Vừa qua, một giáo viên hiện đang giảng dạy tại trường trung học phổ thông Lê Minh Xuân, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh có chuyển một số ý kiến thắc mắc về với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một số các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của giáo viên, học sinh.
Phần thưởng của học sinh có em một năm rồi chưa nhận
Cụ thể, trong thư phản ánh của giáo viên viết: Năm học 2020-2021, tiền thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường có dùng để chi mua tập thưởng cho học sinh khá, giỏi của trường, nhưng đến nay vẫn chưa phát cho học sinh.
Trong cuộc họp hội đồng sư phạm cuối năm học này, giáo viên có hỏi thì hiệu trưởng có nói rằng, chưa phát thì bây giờ phát. Vậy nếu như giáo viên không hỏi thì học sinh đã chịu thiệt thòi rồi.
Trong năm học 2020-2021, thầy T.V.N. được phân công chủ nhiệm, giảng dạy môn Toán của lớp 12A3. Quá trình dạy học và làm chủ nhiệm của thầy N. đã bị nhiều phụ huynh của lớp này vào trường phản ánh, sau đó thầy hiệu trưởng Hồ Xuân Phúc đã cắt chủ nhiệm của thầy N. mà không lập tổ công tác xác minh sự việc.
Trường trung học phổ thông Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L) |
Khi xét thi đua cuối năm học thì thầy T.V.N. lại được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, đó là căn cứ để xét nâng lương trước hạn cho thầy N. là điều không công bằng với những giáo viên khác hiện đang giảng dạy trong nhà trường.
Hiệu trưởng Hồ Xuân Phúc hàng năm chỉ dạy 1 lớp môn Tin học (học kỳ 1 có dạy 1 tiết, học kỳ 2 có dạy 2 tiết). Trong khi đó, các giáo viên môn Tin học khác có dạy vượt giờ rất nhiều nhưng thầy hiệu trưởng lại dạy thiếu tiết.
Hiệu trưởng nói gì về việc này?
Ngày 4/6/2022, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Xuân Phúc – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đã trả lời thẳng thắn những vấn đề mà giáo viên đang quan tâm.
Theo thầy Hồ Xuân Phúc, nhà trường luôn quan tâm và coi trọng việc khen thưởng cho các em học sinh. Theo ngân sách thì tiền thưởng cho học sinh ít quá, nên trường đã vận động Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, nhận được sự đồng ý và đưa học sinh vào danh sách được khen thưởng, chủ yếu là học sinh giỏi.
Năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vào tháng 5/2021, khi nhà trường làm lễ tổng kết năm học thì Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, nên việc phát thưởng cho học sinh không thể thực hiện được.
Khi đó, nhà trường có yêu cầu là tách danh sách học sinh lớp 12 (năm học đó) được khen thưởng ra, do các em đã tốt nghiệp, còn những em học sinh lớp 10,11 sẽ phát sau do các em còn học ở trường.
Ngay trong tuần này, nhà trường sẽ phát hết phần thưởng cho học sinh. Thầy Hồ Xuân Phúc nói rằng, các phần thưởng tập của học sinh nếu chưa phát kịp thì cũng còn nguyên, chứ không mất đi đâu cả, do phần thưởng cũng đã mua hết rồi.
Đối với trường hợp xét nâng lương trước hạn của thầy T.V.N. thì thầy hiệu trưởng Hồ Xuân Phúc giải thích, việc nâng lương trước hạn đã có quy chế, tiêu chí nâng lương trước hạn, phải thỏa mãn được hết các điều kiện này.
Việc xét nâng lương trước hạn cần có hội đồng xét nâng lương trước hạn thảo luận.
Chiến sĩ thi đua cũng là một trong những điều kiện ưu tiên để giáo viên được xét nâng lương trước hạn.
Với trường hợp cụ thể của thầy T.V.N. thì thầy chưa bao giờ bị kỷ luật chuyện gì. Năm học 2020-2021, thầy N.dạy Toán ở lớp 12A3. Trong quá trình giảng dạy thì có khoảng 10 học sinh phản ánh, có ý kiến về việc dạy của thầy, như là ép học sinh, cho đề khó, dọa học sinh phải đóng 15.000 đồng nếu điểm dưới trung bình.
Lúc đó, trường cũng có lập một tổ công tác xác minh việc này, và nhận thấy theo nhận xét của tổ trưởng chuyên môn thì đề thầy N.cho là không khó, còn việc đóng 15.000 đồng là chưa có (thầy chỉ dọa).
Để giải quyết việc này, trường đã đồng ý đổi giáo viên dạy Toán ở lớp 12A3, thay bằng một giáo viên khác và thầy N. được phân dạy ở một lớp khác thay thế, để đảm bảo số tiết dạy của thầy N.
Sau một thời gian phấn đấu, quá trình giảng dạy của thầy N. đã tốt hơn. Việc xét nâng lương trước hạn cho thầy N. dựa vào quá trình công tác trong vòng 2 năm học liên tục của thầy đều đạt, nên tháng 9/2021, thầy N. được xét nâng lương trước hạn.
Về phản ánh thầy Hồ Xuân Phúc đứng lớp dạy môn Tin học không đủ tiết, thầy Phúc xác nhận, trong học kỳ 2 (năm học 2021-2022), thầy có đứng lớp dạy đầy đủ (2 tiết/tuần) ở lớp 11B1.
Còn trong học kỳ 1 năm học này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên học sinh học trực tuyến ở nhà, và thầy cũng dạy trực tuyến có 1 tiết/tuần. Theo đúng phân phối chương trình là phải dạy 1,5 tiết/tuần, nhưng phần còn lại thì thầy đưa bài tập lên hệ thống trực tuyến cho học sinh làm.
Cũng theo thầy Hồ Xuân Phúc, tình trạng phân công giáo viên giảng dạy tại trường theo đúng số tiết quy định/tuần không giống nhau, có người sẽ bị thiếu 1 hay 2 tiết/tuần, hay có giáo viên sẽ đủ số tiết quy định.
Giáo viên nào không đủ số tiết thì sẽ được phân công trực, hay làm công tác khác ở trường nhưng chắc chắn là sẽ có sự thỏa thuận từ trước.