GV "than" môn HĐTN, Tổng chủ biên PGS Đinh Thị Kim Thoa lên tiếng

26/12/2022 06:42
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo PGS Đinh Thị Kim Thoa: Một số giáo viên tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng chưa hiểu rõ bản chất của hoạt động này. 

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1-12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với 3 cấp học, hoạt động này được quy định 105 tiết/năm học (tương đương 3 tiết/tuần).

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, các trường học còn lúng túng khi tổ chức hoạt động này.

Để hiểu rõ hơn về Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tháo gỡ khó khăn của các nhà trường, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018).

Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy sự khác biệt trong việc tổ chức hoạt động này tại từng cấp học là gì?

Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hoạt động giáo dục bắt buộc trong nhà trường. Đây là chương trình giáo dục mang tính đồng tâm, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

Mặc dù, giữa cấp tiểu học và trung học có sự khác nhau về tên gọi (trung học có thêm cụm từ “hướng nghiệp”) để làm rõ hơn nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn đó nhưng bản chất chương trình là đồng tâm. Tiểu học không có cụm từ “hướng nghiệp” trong tên gọi nhưng học sinh tiểu học vẫn được làm quen với thế giới nghề nghiệp. Sự khác nhau giữa các cấp chỉ nằm ở độ khó, sâu, rộng của vấn đề, nội dung giáo dục.

Trên cơ sở huy động những kinh nghiệm, kiến thức đã được học, trải qua vào các hoạt động, học sinh sẽ hình thành những phẩm chất, năng lực tâm lý xã hội.

Phóng viên: Hầu hết các nhà trường đều chưa có giáo viên chuyên môn về hoạt động này, chủ yếu phân công giáo viên kiêm nhiệm, thậm chí là nhiều giáo viên cùng phụ trách. Với những yêu cầu cần đạt được thì Hoạt động trải nghiệm liệu có cần có giáo viên bộ môn riêng không, thưa Phó Giáo sư?

Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục nên bất kỳ giáo viên nào được đào tạo sư phạm như giáo viên Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý,... đều có thể đảm nhiệm. Do trong quá trình học ở môi trường sư phạm, các giáo viên đều được đào tạo cách tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh.

Chỉ có điều, bất kỳ một sự đổi mới nào cũng cần thời gian để làm quen, thích ứng. Vì vậy, các giáo viên luôn được bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, đáp ứng đổi mới. Muốn tổ chức hoạt động tốt còn phụ thuộc vào sự tâm huyết, năng lực tự tìm hiểu, học hỏi của giáo viên.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa, cần làm gì để tổ chức tốt hoạt động này?

Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa: Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn khác nhau nhằm giúp giáo viên tiếp cận đúng với chương trình. Tuy nhiên, để hiệu quả còn phụ thuộc vào ý thức của các thầy cô và sự quản lý của lãnh đạo.

Tôi đã từng có những buổi tập huấn trực tuyến với số lượng tham gia vài nghìn người cùng lúc, đó là giáo viên của các tỉnh, thành. Tuy nhiên, ý thức tiếp thu của mỗi giáo viên tôi không nắm rõ được. Vì vậy, để tránh “công dã tràng” cần nâng cao ý thức của các thầy cô, cùng với đó là sự giám sát của lãnh đạo nhà trường trong việc quản lý giáo viên tham gia tập huấn.

Ngoài ra, để thực hiện được hoạt động giáo dục này, trước khi có những buổi tập huấn trực tiếp từ các chuyên gia thì giáo viên cần đọc kỹ quyển sách hướng dẫn giáo viên tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Từ đó, giáo viên sẽ biết cách tổ chức, còn để hiểu sâu và thêm được các yếu tố thú vị thu hút học sinh thì cần sự trau dồi, học hỏi thêm.

Phóng viên: Dù đã triển khai được 3 năm nhưng nhiều trường học vẫn lúng túng trong việc tổ chức hoạt động này, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Phó Giáo sư có đề xuất gì để hoạt động này đúng tính chất, hiệu quả và không gây khó cho các nhà trường?

Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa: Muốn tổ chức được tốt thì giáo viên, nhà trường, phụ huynh và xã hội phải hiểu đúng về hoạt động này. Nhiều người nghĩ rằng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là đưa học sinh đi thực tế bên ngoài, tham quan, dã ngoại, tổ chức các sự kiện ồn ào. Tuy nhiên, chương trình còn nhiều nội dung hơn thế và việc đi thực tế chỉ là một phần nhỏ.

Đây là hoạt động giáo dục bắt buộc nên cần tổ chức làm sao để có thể ngấm sâu vào ý thức của từng học sinh. Muốn như vậy, hoạt động cần được hiển thị thường xuyên trong thời khóa biểu của một tuần, biến nó thành thói quen lặp đi lặp lại, có như vậy mới rèn luyện được kỹ năng, thay đổi nhận thức học sinh.

Hoạt động nghe tên gần gũi nhưng không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu đủ. Thậm chí, một số giáo viên tổ chức hoạt động này cũng chưa hiểu rõ bản chất của nó, mang kinh nghiệm cũ của mình để hiểu cái mới thì không thể tường tận được.

Ngoài ra, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được biên soạn để mọi nhà trường có thể thực hiện và đạt yêu cầu cơ bản kể cả những trường còn gặp nhiều khó khăn. Chương trình không đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đưa học sinh đi ra bên ngoài nếu điều kiện nhà trường không cho phép. Bên cạnh đó còn khuyến khích các trường đa dạng hóa hình thức tổ chức và lựa chọn hình thức thực hiện phù hợp.

Phóng viên: Việc học sinh không tham gia đầy đủ các hoạt động tham quan, dã ngoại thì có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả đánh giá? Giáo viên đánh giá học sinh đạt/chưa đạt dựa trên các yếu tố nào, thưa Phó Giáo sư?

Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa: Trong mỗi chuyến đi thực tế khó có thể huy động được 100% học sinh tham gia vì vậy cần kiểm tra đánh giá một cách khoa học, phù hợp và đảm bảo tính công bằng.

Với hoạt động này, giáo viên không đánh giá dựa trên số lần học sinh tham gia đầy đủ các chuyến đi thực tế mà phải căn cứ vào kỹ năng học sinh đạt được. Ngoài ra, thầy cô cũng có thể dùng trắc nghiệm khách quan hoặc đưa ra các tình huống để học sinh giải quyết. Từ đó sẽ biết được học sinh có những kỹ năng gì và vận dụng được kỹ năng đó đến đâu. Có như vậy, việc đánh giá mới khách quan về mức độ phát triển của học sinh sau mỗi giai đoạn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa!

Anh Trang