo viên có năng lực là người biết vận dụng một cách thành thạo những kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm và những kinh nghiệm trong thực tế cuộc sống, từ sự trải nghiệm của bản thân để hướng dẫn học sinh học tốt và yêu thích bộ môn", cô H chia sẻ.

Tiếp theo, mỗi giáo viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá. Phải đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá để phát huy năng lực cho từng học sinh, không chỉ bó hẹp ở việc làm bài ra giấy để thầy cô giáo chấm điểm như trước. Bởi, mỗi học sinh đều có một khả năng nổi trội nào đó mà các em cần môi trường để bộc lộ hết. Giáo viên phải là người khơi gợi, đánh thức ngọn lửa đam mê còn đang tiềm ẩn trong học trò.

Môn Ngữ văn theo chương trình mới đang chú trọng phát triển các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe cho học sinh. Do vậy, người giáo viên phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện mình để có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức vững vàng, hiểu biết sâu rộng. Đồng thời, có phương pháp giảng dạy hấp dẫn, có kỹ năng xử lý tình huống, lòng nhiệt tình trách nhiệm, tình yêu thương, sự thấu hiểu và bao dung, là tấm gương về đạo đức và nhân cách mới truyền cảm hứng thực sự cho học trò.

Vậy làm thế nào để phát huy được năng lực của học trò? Đây chính là mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến và cũng là mong muốn cháy bỏng của mỗi giáo viên đứng lớp", cô H trăn trở.

Theo nhà giáo, riêng với dạy môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực nghĩa là thông qua bộ môn, học sinh có khả năng kết hợp một cách linh hoạt kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm của mình nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn một cách hiệu quả.

"Các năng lực mà giáo viên cần hình thành cho học sinh trong dạy học môn Ngữ văn đó là năng lực giao tiếp, năng lực thưởng thức văn học hay cảm thụ thẩm mỹ (mang tính đặc thù bộ môn), các năng lực khác như tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, năng lực tự quản bản thân (làm chủ cảm xúc)”, cô H nói.

Đối với học trò: Cô H cho rằng, để phát triển năng lực học sinh, vai trò của giáo viên là rất quan trọng trong tổ chức các hoạt động dạy và học, biết động viên khích lệ, truyền lửa đam mê.

"Song, mỗi học sinh phải có ý thức tập trung học tập trên lớp nghiêm túc và tự giác chuyển bị bài ở nhà dưới sự hướng dẫn của thầy. Tinh thần và thái độ học tập quyết định việc nắm bắt kiến thức. Các em cần phải biết vận dụng những đặc trưng thể loại mà mình đã được học trên lớp để đọc, viết, nói, nghe ở một văn bản khác cùng thể loại.

Sau đó, học sinh phải chủ động trong các hoạt động học để chiếm lĩnh kiến thức chứ không phải tiếp thu thụ động một chiều. Do vậy, học sinh phải mạnh dạn, hào hứng tham gia các hoạt động dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. Có kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, biết giao tiếp ứng xử với các lứa tuổi, biết xử lý các thông tin, tình huống.

Có như vậy, bản thân mỗi em mới tự phát triển được năng lực của mình trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường để sau này ra đời trở thành những con người năng động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống", cô H kỳ vọng.

Mong giải tỏa áp lực

Dù luôn sẵn sàng đổi mới, tự học hỏi để đổi mới, bản thân cô H cũng như nhiều đồng nghiệp khác vẫn cảm thấy áp lực bủa vây từ nhiều phía, nhất là đối với giáo viên dạy các môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán và hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi.

Theo cô H, áp lực đối với giáo viên không chỉ từ xã hội, từ học sinh, phụ huynh, mà còn đặc biệt đến từ các cấp quản lý.

Nhiều giáo viên chia sẻ, những tiết dự giờ mà “trái ý trái chiều” là coi như không xếp loại và còn bị “bêu gương” trước các cuộc họp.

"Cách kiểm tra đánh giá giáo viên máy móc, cứng nhắc, nâng cao quan điểm vấn đề, đôi khi định kiến cá nhân thì làm sao người dạy có sự thoải mái, sáng tạo, thăng hoa trong bài học được?

Văn chương là nghệ thuật được nuôi dưỡng bởi cảm xúc trái tim. Lo lắng, căng thẳng, áp lực sẽ “giết chết” giờ dạy. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ về dự giờ 1 tiết mà đánh giá giáo viên cả một quá trình, liệu có công bằng hay không?”, cô H băn khoăn.

Cô H nói, nhiều lúc, có giáo viên cảm thấy chán nản, chỉ muốn bỏ nghề hoặc xin nghỉ hưu sớm vì những áp lực hiện hữu như:

Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn rất nặng nề, nhất là các cuộc thi phải đầu tư công phu, tiêu tốn thời gian của thầy và trò khi phải dạy thử, tập luyện, thậm chí cần phải có đồng nghiệp hỗ trợ. Tham gia thi, nếu không được giải này, giải nọ thì bản thân giáo viên sẽ cảm thấy như mình có lỗi.

“Hay như kết quả thi vào 10 của học sinh không đạt chỉ tiêu, trong khi khối trường công lập tại Hà Nội chỉ tuyển sinh khoảng hơn 60% học sinh lớp 9 thi vào 10, thế cũng như là một... lỗi.

Chúng tôi chỉ mong sao, có sự nhìn nhận thấu hiểu từ nhiều phía, đánh giá cởi mở, chân tình, giảm bớt áp lực không nên có để mỗi nhà giáo cảm thấy an vui công tác, có thêm động lực trong mỗi giờ dạy, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay”, cô H tâm sự.

Hiện nay, đa số học sinh được bố mẹ chăm chút với điều kiện cuộc sống đủ đầy hơn nhưng áp lực cũng nặng nề hơn. Mong sao các em mỗi ngày đến trường thực sự là những ngày vui, và thầy cô cũng có những niềm vui, nhiều nụ cười, giải tỏa áp lực, có sự hăng say, gắn bó sáng tạo trong công việc.

Những lo lắng, trăn trở và mong muốn của cô H nói riêng và các thầy cô nói chung rất cần được các cấp quản lý lắng nghe, sẻ chia, thấu hiểu để đội ngũ nhà giáo có thêm động lực trong công việc “trồng người”, đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục hiện nay.

Ngọc Mai