Nên dừng việc thao giảng ở những địa phương đang dạy và học trực tuyến

12/11/2021 08:48
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy 1 tiết trực tuyến cho học trò bình thường đã cực thì việc giáo viên phải đảm nhận tiết thao giảng hội đồng bộ môn còn cực gấp nhiều lần.

Bước vào năm học 2021-2022, ngành giáo dục phải đối mặt với bộn bề những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra nhưng việc dạy và học ở các nhà trường vẫn diễn ra theo các kế hoạch của năm học- đây là sự nỗ lực của toàn ngành rất đáng được trân trọng.

Song, điều đáng băn khoăn là ngành giáo dục ở một số địa phương vẫn phát động các cuộc thi, hội thi một cách bình thường như không hề có những khó khăn mà thầy và trò ở các nhà trường đang phải đối mặt.

Giáo viên vẫn thi giáo viên giỏi trực tuyến, ôn học sinh giỏi trực tuyến, dự giờ trực tuyến…Đặc biệt, các tiết thao giảng chuyên đề cấp tổ, cấp trường hay hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh vẫn diễn ra bình thường không có gì thay đổi so với trước đây.

Nhưng, khó khăn, áp lực cho giáo viên thì nhiều không kể xiết, nhất là các tiết thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh đang được một số địa phương tổ chức.

Những giáo viên dạy minh họa thường gặp rất nhiều áp lực từ nhiều phía (Ảnh minh họa: moet.gov.vn)

Những giáo viên dạy minh họa thường gặp rất nhiều áp lực từ nhiều phía

(Ảnh minh họa: moet.gov.vn)

Người đứng ra dạy minh họa tiết chuyên đề vất vả vô cùng

Mỗi khi được phân công tổ chức dạy thao giảng chuyên đề do hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh thì những tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường thường lo ngay ngáy. Bởi vì tiết dạy minh họa rất áp lực nên khi tổ trưởng phân công cho giáo viên trong tổ thực hiện tiết dạy minh họa thì nhiều người thường đưa ra lý do khác nhau để thoái thác.

Đặc biệt là trong năm học này, đa phần các tỉnh phía Nam đang phải dạy trực tuyến nên thao giảng cũng thực hiện trực tuyến luôn. Và, năm học này thì một số lớp bắt đầu dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên mọi thứ đều mới mẻ, khó khăn càng khiến cho giáo viên có thêm nhiều lý do để không phải dạy minh họa.

Trong khi, những địa phương thao giảng hội đồng bộ môn thường chọn các khối lớp vừa thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới để minh họa cho chuyên đề.

Chính vì thế, khi được phân công dạy tiết minh họa mà hội đồng bộ môn phân công thì giáo viên thường tìm cách để chối từ vì nó có quá nhiều áp lực, khó khăn và chắc chắn sẽ mất nhiều thứ…

Nếu phân công được giáo viên dạy minh họa thì tổ trưởng chuyên môn đỡ vất vả một phần vì chỉ còn lo xây dựng tiết dạy và xây dựng chuyên đề thôi. Nếu trong tổ mà ai cũng thoái thác thì tổ trưởng chuyên môn phải đứng ra dạy luôn tiết minh họa cho chuyên đề.

Lúc đó, một mình tổ trưởng sẽ phải đóng nhiều vai khác nhau. Vừa là người xây dựng chuyên đề, vừa là người soạn giáo án, đứng ra giảng dạy, báo cáo chuyên đề cho hội đồng bộ môn.

Dạy 1 tiết trực tuyến cho học trò bình thường đã cực thì việc giáo viên phải đảm nhận tiết thao giảng hội đồng bộ môn còn cực gấp nhiều lần.

Ngoài sự chuẩn bị của người thầy thì một phần không thể thiếu được nữa là phân công nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị bài. Nếu các em hợp tác, tích cực tương tác với thầy trong tiết dạy minh họa thì xem như là thành công.

Ngược lại, nếu học sinh ít phát biểu hoặc không thực hiện nhiệm vụ phân công thì tiết đó người thầy dạy minh họa sẽ lãnh đủ…

Nhưng, cái cực của giáo viên thực hiện tiết khi thao giảng trực tuyến cũng vơi đi phần nào nếu khi thao giảng xong mà giáo viên các trường góp ý tế nhị. Nhiều khi gặp những giáo viên vạch lá tìm sâu thì chán ngán thêm nhiều ngày sau nữa.

Các địa phương nên tạm dừng việc thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh khi đang dạy và học trực tuyến

Lâu nay, báo chí đã phản ánh khá nhiều về tình trạng “diễn” trong các tiết thao giảng chuyên đề nhưng biết làm sao được. Giờ dạy càng nhiều “tính kịch” thì tiết thao giảng mới ít bị bắt bẻ, chê bai và điều này đã trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” với ngành giáo dục.

Bởi, mỗi tiết thao giảng cấp huyện, cấp tỉnh thì số lượng giáo viên về dự giờ bao giờ cũng đông hơn số lượng học sinh tham gia học tập. Sau mỗi tiết dự giờ như vậy là mỗi người mỗi ý kiến đóng góp cho chuyên đề. Chuyện khen, chê là điều không tránh khỏi.

Nhưng, vấn đề đặt ra là sau mỗi tiết thao giảng chuyên đề như vậy thì giáo viên có học hỏi được gì hay không để áp dụng cho công việc của mình mới là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.

Chúng tôi thiết nghĩ, giáo viên chẳng học hỏi được bao nhiêu sau những tiết thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh. Bởi, thông thường những tiết thao giảng đó quá hoàn hảo, được đầu tư quá lớn mà trong những tiết dạy bình thường khó có thể áp dụng được.

Có lẽ, trong tình hình hiện nay, nhiều địa phương đang dạy và học trực tuyến, nhiều giáo viên đang giảng dạy ở những lớp học chương trình mới nên họ rất vất vả, áp lực và phải đầu tư rất nhiều thời gian cho chuyên môn.

Hơn lúc nào hết, lãnh đạo ngành cần nên giảm đi những áp lực không cần thiết cho họ. Dự giờ trực tuyến cũng được nhưng chỉ nên diễn ra trong phạm vi ở tổ chuyên môn để giáo viên có thể học hỏi nhau về kinh nghiệm, về phương pháp, kĩ thuật dạy học và chỉ nên dừng lại ở việc rút kinh nghiệm, không xếp loại tiết dạy.

Hãy bỏ đi những hội thi, những cuộc thi không thật sự cần thiết mà gây ra những áp lực cho thầy và trò ở các nhà trường.

Đặc biệt, những tiết thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh thì không nên tổ chức đối với những nơi chưa thể đến trường học trực tiếp. Để có 1 tiết dạy minh họa thành công thì đơn vị sở tại phải chuẩn bị mất nhiều ngày.

Đặc biệt, người đứng ra dạy minh họa vất vả và áp lực vô cùng. Bởi, lúc này họ không chỉ dạy cho học trò mà đang có mấy chục đồng nghiệp đang chăm chú theo dõi từng hoạt động dạy học qua màn hình. Đó là chưa kể nhiều phụ huynh học sinh cũng đang dõi theo thầy cô của con mình qua từng cử chỉ, lời nói…

Nhưng, sau mỗi tiết dạy chuyên đề như vậy thì điều quan trọng là nó có giúp ích được gì cho người dự giờ hay nó chỉ tạo ra những áp lực cho thầy và trò đang dạy và học trực tuyến tiết học đó mà thôi!

Hy vọng, các Sở, Phòng Giáo dục của một số địa phương cần có những chỉ đạo phù hợp với thực tế. Lúc này, những hình thức, những áp lực vô hình cần phải tạm ngưng lại để thầy và trò ở các nhà trường tập trung cho việc dạy và học bình thường đã là tốt lắm rồi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN