Những ảnh hưởng do COVID đối với ngành Giáo dục trong năm học 2020-2021 đã nhìn thấy rõ, bước vào năm học 2021-2022 thì đợt dịch lần thứ 4 bùng phát rất khốc liệt với biến chủng Delta nguy hiểm. Như vậy tính từ tháng 5 (thời gian kết thúc của năm học cũ) thì đến nay học sinh ở nhiều địa phương trong đó có Thủ đô Hà Nội các em đã ở nhà, học online kéo dài 6 tháng liên tục.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng việc học online hoàn toàn như thời gian qua là bất đắc dĩ. Tuy nhiên nếu năm ngoái việc học trực tuyến nhiều nhất là 3 tháng thì năm nay đã lên tới 6 tháng.
“Khi lượng đổi thì ắt chất sẽ đổi. Thời gian ở nhà lâu quá, việc học online quá lâu đã dẫn tới nhiều hệ lụy”, thầy Khang tâm sự.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh) |
Nếu giai đoạn đầu năm 2020 bùng phát đợt dịch đầu tiên thì bố mẹ được làm tại nhà, trẻ con được tạm dừng đến trường. Khi đó bố mẹ có thể kèm con học nhưng thời gian ở nhà lâu khiến mâu thuẫn gia đình tăng cao.
Đến khi tình hình dịch bệnh ổn hơn chút thì bố mẹ được đi làm, nhưng trường học vẫn đóng cửa, chính điều này đã tạo ra sự không đồng bộ trong xã hội, trẻ em lớn thì không nói nhưng trẻ nhỏ đưa đến cơ quan làm việc thì không được, ở nhà không xong khi không có người trông mà lại phải học online vào đúng thời gian bố mẹ đang ở công ty, cơ quan.
Sự không đồng bộ đó nếu diễn ra trong 1-2 tuần thì có thể chịu đựng được nhưng kéo dài mấy tháng trời khiến phụ huynh rất bức xúc, dù không trách xã hội hay nhà trường mà tâm lý này bắt nguồn phần vì dịch COVID phức tạp, phần vì họ băn khoăn tới chỉ đạo của Thành phố Hà Nội liệu đã hợp lý chưa.
Giữ quan điểm phòng chống dịch là trên hết, là ưu tiên hàng đầu nhưng rồi cuộc sống phải duy trì, những lao động phải tránh dịch, giãn cách nhưng cũng phải ăn, muốn có ăn thì phải có tiền mua gạo, mua thực phẩm nhưng không đi làm thì lấy đâu ra tiền? Nếu 1-2 tuần thì có thể cầm cự nhưng kéo dài nửa năm thì nhiều gia đình lao đao.
Giờ đây đã quá nửa học kỳ 1 rồi, còn 1,5 tháng nữa là kết thúc học kỳ 1 mà học sinh vẫn đang học online ở nhà. Qua lắng nghe tâm tư của phụ huynh, thầy Khang thông tin hiện nay các bậc cha mẹ đang tồn tại song song tâm trạng vừa nôn nóng mong ngóng ngày con được đến trường nhưng lại lo âu khi đến trường rồi thì liệu có an toàn với COVID không.
Vì tồn tại song song 2 luồng tư tưởng đó nên trước khi có quyết định mở lại trường hay chưa là các phụ huynh lại bàn tán xôn xao.
Phải nói rằng, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã quan tâm nhiều đến vấn đề mở lại trường hay chưa. Mặc dù tỷ lệ mắc COVID của Hà Nội không cao điểm như các tỉnh phía Nam nhưng gần đây cứ trên dưới 100 ca/ ngày khiến dân lo, lãnh đạo lo nên ban đầu định mở cửa trường ở các quận, huyện ngoại thành thì sau đó lại quyết định chỉ học sinh khối 9 của huyện Ba Vì được đi học trực tiếp.
Thầy Khang cho rằng, trong kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua Chính phủ đã nói rất rõ, Đại biểu Quốc hội cũng nêu rất rõ đó là phải có thái độ nhìn nhận, quan điểm rõ ràng trong công tác phòng chống dịch một cách linh hoạt chứ chờ “sạch” COVID thì không biết bao giờ.
Nhìn nhận từ thực tiễn, qua lắng nghe tâm tư của phụ huynh, thầy Khang cho rằng trước tiên cần sớm triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 12-17 tuổi. Khi tiêm vắc xin cho thấy, về mặt y tế có tác dụng phòng ngừa COVID khá hiệu quả và cũng làm cho lãnh đạo, nhân dân yên tâm hơn, ổn định về mặt tâm lý có niềm tin cho các con đến trường đến học tập.
“Cần có thái độ rõ ràng nơi nào có F0 thì cô lập, trong du lịch có bong bóng du lịch vậy trong giáo dục cũng nên có bong bóng giáo dục. Tức là lớp nào có F0 thì có cách ly lớp đó, tòa nhà đó, thậm chí cách ly tại nhà để khỏi lây lan rộng chứ không phải trong trường xuất hiện 1-2 ca F1, F0 mà đóng cửa cả trường, đóng cửa trường trên toàn quận, toàn thành phố. Kỳ thực "chết" vì COVID thì chưa thấy nhưng "chết" vì chất lượng giáo dục đang hiện hữu mỗi ngày”, thầy Khang nói.
Coi giờ học khi học sinh được quay trở lại trường là giờ vàng
Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm vắc xin gần xong cho trẻ từ 12-17 tuổi và đang đề xuất với Chính phủ cho tiêm vắc xin đối với trẻ từ 2-12 tuổi. Đây là một chủ trương rất đúng. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh là tâm điểm nóng nhất cả nước chịu ảnh hưởng của dịch COVID nhưng từ đầu tháng 10 đến nay bằng việc xử lý đúng hướng, đúng quan điểm chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 128 đã cho thấy tình hình được cải thiện rõ rệt.
Từ thực tế của Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Khang đánh giá quan điểm chỉ đạo của Thành phố Hà Nội trong công tác phòng chống dịch COVID còn quá thận trọng, vận dụng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128 còn chưa linh hoạt, vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề quan điểm zero COVID. Đành rằng với quan điểm giữ thành quả phòng chống dịch lâu nay để không xảy ra bùng phát lớn như Đồng Nai, Bình Dương… là đúng nhưng nếu chỉ chăm chăm giữ thành quả đó mà không lo sản xuất, không mở cửa để học hành thì không thể được.
Những bất cập này, thầy Khang có đôi điều muốn gửi gắm, trước tiên Thành phố Hà Nội cần khẩn trương tiêm vắc xin cho trẻ 12-17 tuổi. Đồng thời cần thống nhất quan điểm từ trên xuống dưới về quan điểm chống dịch “bong bóng giáo dục” tức là ở đâu có dịch thì cô lập nơi đó chứ không thể cứ mãi học online như hiện nay.
“Tôi tán thành quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là trân trọng giờ học khi học sinh được quay trở lại trường, coi đó là giờ vàng.
Hiểu theo nghĩa này khi học sinh được quay trở lại trường thì chúng tôi sẽ sử dụng thời gian học sinh học trực tiếp để củng cố, bù đắp, khỏa lấp khoảng trống về chất lượng do học online quá lâu.
Nói gì thì nói, học online không thể so sánh với học trực tiếp. Đừng tự an ủi rằng, học online vẫn đảm bảo chất lượng trong khi chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu sang học kỳ 2 mà học trò vẫn chưa được đến trường thì nên cho toàn bộ học sinh học lại 1 năm. Chứ học online kéo dài cả 1 năm trời thì chất lượng sẽ chỉ bằng 20% so với học trực tiếp”, thầy Khang giãi bày.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.